Cơn sốt kéo dài từ Bắc vào Nam
Từ đầu năm 2019, cơn sốt đất nền lan dọc khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam, càn quét 3 đặc khu kinh tế trong tương lai đến một số tỉnh ở phía Bắc như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… rồi lan rộng ra các tỉnh vùng ven TP.HCM như Đồng Nai, Long An, Bình Dương…
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản tại TP. Bắc Ninh, TP. Hưng Yên (khu vực Phố Nối), Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên… nóng hơn từ cuối năm 2017. Hàng loạt dự án được tung ra thị trường, một số khu vực có tỷ lệ thanh khoản lên đến 70 - 80%.
Riêng tại 3 tỉnh dự kiến trở thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt là Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, thị trường đất nền càng “nóng” hơn bao giờ hết. Hàng trăm "cò đất" đã về đây “bơm tiền”, đẩy giá đất lên mức “trên trời”. Giá đất từ vài triệu đồng đã nhảy vọt lên vài chục triệu đồng, tạo thành cơn bão giá, cuốn theo cò đất, giới đầu cơ và cả người dân. Thị trường chỉ dần ổn định và hạ nhiệt sau khi chính quyền 3 địa phương này có văn bản yêu cầu ngừng phân lô, tách thửa đất đai trên địa bàn.
Tương tự, những địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang, cơn sốt đất cũng xuất hiện, kéo theo lượng giao dịch tăng mạnh. Tại Đà Nẵng, từ sau Tết âm lịch, giá đất nền một số khu vực đã tăng 30 - 50%. Sang tháng 5, giá đất dọc ven biển đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn) đã chững lại sau khi lập đỉnh 300 triệu đồng/m2.
Cũng ba tháng trở lại đây, sau khi UBND TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng công bố quyết định quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, giá bán nhà đất các tuyến đường khu vực này liên tục “sốt nóng”, đẩy giá lên rất cao.
Trước đây, giá nhà đất tại khu trung tâm Đà Lạt, gồm các trục đường chính như Phan Bội Châu, Nguyễn Chí Thanh, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng cao nhất khoảng 150 - 250 triệu đồng/m2, hiện được rao bán với giá vài trăm triệu đồng, đặc biệt có nơi rao lên cả tỷ đồng.
Nhìn chung trong nửa đầu năm, đất nền trở thành điểm nóng của thị trường cả nước với những diễn biến theo đồ thị hình sin. Nhờ việc quản lý kịp thời của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, đến nay, thị trường đã dần ổn định.
Thị trường tiếp tục chu kì tăng giá
Sau cơn sốt đất nền tại một số địa phương, nhiều người lo ngại rằng thị trường liệu sẽ xảy ra “bong bóng” và bước vào giai đoạn phân hóa? Tuy nhiên, dù thị trường chững lại nhưng nhiều chuyên gia vẫn có cái nhìn khá lạc quan về bức tranh trong những tháng cuối năm và khẳng định chưa thể xảy ra “bong bóng”.
Bởi cơn sốt chỉ diễn ra cục bộ tại một số khu vực có tiềm lực kinh tế, hạ tầng được đầu tư mạnh và chủ yếu do cò đất, giới đầu cơ thổi giá. Nhiều ý kiến cho rằng, dù sốt đất đã kéo dài suốt 4 năm (2015 - 2018) nhưng chưa thể xác định thời điểm mà thị trường sẽ bước vào chu kỳ suy thoái. Thị trường cũng chưa thể kết thúc chu kỳ tăng giá và vẫn có thể tiếp tục gia tăng, phát triển mạnh mẽ trong một vài năm tới.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn dự báo: “Từ năm 2018 đến 2019 có 289 quận huyện có sự gia tăng mạnh về lượng truy cập, thể hiện sự sôi động của thị trường đất nền không chỉ diễn ra ở Hà Nội và TP.HCM mà còn sôi động khắp cả nước. Riêng tại thị trường Hà Nội, trong quý II/2019, mức độ quan tâm tiếp tục tăng mạnh ở các khu vực Đông Anh, Hoài Đức và Thanh Trì. Trái ngược, tại TP.HCM xu hướng người tìm kiếm và quan tâm đang có dấu hiệu giảm. Thị trường phải có động thái thực sự mạnh mẽ về quy hoạch cũng như những thông tin về chính sách liên quan thì mới có thể thúc đẩy tăng trưởng. Hiện tại, chúng tôi cũng chỉ nhìn thấy những động thái dịch chuyển ở các quận huyện ngoại thành TP.HCM”.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay: “Một số vùng có thị trường bất động sản đã phát triển mạnh trong một vài năm trở lại đây như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, trong nửa đầu năm 2019… cũng cho thấy sự giảm tốc về cả nguồn cung mới và lượng giao dịch bởi sự rà soát các dự án từ chính quyền địa phương. Mặt khác, ở hầu hết các tỉnh, thành khác trên cả nước đều ghi nhận sự phát triển của thị trường bất động sản và thu hút các nhà đầu tư. Chủ đạo vẫn là dòng sản phẩm đất nền, giá cả tăng trưởng ổn định. Ngoài ra, sẽ xuất hiện một số thị trường bất động sản mới nổi như: Hòa Bình, Yên Bái, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận…”
Cũng dự báo về những cơn sốt đất trong nửa cuối năm 2019, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho hay: “Thời gian qua, thị trường Hà Nội nổi lên những cơn sốt đất tại các huyện được đề xuất lên quận, trong đó có Đông Anh. Khu vực này sau khi thông cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù cho thấy mặt bằng giá đất hiện nay có cao hơn so với vài năm trước đây khi chưa có các cây cầu. Còn về vấn đề huyện lên quận, thật ra đó là vấn đề tâm lý nhiều hơn là vấn đề bản chất đầu tư. Tất nhiên khi được lên quận sẽ kéo theo những tác động liên quan đến đầu tư bất động sản và cả tiềm năng thu hút các hoạt động đầu tư thuộc các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, tất cả những kỳ vọng đó sẽ không diễn ra trong thời gian một sớm một chiều. Điều tác động lớn nhất vẫn là hạ tầng. Khi đã có hạ tầng tốt sẽ thu hút chủ đầu tư cũng như các nhà đầu tư quy mô lớn. Các nhà đầu cơ có lý do để kỳ vọng về một mặt bằng giá cao hơn. Quá trình đó được hiện thực hóa bằng mức độ cư dân đến ở, những tòa văn phòng mới khi được thành lập và đi vào sử dụng…
Khi có đủ tất cả những điều đó thì mặt bằng giá đó mới là giá xác thực. Còn hiện nay, chúng ta chưa nhìn thấy nhiều dự án, chưa có nhiều hoạt động cũng như nhiều nhà ở hoặc điều kiện hạ tầng còn tương đối kém phát triển so với các khu vực khác thì tất cả các giao dịch đa phần cũng chỉ dừng lại ở chuyện kỳ vọng mà thôi”.
Bà An cũng cho hay, từ giờ đến hết năm 2019, khi nhiều dự án hạ tầng được nâng cấp, mở rộng, thị trường bất động sản và nhà đầu tư sẽ rất hào hứng. Điều này có thể ít nhiều sẽ lại tạo nên những cơn sốt đất cục bộ so với diễn biến thông thường.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây đã có văn bản kiến nghị các giải pháp chấn chỉnh tình trạng phân lô bán nền trái pháp luật hiện nay gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành. Theo HoREA, trong những năm gần đây đã tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương. Trong đó, có nhiều khu đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su, đất không được quy hoạch là đất ở, nhưng đã bị phân lô tách thửa trái pháp luật để bán đất, bán đất nền, dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, bị thiệt hại rất lớn, gây mất an ninh trật tự, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị của địa phương và làm trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư dự án lớn do giá đất đã bị đẩy lên quá cao. Thủ phạm của các đợt sốt ảo giá đất và tình trạng phân lô bán nền trái phép chủ yếu là giới đầu nậu, cò đất và một số ít doanh nghiệp bất động sản "bất lương" (sau đây gọi chung là đầu nậu), đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng và trong một số trường hợp đã câu kết với một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở, hoặc có trường hợp do chính quyền cấp cơ sở buông lỏng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. |