Phát triển chậm
Bất động sản xanh được xây dựng từ những vật liệu thân thiện với môi trường, sự dụng những thiết bị giúp tiết kiệm điện, nước, có thiết kế nhiều gió và ánh sáng… Tại một hội thảo về công trình xanh diễn ra mới đây, Bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia công trình tiết kiệm năng lượng của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), cho biết công trình xanh đã bắt đầu được phát triển tại Việt Nam từ năm 2007. Đến nay, gần 100 dự án đã đạt chứng chỉ xanh bởi các tổ chức uy tín trong và ngoài nước. Cụ thể, theo ước tính của IFC, đến tháng 8/2018, Việt Nam có 7.919 căn hộ đạt chứng chỉ xanh EDGE và hơn 2.500 căn hộ đang trong quá trình xét chứng nhận.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường, Bộ Xây dựng, cho rằng số lượng công trình xanh nói trên vẫn là quá ít và chậm phát triển so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ. Thậm chí, ông Thịnh cho hay hiện nay trên thị trường có rất nhiều các dự án gắn mác công trình xanh trong khi những tiêu chí về quy hoạch, vị trí, sử dụng năng lượng, sử dụng vật liệu xây dựng chưa đáp ứng được.
Theo ông Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc Viện Đô thị xanh Việt Nam, bất động sản xanh ở Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển. Song thị trường này vẫn tồn tại nhiều cản trở. Trong đó thách thức lớn nhất là nhận thức về lợi ích của chủ đầu tư.
“Đa phần các chủ đầu tư đều cho rằng chi phí phát sinh khi xây dựng nhà ở xanh tăng từ 20-30%. Trong khi đó, theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế thì chi phí gia tăng khi thực hiện nhà ở xanh so với công trình thông thường chỉ dao động từ 0,4-12,5% tổng chi phí đầu tư”, ông Nguyên nói.
Theo Viện Đô thị xanh Việt Nam, chi phí đầu tư công trình xanh có thể cao hơn công trình bình thường 5-15% về chi phí đầu tư vật liệu xây dựng, nước sạch và các chi phí khác. Nhưng chỉ sau 4-5 năm vận hành, số tiền tiết kiệm điện, nước có thể bù đắp được khoản vốn đầu tư ban đầu này.
Chẳng hạn, dự án Anland Complex của tập đoàn Nam Cường tại khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) với hơn 550 căn hộ nhận chứng chỉ xanh EDGE có chi phí xây dựng chỉ tăng từ 2-5%. Tuy nhiên, dự án giúp tiết kiệm khoảng gần 300.000 đồng tiền điện cho mỗi căn hộ/tháng, đồng thời giảm 24% chi phí sử dụng nước cho các hộ gia đình.
Ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Capital House, cho biết lúc đầu Capital House cũng nghĩ chi phí làm dự án sẽ đắt hơn 10-30% so với thông thường nếu phát triển theo hướng xanh. Thêm nữa, chi phí thủ tục để được công nhận theo chứng chỉ xanh cũng rất tốn kém… Tuy nhiên, dự án Ecohome Phúc Lợi Long Biên của Capital House đạt chứng chỉ xanh EDGE chỉ có chi phí tăng thêm không đáng kể từ 1-1,5%, trong khi giá bán thấp chỉ từ 16,5 triệu đồng/mét vuông và giúp tiết kiệm tới 30% chi phí năng lượng.
Cần chính sách hỗ trợ từ Chính phủ
Là doanh nghiệp có nhiều sản phẩm bất động sản xanh được bán ra thị trường, song ông Bách của Capital House cho biết hiện người dân không hiểu về khái niệm và lợi ích của công trình xanh, họ chỉ quan tâm đến vị trí dự án và chủ đầu tư. Do đó, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các tổ chức, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền cho các chủ đầu tư và người dân hiểu về lợi ích của công trình xanh. Khi nhận thức tăng lên thì nhu cầu sử dụng bất động sản xanh sẽ tăng. Ngoài ra, các trường đại học cần có thêm các chương trình đào tạo kiến trúc sư, sinh viên hướng đến phát triển công trình xanh.
Để khuyến khích các chủ đầu tư tham gia phát triển bất động sản xanh, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, cho rằng cần có nhiều sự hỗ trợ hơn về mặt chính sách của cơ quan quản lý. Các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp khoảng 6%/năm cho chủ đầu tư triển khai dự án mới hoặc cải tạo công trình xanh.
Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều khuyến nghị về chính sách của các nước trong phát triển nhà ở xanh mà Việt Nam có thể tham khảo. Trung Quốc có chương trình trợ cấp quốc gia đối với dự án có chứng nhận công trình xanh. Các chủ đầu tư được hỗ trợ 7 đô la Mỹ mỗi mét vuông đối với công trình xanh đạt chứng nhận 2 sao và 13 đô la Mỹ mỗi mét vuông đối với công trình 3 sao khi duy trì các tiêu chuẩn xanh sau một năm kể từ khi hoàn thành. Chủ tòa nhà còn được xem xét giảm thuế tài sản…
Theo các chuyên gia, việc hỗ trợ cho các công trình xanh chủ yếu ở 3 khía cạnh: thủ tục hành chính (rút gọn thời gian phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, cấp phép xây dựng, thủ tục kiểm tra); đất đai (tăng hệ số sử dụng đất, cho phép phát triển các công trình hỗn hợp); tài chính (giảm thuế, tài trợ).
Bà Đỗ Ngọc Diệp thuộc IFC khuyến nghị Chính phủ giảm thuế cho công trình xanh, trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp bởi kinh nghiệm nước ngoài cho thấy muốn nhanh phát triển công trình xanh thì phải có ưu đãi. Ngoài ra, mặc dù đã có quy chuẩn về tiết kiệm năng lượng nhưng Việt Nam chưa có chế tài trong trường hợp các công trình không đáp ứng, cần nhanh chóng bổ sung quy định này.