Aa

Bất luận thế nào, đặc khu vẫn quyết phải thành công!

Thứ Ba, 05/06/2018 - 06:01

“Với khoảng thời gian không còn nhiều để về đích thì bất luận đặc khu dù thế nào cũng không nên xem là thể nghiệm của thể chế mà chúng ta phải quyết thành công dù nhiều hay ít mà thôi”. Đó là lời khẳng định của ĐBQH Phạm Trọng Nhân trong bài phát biểu tại phiên họp Quốc hội về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Trong phiên họp Quốc hội ngày 23/5, ĐBQH Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đã trình bày những trăn trở, kỳ vọng của mình về 3 đặc khu kinh tế tương lai: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).

Reatimes xin đăng nguyên văn bài phát biểu của ĐBQH Phạm Trọng Nhân: 

“Nếu như trước đây từ khóa "đặc khu" còn là một điều gì đó mới mẻ và mang tính ngưỡng vọng của mọi người trước sự thành công của nhiều đặc khu trên thế giới thì gần 1 năm nay, việc Quốc hội bàn bạc và chuẩn bị thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đang từng bước hiện thực hóa ước vọng đó.

Kỳ họp thứ tư Quốc hội đã đồng lòng thông qua nghị quyết thí điểm về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đã tạo một luồng sinh khí mới hồ hởi cho các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào sự phát triển đột phá của đầu tàu kinh tế đất nước.

Tại kỳ họp này, thêm một dấu mốc lịch sử khi Quốc hội chuẩn bị thông qua một dự luật dành riêng cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Nếu nói đây là một sự ưu ái dành cho 3 địa phương trên thì cần phải nhìn lại, bởi tôi tin rằng nhân dân Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang đều không mong mỏi mình sẽ trở thành nơi thí nghiệm của thể chế, lại càng không mong muốn nhận một sự ưu ái dành riêng cho mình so với phần còn lại của đất nước vốn còn quá nhiều khó khăn.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân. (Ảnh: Quochoi.vn)

ĐBQH Phạm Trọng Nhân. (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo tôi, phải xem đây là một trách nhiệm vô cùng nặng nề, gánh vác một niềm tin lớn lao từ các tầng lớp nhân dân vào sự phát triển, nhưng không phải dành riêng cho 3 tỉnh mà chính là cho sự lớn mạnh chung của quốc gia, dân tộc.

Nếu hỏi rằng Việt Nam còn bao nhiêu thời gian để trở thành quốc gia thịnh vượng thì tôi cho rằng quỹ thời gian đó không nhiều, nếu không muốn nói là chỉ trong vài năm ngắn ngủi trong giai đoạn cuối cùng của thời kỳ dân số vàng, nguy cơ chưa giàu đã già như cảnh báo của nhiều chuyên gia kinh tế đang về đến sân ga cuối cùng của chuyến hành trình.

Chúng ta không còn nhiều thời gian và cơ hội để tạo nên sự khác biệt, vì thế những đột phá để đổi mới tinh thần táo bạo, dám nghĩ, dám làm là điều nếu không muốn nói là cấp thiết để giảm những nguy cơ đang từng ngày hiển hiện trong tương lai gần. Dự luật lần này lại một lần nữa cần sự táo bạo phá rào trong tư duy để tiếp tục đổi mới đất nước.

Qua nhiều hội nghị, hội thảo, ý kiến các vị đại biểu tại nhiều phiên thảo luận bên cạnh các ý kiến đồng tình vẫn còn không ít những băn khoăn, trăn trở về những ưu đãi có tương xứng với lợi ích thu được, vấn đề chuyển giá, thiên đường thuế và có hay không sẽ tiếp tay cho đầu cơ đang nóng từng ngày mà thời gian qua chúng ta vẫn chưa kiểm soát hết được thì đặc khu liệu sẽ có tình trạng ngoại lệ? 

Chưa hết, vấn đề an ninh quốc phòng, tổ chức bộ máy hay nguồn lực của đặc khu hầu như từng khía cạnh dù nhỏ nhất của đặc khu đều được các vị đại biểu, giới chuyên gia soi rọi kỹ lưỡng, phản biện sâu sắc trách nhiệm và tâm huyết tới vận mệnh của đất nước. Dù đã rất kỹ lưỡng và thận trọng, vẫn thật khó để có thể mong chờ một sự hoàn hảo của dự luật này.

Nhiều nỗi lo khi Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang trở thành cực tăng trưởng sẽ là vùng trũng trong thu hút đầu tư khiến các tỉnh vốn là "thủ phủ" của FDI sẽ trở nên lặng lẽ im ắng trên bản đồ tăng trưởng của đất nước và những địa phương chưa phát triển sẽ khó lòng thu hút đầu tư hoặc đối cực với TP.HCM như phân tích của các đại biểu.

Chúng ta quên rằng Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc dù trở thành đặc khu cũng vẫn là bộ phận không thể tách rời của dải đất hình chữ S này, đó là một điều bất biến. Ba đặc khu hiển nhiên không thể độc lập riêng một mình, tách rời các mảnh ghép còn lại.

Sự phát triển của 3 đặc khu phải là sự phát triển chung của đất nước và điều quan trọng nhất là tính toán kỹ lưỡng trên các phương diện để đảm bảo hài hòa cân bằng lợi ích, không chỉ giữa ba đặc khu với các địa phương khác trong cả nước mà còn giữa người dân của đặc khu với nhân dân cả nước và cả lao động nước ngoài.

Chúng ta đi tìm một mô hình mới để đất nước lớn mạnh và mô hình đặc khu với cơ chế vượt trội là một trong những giải pháp thỏa đáng như báo cáo tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, xin đừng nhìn 3 đặc khu trong tương quan với các địa phương trong cả nước mà hãy đặt nó trong việc cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Như vậy, chúng ta mới xác lập được tâm thế để bước qua tư duy cục bộ, điều mà Quốc hội từng làm tại kỳ họp thứ 4.

Rất tiếc, dù đã bàn rất nhiều về cơ chế đặc biệt về mô hình chính quyền địa phương và cơ quan khác của nhà nước ở đặc khu trên cơ sở kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới để tạo sự khác biệt, nhiều kỳ vọng được mở ra và chờ đợi, cuối cùng chúng ta vẫn không vượt qua được chính mình và quay về với sự lựa chọn an toàn chỉ để mong sớm nhận sự đồng tình.

Dường như chúng ta vẫn còn mâu thuẫn trong chính mình, bởi một mặt mong muốn kinh tế đặc khu sẽ mang một hình hài mới và vượt trội so với phần còn lại. Mặt  khác, bộ máy để điều hành kinh tế đặc khu lại vẫn để dáng dấp của mô hình hiện tại như quy định tại Chương IV Luật Đơn vị hành chính - kinh tế. Sự khiên cưỡng tương thích một cách chưa trọn vẹn như trên liệu có thể phát huy hết hiệu lực, hiệu quả của một đặc khu như kỳ vọng không? 

Ở một góc nhìn khác khi hình thành 3 đặc khu, nếu chúng được vận hành đúng như cam kết trong các đề án đã trình thì liệu đây có thực sự là kết nối đặc biệt trong chuỗi liên kết của một mô hình tăng trưởng mới, biến 3 đặc khu thành một cỗ xe tam mã hay mỗi cỗ xe với những đường đua riêng cho mình. Chúng ta cũng cần phải có câu trả lời xác đáng cho các chiến lược và đề án liên kết vùng của quy hoạch tổng thể quốc gia.

Chúng ta đã từng bước qua tư duy cục bộ địa phương khi đồng lòng thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Tôi tin rằng tinh thần ấy vẫn còn nhiều lắng đọng để tiếp tục lan tỏa cho Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang hôm nay.

Với sứ mệnh chỉ có thể phát triển mà không còn con đường nào khác thì Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được lựa chọn và trao gửi niềm tin sâu sắc là một trong những sự tăng trưởng không thể nào tốt hơn cho nền kinh tế. Với khoảng thời gian không còn nhiều để về đích thì bất luận đặc khu dù thế nào cũng không nên xem là thể nghiệm của thể chế mà chúng ta phải quyết thành công dù nhiều hay ít mà thôi.

Nếu như chúng ta đã xem TP.HCM là đầu tàu kinh tế và nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM như là một liều thuốc khỏe để đầu tàu tiếp tục gánh vác sứ mệnh lớn lao thì cho tàu neo theo phải hợp lực kết nối đủ sức để cỗ xe kinh tế của đất nước vượt qua những cung đường để đi đến thịnh vượng.

Ba con tàu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được kết nối vào đoàn tàu ra sao tùy thuộc vào tư duy và mức độ tinh thần cải cách đổi mới của tất cả chúng ta.

TP.HCM xem như đã có thể đi nhanh được một mình nhưng để đi xa và đi đến thành công chung của nền kinh tế đất nước thì chúng ta hãy để Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được đi cùng nhau”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top