Aa

Bất động sản TP.HCM: "Miếng bánh ngọt" thu hút đầu tư nước ngoài

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 31/12/2018 - 17:00

Năm 2018, thị trường địa ốc TP.HCM có dấu hiệu chững lại khi suy giảm cả về nguồn cung lẫn số lượng giao dịch. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự chững lại này là cần thiết để điều tiết thị trường đi đúng hướng. Dự báo trong thời gian tới, cùng với sự phát triển ngày càng đồng bộ của hạ tầng, thị trường bất động sản TP. HCM sẽ trên đà phục hồi và tăng trưởng ổn định.

Đòn bẩy hạ tầng

TP.HCM đang tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đô thị mới, trước hết là đường giao thông, cầu cạn trên cao, các tuyến metro, đường sắt trên cao; nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất…Sự phát triển hạ tầng này sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp "ăn theo" để đầu tư, phát triển thị trường bất động sản cả trong trung hạn và dài hạn.

Năm 2018,  TP.HCM đã dần hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa thành phố với các quận, huyện vùng ven và các tỉnh lân cận. Đây là hướng đi dài mà thành phố đã đề ra trong nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2016 - 2020, đó là hoàn thiện hạ tầng giao thông , thực hiện nhiệm vụ giãn dân ra vùng ven làm giảm áp lực dân số trung tâm.

Tại khu Đông, TP.HCM đang đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng nâng cấp mở rộng các trục giao thông chính như Nguyễn Xiển, Lò Lu, Đỗ Xuân Hợp, xây cầu Phú Hữu, cầu Tăng Long, cầu nối Long Thành (Đồng Nai), cầu Thủ Thiêm 2, 3 và 4…, góp phần giảm áp lực giao thông cho khu vực, thu hút lượng vốn lớn vào bất động sản khu vực này.  Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lớn đều có dự án tại đây. Có thể kể đến tập đoàn Vingroup với dự án VinCity quận 9, Đại Quang Minh với Khu đô thị Sa La, Tập đoàn Novaland với một loạt dự án ở quận 2, quận 9, Đất Xanh Group với dự án Gem Riverside, Phúc Khang Corp với dự án Rome by Diamond Lotus…

Tòa Bitexco - Biểu tượng của TP.HCM

Tòa Bitexco - Biểu tượng của TP.HCM.

Theo bà Võ  Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tư vấn, Savills TP.HCM, sự phát triển hạ tầng là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhà ở tại thành phố này. Trong 9 tháng đầu năm 2018, quận 2 và 7 với tốc độ đô thị hóa nhanh và sự phát triển hạ tầng đã góp phần thu hút người mua và làm tăng mức độ tiêu thụ của căn hộ đồng thời tăng lòng tin của các chủ đầu tư phát triển dự án. Quận 7 đứng đầu thị trường về lượng tiêu thụ với 17% thị phần, quận 2 chiếm 15% thị phần. Khi cầu Thời Đại đi vào hoạt động đã làm tăng sự thu hút cho khu vực phường Thạnh Mỹ Lợi do tăng tính kết nối đến khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu trung tâm thành phố.

“Miếng bánh ngọt” của các nhà đầu tư ngoại

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong 10 tháng 2018, thành phố thu hút 5,47 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 50% so với cùng kỳ (bao gồm cả cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần, góp vốn).

Trong đó, cấp mới 711 dự án, tổng vốn 640,57 triệu USD, tăng 22,8% về dự án và bằng 70% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 3, chiếm 20,2% tổng vốn đăng ký mới.

Thị trường bất động sản TP.HCM đang là

Thị trường bất động sản TP.HCM đang là "miếng bánh ngọt" thu hút dòng vốn ngoại.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang nhìn thấy “miếng bánh ngọt” ở thị trường bất động sản TP.HCM như thu nhập người dân TP.HCM tăng cao, nhu cầu sở hữu nhà ở lớn, dân số TP.HCM hiện lên tới 13 triệu người và đang có chiều hướng tăng. Thông qua hình thức hợp tác với doanh nghiệp nội có quỹ đất sạch, các doanh nghiệp nước ngoài đang coi TP.HCM là thị trường có tiềm năng sinh lời cao khi đổ vốn đầu tư bất động sản. Làn sóng bắt tay nội ngoại để cùng phát triển dự án bất động sản diễn ra sôi động tại thị trường TP.HCM.

Cụ thể, trong năm 2018, TP.HCM chấp thuận cho 2.155 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 4,28 tỷ USD, tăng 36,5% về số trường hợp và tăng gấp 2,1 lần về vốn đầu tư đăng ký. Trong đó,  hoạt động kinh doanh bất động sản dẫn đầu khi chiếm tới 47,3% tổng vốn đăng ký, tương đương với khoảng hơn 2 tỷ USD. Các nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Trung Quốc…

Các chủ đầu tư đến Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt chú trọng vào các khu vực trung tâm thành phố, gần vị trí các tuyến metro. Các nhà đầu tư Hồng Kông và Đài Loan cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt vào thị trường chung cư và căn hộ dịch vụ.

FDI đã tạo cho TP.HCM một lực lượng doanh nghiệp địa ốc liên doanh có tiềm lực, thế mạnh, điển hình là Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, Công ty Nam Long hợp tác với Hankyu Hanshin Toho Group và Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản), Công ty Tiến Phước, Trần Thái hợp tác với Keppel Land (Singapore)...

Nhu cầu cao, căn hộ bình dân sẽ chiếm lĩnh thị trường

Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, căn hộ bình dân sẽ chiếm 60% thị trường nguồn cung từ nay đến năm 2021, vì phân khúc này đáp ứng nhu cầu sử dụng của phần đông người dân TP.HCM với 90% người mua nhà có nhu cầu ở thực.

Bà Võ Khánh Trang cho biết, tỷ lệ hấp thụ của phân khúc căn hộ bán đang đạt mức cao nhất trong 5 năm vừa qua.  Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường ở mức hơn 80% tương đương hơn 38.000 căn hộ được tiêu thụ, con số này cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, căn hộ Hạng C chiếm ưu thế với 75% tổng lượng giao dịch trên thị trường. Trong giai đoạn tiếp theo, phân khúc này dự kiến sẽ tiếp tục mức hấp thụ tốt, tuy nhiên, lượng nguồn cung sơ cấp của thị trường vẫn tiếp tục đà giảm.

Theo, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc công ty bất động sản Đất Lành, trong năm 2019, phân khúc nhà ở trung bình, có giá từ 20 – 40 triệu đồng/m2 sẽ tiếp tục dẫn dặt thị trường bất động sản TP.HCM. Sự chênh lệch cung cầu của phân khúc này cho thấy các nhà đầu tư hiện nay chưa mặn mà nhưng đồng thời cũng chứng tỏ tiềm năng, dư địa của phân khúc nhà giá rẻ còn rất lớn. Hiện nay, phân khúc cao cấp đã mất uy tín trầm trọng, dẫn đến thừa cung.

Ông Đực dự báo, năm 2019, khu vực phát triển nóng nhất của thị trường bất động sản TP.HCM vẫn là khu vực phía đông “ăn theo”  tuyến đường Metro (Bến Thành – Suối Tiên). Bên cạnh đó, khu vực phía nam (Phú Mỹ Hưng, quận 7, quận 8) và khu vực tiềm năng khu Tây Bắc (hướng về phía Củ Chi, Bình Tân) cũng là những điểm hứa hẹn sẽ phát triển sôi động.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Vũ Thiên Diễm, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group nhận định, nguồn cung đang khan hiếm nên thị trường căn hộ  2019 “nóng” là điều dễ hiểu. Thị trường TP.HCM trong năm tới sẽ sôi động ở vùng lân cận, bởi quỹ đất ở các khu trung tâm đã cạn kiệt. Các khu vực xung quanh đặc biệt vùng ven của TP.HCM đang được các nhà đầu tư, khách hàng đón chờ.

Bên cạnh đó, với đặc thù là thành phố có nền kinh tế phát triển nhất cả nước, nhiều lao động trẻ từ các tỉnh thành ồ ạt đổ về TP.HCM sinh sống và làm việc khiến nhu cầu nhà ở tăng cao. Trong số này, thế hệ Y (khoảng 20 – 30 tuổi) chiếm 40% dân cư toàn thành phố, tương đương 3,32 triệu người. Nhóm đối tượng này có tính độc lập cao, thường sống độc thân hoặc theo gia đình nhỏ và đã có tích luỹ tài chính cho bản thân. Đây là nguồn cầu lớn cho phân khúc căn hộ bình dân.

Thời gian tới TP.HCM sẽ ưu tiên đưa người dân về quận, huyện ngoại thành sinh sống, siết chặt đăng ký hộ khẩu mới tại khu vực trung tâm. Trong điều kiện quỹ đất nội đô ngày một thu hẹp, đây là giải pháp tối ưu, là yếu tố tiềm năng cho thị trường bất động sản vùng ven phát triển. Để thực hiện chính sách này, UBND TP.HCM đã xây dựng hạ tầng giao thông, chuẩn bị quỹ đất sạch cho doanh nghiệp ngành địa ốc phát triển dự án bất động sản vùng ven, đây sẽ là nguồn hàng lớn với giá phù hợp cho người dân thành phố có thể mua được nhà.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top