Aa

"Bắt mạch" thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối năm 2019

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 16/05/2019 - 06:00

Với tiềm năng to lớn về đường biển kéo dài, khí hậu thuận lợi, bãi cát đẹp, giới chuyên gia dự báo cả trong ngắn hạn và dài hạn, xu hướng dòng vốn đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng ven biển vẫn cao hơn.

Nhà đầu tư Trung Quốc chiếm số lượng lớn

Tại Hội thảo "Xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối 2019" tổ chức mới đây, giới chuyên gia nhận định: Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gia tăng, căng thẳng cùng với những diễn biến của thị trường tài chính quốc tế ít nhiều đều có… ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư và dòng vốn ra vào Việt Nam.

Nhìn lại Việt Nam, 2 năm trở lại đây dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng cao. Đặc biệt, dòng vốn này được dự báo sẽ tăng đột biến hơn khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào bất động sản năm 2019, trong đó có bất động sản du lịch.

PGS. TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng dự báo: “Tôi tin Việt Nam vẫn là một ốc đảo yên bình trong bối cảnh thế giới hiện nay. Do đó, năm nay du lịch sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và tác động tích cực lên thị trường bất động sản du lịch.

Thị trường bất động sản tại các đô thị lớn và các thị trường nghỉ dưỡng sẽ trở thành nơi nhận được nhiều sự quan tâm. Đặc biệt là trong thời gian gần đây khi các nhà đầu tư Nhật đang chuyển hướng từ công nghiệp sang bất động sản du lịch”.

Theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trung Việt Nam phân tích, tiềm năng về bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam còn rất nhiều, Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới sở hữu tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên.

Đặc biệt, chúng ta có chiều dài biển bằng với chiều dài của đất nước. Từ hội nghị APEC 2017 cho tới giờ, thị trường ghi nhận làn sóng nhà đầu tư không chỉ đến từ các nước trong khu vực mà còn đến từ các nước Tây Âu, Mỹ.

Trong đó, nhà đầu tư Trung Quốc chiếm số lượng lớn. Các nhà đầu tư Trung Quốc thường rất táo bạo. Khác hẳn so với các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản thường có những nghiên cứu sâu, các nhà đầu tư Trung Quốc lại thường có quyết định đầu tư rất nhanh.

Gần đây ghi nhận, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua một lượng rất lớn condotel và sau đó thì bán lại cho người nước họ thông qua các đơn vị phân phối của họ. Đây cũng được xem là cầu nối để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Dương Đức Hiển

Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trung Việt Nam.

Ông Hiển cho hay: “Chúng ta vẫn đang thu hút được rất nhiều nhà đầu tư. Nếu đi xuống phía Nam Hội An, có rất nhiều dự án mặc dù chưa đi vào vận hành khai thác, nếu chỉ nhìn về quy mô, vốn đầu tư người ta đang đầu tư vào thì có thể thấy con số lên đến hàng trăm triệu USD mỗi dự án.

Vậy thì với những nhà đầu tư có đủ tiềm lực và khi họ quan tâm đầu tư vào một quốc gia, tôi nghĩ là một là họ thấy tiềm năng lớn nhất định, ngoài ra bản thân các nhà đầu tư này cũng đã có được một lượng khách hàng tại Việt Nam trước khi quyết định đầu tư vào đây.  

Do vậy họ như một chiếc cầu kép, vừa rót vốn đầu tư vừa mang lượng khách từ nước ngoài vào để đầu tư, mua những sản phẩm của họ. Đây là một tín hiệu rất tốt cho thị trường bất động sản”.

Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng cho hay, đang có làn sóng người nước ngoài đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, trong đó nhiều nhất là các nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc và các nhà đầu tư lân cận trong khu vực. Ngược lại, các nhà đầu tư từ phương Tây lại không mặn mà nhiều với bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.

TS. Hiếu cũng đưa ra dự báo: “Nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng sẽ chịu tác động của diễn biến thế giới nhưng ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang có thanh khoản tốt, giao dịch cao.

Hiện, có nhiều nhà đầu tư quan tâm tới phân khúc cao cấp, tới bất động sản nghỉ dưỡng. Đây cũng là động lực cho thị trường nhưng tôi cho rằng nhà kinh doanh bất động sản cũng cần cẩn trọng vì nếu cung vượt cầu sẽ khởi đầu cho cả một giai đoạn khủng hoảng, kéo toàn thị trường đi xuống”.

Du lịch biển dẫn đầu

Giới chuyên gia nhìn nhận từ nửa cuối 2018 đến nay, thị trường ven biển đã chứng kiến sự đổ bộ của những dòng vốn đầu tư hoàn toàn mới với giá trị vừa tầm, bắt đúng mạch khách hàng.

Theo ông Dương Đức Hiển, bất động sản nghỉ dưỡng phát triển mạnh nhất là ở miền Trung. Đến nay, ngoài các sản phẩm cơ bản thì luôn có những sản phẩm phái sinh đi theo, kích thích và mở ra cơ hội cho nhà đầu tư.

“Theo tôi, trong thời gian tới, khi các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về các phân khúc thì sẽ phân loại ra được các tập khách hành khác nhau. Riêng về xu hướng trong thời gian tới, dự báo sẽ phát triển thêm nhiều loại hình mới như du lịch tâm linh, du lịch mua sắm”, ông Hiển nhìn nhận.

Đại đô thị du lịch nghỉ dưỡng giải trí NovaWorld - một trong 3 thương hiệu sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng của Novaland

Đại đô thị du lịch nghỉ dưỡng giải trí NovaWorld - một trong những dự án hứa hẹn góp phần làm sôi động thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ven biển.

Mặt khác, các nước trong khu vực cũng đang phát triển nhiều xu hướng nghỉ dưỡng mới như Singapore trước đây đầu tư phát triển rất mạnh mua sắm, còn gần đây, Malaysia đang thu hút khách du lịch về mua sắm với nhiều khu trung tâm thương mại rộng hàng chục hecta.

Tại Việt Nam, dự báo trường đua F1 sẽ thu hút rất lớn khách du lịch trong thời gian tới. Ngoài ra, xu hướng ở các nước kế cận còn phát triển bất động sản hưu trí với chính sách thu hút nhà đầu tư sau khi nghỉ hưu có thể được cấp visa thường trú, không được phép kinh doanh nhưng được phép đầu tư ở và sinh hoạt, có thời hạn 3 hay 5 năm gia hạn một lần.

Ông Hiển cho rằng: “Việt Nam còn quá nhiều phân khúc chưa khai thác hết, điển hình như du lịch sân golf, cần được các chủ đầu tư có định hướng để phát triển. Bất động sản không chỉ phát triển riêng về du lịch đơn thuần, tất cả các khu vực phát triển nghỉ dưỡng thì cũng có thể phát triển được nhiều loại hình khác”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay: “Việt Nam hiện có 4 loại hình du lịch biển - sông - núi - đồng, mỗi loại hình có một lợi thế nhưng nhìn chung 4 loại đều phát triển nếu hạ tầng phát triển. Đặc biệt, trong ngắn hạn và dài hạn với lợi thế lớn nhất, bất động sản biển vẫn là điểm đáng lưu tâm và là điểm sáng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, các tỉnh mới xuất hiện có nhiều tiềm năng về biển nhất là từ Đà Nẵng trở vào đang có quỹ đất, có sân bay và đang tiến hành kêu gọi đầu tư như Bình Định, Phú Yên… thì chắc chắn sẽ có sức hút bất động sản nghỉ dưỡng”.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Giám đốc Cấp cao Truyền thông và Hỗ trợ Cộng đồng Tập đoàn Novaland cho hay: “Đối với Novaland hiện nay, địa bàn phát triển trọng điểm về bất động sản du lịch là Phan Thiết, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Để có thể phát triển bất động sản du lịch tại các địa phương thì hạ tầng giao thông phải phát triển đồng bộ.

Ví như Phan Thiết hiện nay có kế hoạch với sân bay quốc tế sẽ đưa vào vận hành năm 2022, kết nối cao tốc khi hoàn thành thì TP.HCM đi Phan Thiết chỉ có 1h45 phút, đường thủy đã có, sắp tới có đường sắt cao tốc nữa thì sẽ rút ngắn được thời gian nhanh hơn nữa.

Bên cạnh đó, yếu tố khá cạnh tranh đó là về khí hậu. Nếu du lịch ở Phan Thiết hay Bà Rịa - Vũng Tàu thì chúng ta có thể đi tất cả các ngày trong năm vì quanh năm luôn có nắng ấm, cực kỳ thuận lợi cho sự phát triển. Đó là lý do chúng tôi đang đầu tư vào các địa phương nhiều tiềm năng này”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top