Aa

Chứng khoán tăng tuần thứ 5 liên tiếp, nhóm ngân hàng bứt phá

Chủ Nhật, 07/06/2020 - 05:55

Các cổ phiếu ngân hàng tăng giá tốt và góp phần lớn trong việc duy trì sắc xanh của thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến tích cực ngay trong tuần đầu tiên của tháng 6. Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/6, VN-Index đứng ở mức 886,22 điểm, tương ứng tăng 2,52% so với tuần trước đó. HNX-Index tăng đến 7,53% lên 118,08 điểm. UPCoM-Index tăng 2,5% lên 56,43 điểm.

Gần như toàn bộ các nhóm ngành đều tăng ở tuần giao dịch vừa qua, trong đó, nhóm ngân hàng gây ấn tượng lớn nhất và làm “bàn đạp” cho các chỉ số đi lên đặc biệt là HNX-Index. Cả ACB và SHB đều tăng giá rất mạnh trong tuần. SHB tăng 14,3% từ 14.000 đồng/cp lên thành 16.000 đồng/cp. ACB tăng 10% từ 22.900 đồng/cp lên 25.200 đồng/cp. Động lực tăng giá của ACB đến từ việc ngân hàng này đã công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 với nội dung rất đáng chú ý đó là sẽ trình cổ đông thông qua việc chuyển đăng ký niêm yết cổ phiếu của ngân hàng từ HNX sang HoSE. Ngoài ra, ACB ACB cũng muốn tăng vốn điều lệ trong năm 2020 lên mức 21.615 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 30%.

Bên cạnh đó, HDB cũng tăng mạnh 13,6% trong tuần giao dịch vừa qua, CTG tăng 8,7%, BID tăng 5%, VPB và VCB tăng lần lượt 4,9% và 4,5%.

Trong số 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, ở tuần giao dịch vừa qua chỉ có 3 mã giảm giá đó là VIC, HPG và BVH. Trong đó, VIC giảm 2,1% từ 97.000 đồng/cp xuống còn 95.000 đồng/cp. HPG giảm 1,3% từ 27.400 đồng/cp xuống 27.050 đồng/cp. BVH giảm nhẹ 0,4%.

Biến động của 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường trong tuần từ 1 - 5/6.

Một điểm đáng chú ý nữa ở tuần giao dịch đầu tiên trong tháng 6 đó là việc dòng tiền có dấu hiệu tập trung vào nhóm cổ phiếu đầu cơ, trong đó, rất nhiều mã đã tăng giá mạnh và giao dịch rất sôi động. HQC đã tăng gần 38% chỉ sau một tuần giao dịch và có 2 phiên trong tuần, cổ phiếu ngày khớp lệnh được trên 37 triệu đơn vị. Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 cuối tuần trước, Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn chia sẻ mục tiêu trong 5 năm tới, cổ phiếu HQC trở về mệnh giá.

SHS tăng 32% từ 8.800 đồng/cp lên 11.600 đồng/cp. Nhóm cổ phiếu chứng khoán đang được nhiều nhà đầu tư để ý khi đây là nhóm được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ việc thị trường chứng khoán “nóng” lên trong 2 tháng đầu quý II.

DBC tiếp tục gây bất ngờ với việc tăng 31% sau một tuần giao dịch và leo lên mức 54.000 đồng/cp. DBC đang là một hiện tượng của thị trường chứng khoán khi lên gấp 3,75 lần từ mức chỉ 14.040 đồng/cp vào ngày 23/3/2020. Theo thông tin từ DBC 5 tháng đầu năm, doanh thu ước đạt 4.483 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 593 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, 3 cổ phiếu lớn là VHM, VRE và NVL đều tăng giá, trong khi VIC giảm. VHM tăng 0,9%, NVL tăng 1,7% còn VRE tăng mạnh nhất với 3,5%. Trong khi đó, rất nhiều mã bất động sản vừa và nhỏ bứt phá. Bên cạnh cái tên HQC, ITA cũng cho thấy nhiều bất ngờ khi tăng 27,5% sau một tuần giao dịch. Trong tuần, ITA đã có 4 phiên tăng trần. Doanh nghiệp này cũng mới tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2020 với sự xuất hiện của bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị sau 8 năm vắng mặt, tuy nhiên, năm nay ITA tổ chức họp trực tuyến (online).

30 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất thị trường trong tuần từ 1 - 5/6.

Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 6.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thế, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 3,7% lên 30.363 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 35,1% lên 2.199 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 38,5% lên 4.255 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 37,5% lên 381 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng với hơn 314 tỷ đồng. Riêng trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng gần 252 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 6,6 tỷ đồng của tuần trước. VIC, CII và TDH là các cổ phiếu bất động sản nằm trong top bán ròng của khối ngoại sàn HoSE. Trong đó, VIC bị bán ròng 100 tỷ đồng. CII và TDH bị bán ròng lần lượt 98 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng với 211 tỷ đồng. Một cổ phiếu bất động sản khác cũng được mua ròng mạnh là VRE với giá trị là 28 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang nằm trong vùng kháng cự mạnh 880-890 điểm, đây là vùng hợp lưu của ba yếu tố kỹ thuật là fibonacci retracement 61,8%, MA200 tuần, ngưỡng hỗ trợ vùng tích lũy năm 2018 nên những rung lắc dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần tới. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 6 tăng mạnh hơn so với chỉ số cở sở VN30 qua đó thu hẹp mức basis âm xuống còn 1,47 điểm, cho thấy nhà đầu tư đang lạc quan hơn về triển vọng thị trường. Tuy nhiên, SHS cho rằng thận trọng vào lúc này là điều cần thiết do dư địa tăng của thị trường không còn nhiều.

SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (8/6-12/6), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc trong vùng kháng cự 880-890 điểm (fibonacci retracement 61,8%, MA200 tuần) trong một vài phiên đầu tuần trước khi break khỏi vùng này để xác nhận xu hướng ngắn hạn mới. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể bán ra chốt lời khi VN-Index ở trong vùng kháng cự 880-890 điểm. Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể giải ngân nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 840 điểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top