Nhìn lại diễn biến thị trường trong thời gian gần đây, mô hình bất động sản xanh đang tồn tại một số quan niệm chưa đúng. Trong khi đó, nhu cầu liên quan đến hai mô hình bất động sản xanh và thông minh ở người mua ngày càng lớn, các chủ đầu tư đang tích cực đưa yếu tố đặc thù này vào phát triển dự án nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Thời gian qua, tại Việt Nam, hàng loạt chủ đầu tư như Capital House, Phúc Khang, Nam Long, Flamingo Group, Novaland, Gamuda Land... cũng theo đuổi các công trình xanh. Ngoài sự quan tâm của chủ đầu tư, một điểm cần lưu ý nữa là trong tương lai, các tiêu chuẩn xanh có thể sẽ trở thành một yêu cầu hoặc mục tiêu theo quy định của Nhà nước, đối với các dự án cấp phép trong tương lai hoặc thậm chí là yêu cầu thay đổi với các dự án hiện tại.
Trong xu hướng này, báo cáo và khảo sát World Green Building Trends 2018 của Dodge Data & Analytics cũng đưa ra những dự báo khả quan về tình hình phát triển công trình xanh ở Việt Nam. Các dự án công trình xanh hiện chỉ chiếm 13%, nhưng dự báo sẽ tăng lên 24% vào năm 2021. Theo báo cáo này, Việt Nam có tỷ lệ phát triển công trình xanh, chung cư xanh vào năm 2021 cao nhất thế giới, chiếm đến 61%, so với mức trung bình thế giới là 30% và Singapore là 25%. Sự quan tâm đến công trình lành mạnh, cải thiện sức khỏe của Việt Nam chiếm đến 28%, cao hơn mức trung bình toàn cầu, chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Mỹ.
BẤT ĐỘNG SẢN XANH KHÔNG HẲN LÀ SẢN PHẨM XA XỈ
Yếu tố xanh trong bất động sản còn là một khái niệm chưa rõ ràng hiện nay. Các tòa nhà có thể được phát triển xanh, không nhất thiết phải là những sản phẩm xa xỉ. Xanh cũng không cần thiết phải là vật liệu đắt tiền.
Các yếu tố xanh trong một công trình bất động sản nằm nhiều ở lối sống mà dự án hướng đến, kiến trúc dự án, cách thức vận hành, quản lý dự án. Mỗi chi tiết trong thiết kế cảnh quan, hệ thống thông gió tự nhiên, sưởi ấm tự nhiên, vật liệu xây dựng, chất lượng không khí… đóng vai trò lớn trong việc phát triển các công trình xanh.
Có sự khác biệt lớn giữa một công trình được quảng cáo là “xanh” và một công trình được chứng nhận là “xanh”. Các chứng nhận thường không liên quan nhiều đến số lượng cây xanh hay khuôn viên, mà phần lớn tập trung đến phát triển bền vững, môi trường, bất kể đó là dự án văn phòng hay nhà ở. Hiện đang có nhiều loại chứng nhận xanh từ Việt Nam cũng như quốc tế. Để đạt được chứng nhận nhất định, các nhà phát triển và chủ đầu tư cần có một danh sách kiểm tra và đánh giá các yếu tố xanh xác định.
Trong các giao dịch mua bất động sản xanh, người mua cần đánh giá được các thông số xanh và cần kiểm tra nguồn chứng nhận của các dự án. Ví dụ, chứng nhận cần theo tiêu chuẩn của các Hội đồng Công trình Xanh, tiêu chuẩn LEED của Hoa Kỳ hay BREEAM của Anh Quốc. Mục tiêu chung của các chứng nhận này là giảm tác động của công trình đó lên sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua việc sử dụng hiệu quả các loại tài nguyên, cải thiện năng suất của nhân viên và giảm ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, việc chứng nhận công trình xanh chưa quá phổ biến tại Việt Nam, đây nên là yếu tố người mua cần cân nhắc khi mua bất kể loại hình bất động sản nào.
CÔNG NGHỆ ỨNG DỤNG RỘNG RÃI TRONG BẤT ĐỘNG SẢN
Bất động sản từ trước tới nay vẫn luôn ít có sự thay đổi, từ quá trình xây dựng, kinh doanh đến quản lý tài sản. Việc áp dụng công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả về mặt thời gian, tài chính và các mức độ tiện lợi. Đối với kinh doanh bất động sản nhà ở, việc số hóa các hoạt động kinh doanh giúp giảm thời gian nhân công, đặc biệt trong khâu liên quan đến giấy tờ, xử lý giao dịch và nghiên cứu.
Công nghệ ứng dụng trong bất động sản hay còn có thể được gọi với cái tên Proptech đang là hoạt động nổi bật của làn sóng công nghệ này. Nhiều công ty tại Việt Nam đang có những bước tiến lớn trong việc áp dụng chuyển đổi số, trong đó áp dụng nhiều loại hình công nghệ trong quá trình kinh doanh, nghiên cứu, định giá và quản lý bất động sản. Có một số công ty Proptech đã đi vào hoạt động và dòng vốn đầu tư dần đổ về lĩnh vực này. Có thể nói, Proptech tại Việt Nam được áp dụng rộng rãi hơn so với các thị trường nước khác, kể cả các thị trường phát triển trên thế giới.
Đáng chú ý, Chính phủ đang tạo rất nhiều cơ hội cho lĩnh vực này, trong đó đã có sự ủng hộ dành cho các dự án thành phố thông minh, kế hoạch số hóa các loại hồ sơ chính phủ và các quy trình đăng ký đất đai.
Triển vọng trong năm 2021, có thể nói, chất lượng cơ sở vật chất và trang thiết bị được cung cấp tại nhiều dự án bất động sản nhà ở đang được cải thiện liên tục, đặc biệt là những dự án ở khu vực ngoại ô - khu vực thu hút chủ đầu tư phát triển các dự án khá lớn có không gian mở, đi kèm các đầu tư về lối sống và cơ sở vật chất tốt hơn.
Sức hút của các mô hình bất động sản xanh, thông minh vẫn là liên kết mật thiết giữa cung - cầu và quan điểm lấy khách hàng làm trọng tâm. Khi cơ hội tiếp cận với mô hình bất động sản xanh và thông minh của người mua ngày càng lớn, các chủ đầu tư cần chủ động cải thiện chất lượng dịch vụ, thiết kế dự án, bổ sung nhiều yếu tố công nghệ hơn vào bất động sản.
Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ vào quản lý bất động sản tất yếu là việc cần thiết. Đưa các yếu tố xanh vào phát triển bất động sản đang rất được coi trọng khi nhu cầu về không gian sống xanh tăng cao, thúc đẩy các chủ đầu tư phải bắt kịp xu hướng.