Đâu là kênh đầu tư hiệu quả?
Dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, du lịch gần như “đóng băng” khiến nguồn thu sụt giảm trầm trọng, gây tâm lý hoang mang trong giới đầu tư.
Trên thực tế, kênh đầu tư về vàng, ngoại tệ hiện nay cũng khiến không ít nhà đầu tư dè dặt bởi những biến động khó lường của thị trường trong thời gian gần đây. Trong khi đó, thị trường chứng khoán có lẽ là lĩnh vực chịu tác động nhanh nhất của dịch bệnh và nếu nhìn vào những con số cụ thể thì đây cũng là ngành thiệt hại nhiều nhất. Tâm lý lo lắng của nhà đầu tư dẫn đến động thái mua bán thất thường, chủ yếu là bán tháo khi giá cổ phiếu giảm. Hơn nữa, vì ảnh hưởng của dịch bệnh mà doanh nghiệp niêm yết cũng không thể tiếp tục kinh doanh, sản xuất khiến lợi nhuận đi xuống…
Một số quan điểm khác thì cho rằng, với việc ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động trong thời gian gần đây thì việc nhà đầu tư tính phương án gửi tiền tiết kiệm chưa hẳn đã là lựa chọn khôn ngoan. Trong bối cảnh này, việc tìm kiếm kênh đầu tư an toàn, ổn định, hiệu quả trở thành vấn đề bức thiết.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mặc dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế, thế nhưng bất động sản là ngành ít chịu tác động trực tiếp từ đại dịch, đồng thời được xem là kênh đầu tư an toàn.
Theo ông Nguyễn Hữu Huy - Giám đốc Phục Hưng Corporation, hiện tại sức mua trên thị trường bất động sản có giảm vì tâm lý nhà đầu tư muốn bảo toàn vốn. Nhưng trên thực tế, so với các ngành nghề kinh doanh khác, việc đầu tư kinh doanh bất động sản nhà ở vẫn luôn là kênh đầu tư ổn định bởi giá bất động sản trong nhiều năm trở lại đây chưa một lần biến động giảm.
Mặt khác, nhu cầu mua giảm sút trong giai đoạn này cũng tạo ra cơ hội để nhà đầu tư thực dụng có thể cân nhắc lựa chọn sản phẩm giá cả hợp lý, chất lượng và đầy đủ tính pháp lý.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Bất động sản Đông Á cho hay, đầu tư kinh doanh bất động sản thời điểm này là phù hợp, đồng thời cũng là dịp giúp “thanh lọc” thị trường bất động sản.
“Dòng tiền nhàn rỗi của người dân hiện nay rất nhiều bởi các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ… đã bị “đóng băng”, trong khi kinh tế khó khăn kéo theo lãi suất huy động tại các ngân hàng xuống thấp. Việc giảm lãi suất huy động tiền gửi quyết định tới tâm lý của người gửi, thậm chí nhiều người không mặn mà gì với việc đầu tư tiền gửi. Trong khi đó, đầu tư vào vàng, đô-la trong bối cảnh hiện nay cũng chưa thực sự an tâm vì sự "phập phù" của thị trường. Trong bối cảnh này, đầu tư bất động sản được cho là lựa chọn tốt nhất”, ông Đoan cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Cao Tiến Đoan, nhà đầu tư nên lựa chọn kinh doanh bất động sản ở những dự án có tính pháp lý đảm bảo để tránh rủi ro, mức độ sinh lời sau này.
“Đầu tư cho bất động sản có hai dòng. Dòng thứ nhất là nhà đầu tư bất động sản đổ tiền vào các dự án chưa đầy đủ về mặt pháp lý, tức chưa đủ điều kiện mở bán. Ví dụ như các dự án trúng đấu giá chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; các bất động sản trên giấy hoặc “bán lúa non”, dự án "ma". Đầu tư kiểu này rất dễ gặp rủi ro, hay nói cách khác, người ta gọi kiểu đầu tư này là “chìm thuyền trong hầm”. Đầu tư vào các dự án chưa đủ pháp lý cũng khiến nguy cơ mất vốn hiện hữu. Trong khi đó, an ninh xã hội cũng bị ảnh hưởng bởi các dự án “ma”, lừa đảo.
Kênh thứ hai là đầu tư bất động sản đầy đủ pháp lý. Thực tế, giá bất động sản không xuống mà luôn tăng. Khi đầu tư vào bất động sản đầy đủ pháp lý, uy tín thì nhà đầu tư, giới kinh doanh có thể huy động vốn (cầm cố bất động sản) để đầu tư cho các hoạt động kinh doanh khác.
Do đó, khi các kênh đầu tư hạn hẹp và bị "đóng băng" do ảnh hưởng của dịch bệnh, bất động sản vẫn là kênh an toàn và có khả năng sinh lời cao.
Các dự án pháp lý bài bản, nhất là có sẵn sổ đỏ, luôn được người dân ưa chuộng hơn cả. Do đó, đối với những doanh nghiệp có quỹ đất sạch, dự án tốt, uy tín, đầy đủ pháp lý thì đây sẽ là cơ hội của các nhà đầu tư”, ông Đoan nói.
Tháo gỡ pháp lý sẽ khơi thông dòng chảy bất động sản
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động kinh doanh bất động sản nhà ở bao giờ cũng có độ trễ hơn so với các ngành nghề khác, ngoại trừ bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
“Thực tế ở nhiều địa phương, phân khúc nhà ở với mức giá bình dân hiện nay vẫn nhận được sự quan tâm của khách hàng bởi nó nằm trong kế hoạch tài chính đã được chuẩn bị sẵn trước đó của người mua. Giao dịch nhà ở trong thời điểm này cũng góp phần làm ổn định thị trường, trong khi đó nhu cầu đầu tư tiềm ẩn ở phân khúc này vẫn xuất hiện.
Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài thì kế hoạch mua nhà, đầu tư bất động sản của họ có thể sẽ bị giãn ra để ưu tiên phục vụ cho việc ổn định cuộc sống”, ông Đính cho hay.
Lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, việc ban hành ra những chính sách nhằm đồng hành với doanh nghiệp để vượt qua cơn bão khủng hoảng có thể khiến nguồn cung bất động sản thời gian tới được khơi thông.
“Việc ban hành chính sách rõ ràng và khung pháp lý chặt chẽ cho kinh doanh bất động sản sẽ giúp giải quyết các vấn đề về nguồn cung. Việc này cũng đem lại niềm tin cho các nhà phát triển bất động sản để có thể tiếp cận các dự án theo cách nhanh hơn, tháo gỡ vấn đề về nguồn cung sản phẩm trên thị trường. Mặt khác, khi nguồn cung được tháo gỡ cùng với áp lực kinh tế sau dịch có thể khiến bất động sản giảm giá sẽ là yếu tố giúp người dân tiệm cận tốt hơn với các dự án hợp túi tiền. Đây cũng là cơ hội của nhà đầu tư, đồng thời giúp thị trường có thể hồi phục sớm hơn”, ông Đính nói.
Ông Đính cũng nhận định, việc nhà đầu tư xuống tiền nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào tình hình dịch: “Thực tế các ngân hàng trong thời gian vừa qua tăng tỷ lệ tiền gửi. Đó là tiền của các nhà đầu tư cắt từ thị trường chứng khoán, thậm chí bán lỗ so với giá trị doanh nghiệp để bảo toàn vốn và xem xét đầu tư những gì có lợi. Nếu đánh giá việc đầu tư bất động sản là an toàn, hiệu quả trong thời điểm này cũng có cơ sở”.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, giao dịch bất động sản trong mùa dịch rõ ràng giảm so với thời điểm trước, tuy nhiên, đầu tư cho bất động sản thời điểm này là bình thường: “Thời điểm này, việc đầu tư hay không phụ thuộc vào tâm lý của nhà đầu tư. Còn theo tôi, việc đầu tư bất động sản trong thời điểm hiện tại là việc bình thường. Tuy nhiên, việc đầu tư và đầu tư như thế nào tùy thuộc vào quan điểm từng người”.
Vì sao thị trường bất động sản Thanh Hóa vẫn “nóng” giữa đại dịch Covid-19?
Thanh Hóa sở hữu vị trí địa chính trị quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ, thuộc top tỉnh có khả năng thu hút vốn đầu tư FDI cao nhất cả nước. Năm 2019, tỉnh đã thu hút được 210 dự án đầu tư trực tiếp với số vốn đăng ký là 24.850 tỷ đồng, tăng 16,2% và 344,3 triệu USD (gấp 4,5 lần so với cùng kỳ). Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 125.000 tỷ đồng (tăng 22,6% so với cùng kỳ). Điều này đã tạo việc làm mới cho hơn 69.000 lao động, thu nhập dân địa phương tăng đáng kể, đồng thời thu hút lượng lao động tập trung cao.
2019 cũng là năm đánh dấu Thanh Hóa có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất từ trước tới nay, đạt 17,15%, là một trong những tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất. Công nghiệp tăng trưởng tới 32,6%; dịch vụ du lịch, cảng biển bắt đầu phát triển mạnh, tăng trưởng nhanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 108.643 tỷ đồng, vượt 3,5% kế hoạch, tăng 15,2% so với cùng kỳ.
Cuối 2019 đầu 2020, dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng tới địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và Thanh Hóa là một trong số đó.
Có thể nói, Thanh Hóa đang phát triển toàn diện. Mức sống của người dân tăng cao, kéo theo nhu cầu sở hữu bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở, chung cư cao cấp.