Aa

"Bắt mạch" chứng khoán cuối năm 2020

Chủ Nhật, 07/06/2020 - 16:29

Ông Lê Ngọc Nam, Phó phòng Phân tích CTCK Tân Việt cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm nay sẽ không thuận lợi như tháng 4 và tháng 5.

PV: Ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường chứng khoán trong những tháng đầu năm 2020?

Ông Lê Ngọc Nam: Trước hết phải nói rằng, tháng 3 thực sự là tháng tồi tệ từ năm 2008 trở lại đây khi VN-Index giảm 24,5%, trong đó có tới 89,9% các mã trên sàn có lợi nhuận âm, tương đương tháng 11 năm 2009 với 95% các mã trên sàn HOSE có lợi nhuận âm.

Ông Lê Ngọc Nam

Những tháng đầu năm 2020, thị trường chứng khoán như đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 10 năm trở lại đây, từ đó tạo nên mức định giá rẻ một cách đột ngột so với thời điểm trước đó.

P/E của Việt Nam có những thời điểm rơi xuống hơn 9 lần, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan (15,2 lần), Indonesia (13,3 lần) và Phlippines (12,7 lần). Và chính điều này phần nào đó đã kích hoạt dòng tiền cả cũ lẫn mới, tạo nên cơ hội hội phục cho thị trường vào tháng 4 và tháng 5 khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Số lượng tài khoản mở mới tăng vọt trong tháng 4 và tháng 5 cho thấy một lượng lớn nhà đầu tư mới đã tham gia thị trường. Thống kê của chúng tôi cho thấy các nhà đầu tư mới có vẻ đang có kết quả đầu tư thuận lợi khi lần đầu tiên trong 10 năm, tỷ lệ các mã có lãi trong 1 tháng lên tới 86%, con số này tiếp tục duy trì trong tháng 5 với 77% - tức cơ bản nhà đầu tư mua bất kỳ mã nào thì xác suất thắng cũng khá cao. Đặc biệt hơn, trong tháng 4 có tới 36% các mã mang lại lợi nhuận trên 20% trong tháng, con số này mặc dù giảm xuống 13,3% trong tháng 5, nhưng vẫn là con số cao hơn khá nhiều với mức trung bình 3,16% năm 2019.

PV: Theo ông, từ tháng 6 trở đi, tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam có tiếp tục khả quan?

Ông Lê Ngọc Nam: Theo tôi, các tháng cuối năm có vẻ sẽ không còn thuận lợi như tháng 4 và tháng 5. Kết quả kinh doanh quý 1 cho thấy, mặc dù thời điểm chốt quý 1 là 31/3/2020 chưa phải là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, nhưng bức tranh đã cho thấy rất nhiều điểm đáng lưu ý.

Đây là quý đầu tiên lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp âm lớn nhất (-14,5%) kể từ sau năm 2008, và đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất có lợi nhuận âm tới 54% so với cùng kỳ, chỉ có một vài cổ phiếu lớn trong các nhóm như bất động sản, ngân hàng đóng góp chung cho lợi nhuận của thị trường.

Thống kê của chúng tôi cho thấy, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang có sự thu hút lớn hơn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Có 66,8% các mã có vốn hóa (> 1.000 tỷ đồng) có tỷ suất sinh lời tốt hơn so với VN-Index chủ yếu là Midcaps trong khi Bluechip chỉ có khoảng 16%. Các mã bluechips thậm chí đang hồi phục kém hơn so với thị trường. Theo tôi, có vẻ như các mã Bluechips đã được định giá khá cao thời gian vừa qua, do đó hồi phục của các mã này đã chậm hơn index, và nếu quả thực như vậy thì xác suất để thị trường hồi phục cao hơn mốc đầu năm là 960 điểm có vẻ sẽ khó xảy ra.

PV: Vậy ông có khuyến nghị gì cho nhà đầu tư, thưa ông?

Ông Lê Ngọc Nam: Một trong những lưu ý thêm đối với nhà đầu tư rằng, mức sinh lời của các cổ phiếu như ở tháng 4 và tháng 5 rất khó để tiếp tục duy trì. Thống kê của chúng tôi cho thấy trong tháng 5, tỷ lệ các mã có lợi nhuận dưới 10% đã là 63%, cao hơn khá nhiều mức 13,6% của tháng 4. Rõ ràng trong các tháng tiếp theo, tỷ lệ thị trường sẽ phân hóa nhiều hơn, tỷ lệ các mã đạt lợi nhuận cao có thể sẽ quay về mức trung bình các năm trước, 3 - 4% các mã đạt 20% theo tháng…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top