Aa

Bất động sản TP.HCM hưởng lợi gì từ APEC?

Thứ Ba, 14/11/2017 - 23:01

Quỹ đất rộng, chính sách thu hút đầu tư được lãnh đạo TP.HCM đặt lên hàng đầu cùng với hàng trăm dự án “đắp chiếu” chờ nhà đầu tư ngoại vào M&A… là những gì mà thị trường bất động sản TP.HCM đang chờ đợi sau sự kiện APEC.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, trong tuần lễ APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) diễn ra tại Đà Nẵng vừa qua có tới hơn 20% doanh nghiệp đến từ các quốc gia trên thế giới có hoạt động liên quan tới thị trường bất động sản. Nguyên nhân được cho rằng, giới đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy cơ hội tại thị trường bất động sản Việt Nam. 

Cơ hội của Việt Nam

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng không phải thị trường nào cũng được hưởng lợi từ APEC, bởi hiện nay bất động sản Việt Nam đang có độ bão hòa ở một số phân khúc và tỉnh thành.

Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng đối với bất động sản thì APEC sẽ như làn gió mới cho thị trường này, đặc biệt ở phân khúc khu công nghiệp và căn hộ, tuy nhiên, thị trường mà doanh nghiệp nước ngoài đổ bộ vào chỉ có số ít.

Phân tích kỹ về ý kiến này, lãnh đạo Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng đối với các tỉnh thành phía bắc hiện đã có sự dịch chuyển trong ngành logistics, những năm 2000 - 2015, thị trường khu công nghiệp phía bắc phát triển khá mạnh, các khu công nghiệp mọc ra nhiều, doanh nghiệp nước ngoài tới đây đông. Nhưng từ năm 2015 tới nay thị trường thay đổi, doanh nghiệp nước ngoài đã đổ bộ vào thị trường phía nam là chủ yếu, đặc biệt là TP.HCM và Đồng Nai.

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, phân khúc này cũng không phải thế mạnh của các tỉnh phía bắc mà tập trung chủ yếu tại các tỉnh ven biển miền trung.

Thị trường bất động sản TP.HCM đứng trước cơ hội phát triển nhờ APEC.

Thị trường bất động sản TP.HCM đứng trước cơ hội phát triển nhờ APEC.

Đối với thị trường bất động sản căn hộ, nhà phố thì hiện lại tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trong khi đó thị trường Hà Nội đang bão hòa bởi có nhiều dự án mới, quỹ đất cũng không còn nhiều và đa phần doanh nghiệp trong nước chiếm thị phần chính.

Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, hiện công ty đang có nhiều đơn đặt hàng nghiên cứu và giới thiệu dự án bất động sản tại Việt Nam cho các chủ đầu tư nước ngoài, trong đó nhiều nhất vẫn là nhà đầu tư tới từ Mỹ.

Đại diện một doanh nghiệp đến từ Mỹ tham dự APEC và có mặt tại phiên gặp gỡ lãnh đạo TP.HCM vừa qua nói,  trước khi cùng đoàn APEC của Mỹ sang Việt Nam, ông đã qua Việt Nam nghiên cứu thị trường bất động sản thông qua Công ty tư vấn CBRE. Ông ấn tượng với thị trường bất động sản Việt Nam bởi sau khi thị trường đi xuống năm 2007 và 2010 thì giờ đây đã hồi phục nhanh, phát triển khá mạnh. Thêm nữa, Luật Nhà ở năm 2014 có điều khoản cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

“Ngày càng có nhiều đơn vị đầu tư nước ngoài không chỉ tỏ ra hứng thú với thị trường Việt Nam, mà bắt đầu có những động thái nhập cuộc. Đặc biệt, chính sách mở cửa kêu gọi nhà đầu tư ngoại của Chính phủ Việt Nam đã tạo ra sức hút dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản”, vị doanh nghiệp Mỹ nói.

TP.HCM hưởng lợi lớn

Theo giới phân tích thị trường bất động sản, sau khi APEC kết thúc thì bất động sản TP.HCM sẽ là thị trường hưởng lợi lớn nhất.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng thị trường TP.HCM có quá nhiều lợi thế để hút doanh nghiệp nước ngoài, trong đó quỹ đất là một lợi thế.

Theo ông Châu, TP hiện nay đang có quỹ đất rất rộng mà hoạt động không hiệu quả. Đơn cử như Nông trường Phạm Văn Hai tại huyện Bình Chánh TP.HCM với diện tích 10,158 ha, trong đó hầu như diện tích đang bỏ hoang.

Hiện TP đang có chính sách đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư, còn khá nhiều đất nông nghiệp tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Quận 2, Quận 9… không thể trồng lúa hay thủy sản và đang bỏ hoang.

Ngoài ra, TP.HCM còn khoảng 500 dự án bất động sản “đắp chiếu”, đây được coi là một kênh đầu tư tốt cho doanh nghiệp nước ngoài bởi những dự án này hầu như đã hoàn thiện thủ tục pháp lý đầy đủ…

Tháng 10 vừa qua, UBND TP.HCM tiếp tục thông báo mời gọi các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào hơn 130 dự án, trong đó 116 dự án xã hội hóa, 11 dự án quốc gia và 6 dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Việc này sẽ thực hiện theo các hình thức như BT, PPP… các nhà đầu tư sẽ xây dựng hạ tầng và TP sẽ trả bằng quỹ đất.

Bên cạnh đó, một quỹ đất rộng lớn đang được các nhà đầu tư nước ngoài "nhóm ngó" theo lời mời của TP.HCM là 6 dự án khách sạn nghỉ dưỡng đô thị, 4 dự án xây dựng trường học tiêu chuẩn quốc tế, 1 dự án xây dựng nhà hát nghệ thuật tổng hợp tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2.

Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc điều hành Savills Việt Nam, cho rằng hơn bao giờ hết, lúc này TP.HCM cần xác định rõ mọi cơ hội cần được nắm bắt và hành động có chiến lược để hút nhà đầu tư ngoại vào phát triển thị trường bất động sản TP để tận dụng tất cả các lợi thế có được từ sự quan tâm của cộng đồng quốc tế với Năm APEC 2017.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top