Tại Hội nghị “Đánh giá thị trường giao dịch BĐS 2016, xu thế 2017 và giao lưu các sàn giao dịch BĐS”, ông Phạm Văn Thường, Trưởng phòng Quản lý thị trường BĐS, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho rằng, trong năm 2017, các yếu tố có thể tác động đến thị trường BĐS đó là kinh tế vĩ mô vẫn duy trì sự ổn định như năm 2016.
Tuy nhiên ông Thường cảnh báo, thị trường đang chứng kiến sự lệch pha cung - cầu nghiêm trọng, do đó trong năm 2017 thị trường sẽ chứng kiến sự chuyển hướng của các doanh nghiệp BĐS sang phân khúc nhà giá rẻ. Trong thời gian tới, giao dịch BĐS chủ yếu là người dân mua để ở hoặc cho thuê, vì vậy dư địa lợi nhuận đầu tư sẽ không nhiều.
Đánh giá về thị trường BĐS năm 2016, ông Phạm Văn Thường cho rằng, nhìn chung các giao dịch BĐS năm 2016 vẫn ổn định nhưng có xu hướng giảm so với 2015.
Cụ thể, tại Hà Nội, 11 tháng qua đã có 14.000 giao dịch BĐS thành công, có giảm đôi chút so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, nguồn cung chủ yếu ở khu vực phía Tây Hà Nội. Đáng lưu ý, số giao dịch này có rất ít dự án nhà giá rẻ. Còn con số giao dịch của TP. HCM, theo thống kê đã bán khoảng 23.000 căn hộ trong 11 tháng qua.
Về giá BĐS, ông Thường cho hay, năm 2016 giá BĐS cũng không có nhiều biến động, tuy nhiên tại một số dự án lớn hoặc sắp bàn giao thì giá đã có sự tăng giá. Trong khi đó số lượng hàng tồn kho BĐS đã giảm nhiều.
Cũng theo ông Thường, một số tồn tại hạn chế của thị trường BĐS năm 2016 đó là nguồn cung BĐS cao cấp dư thừa nhưng lại thiếu nhà bình dân, nhà ở xã hội. Thị trường nhà tại Hà Nội và TP. HCM đưa ra chủ yếu là phân khúc cao cấp.
Trong khi đó BĐS nghỉ dưỡng lại phát triển mạnh ở miền Trung và miền Nam . Dự báo nguồn cung rất thừa thời gian tới. Ngoài ra, thông tin trên thị trường chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Cũng tại hội nghị, ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ BĐS Ngôi Sao Toàn Cầu (World Star Land) cho biết, trong năm 2016, tổng lượng giao dịch trên toàn quốc tăng 30% so với 2015 nhưng giá trị giao dịch lại giảm xuống. Điều này chứng tỏ giao dịch BĐS ở phân khúc cao cấp giảm, đặc biệt tại TP. HCM.
“Vì vậy, thị trường BĐS năm 2017 sẽ chứng kiến cảnh các doanh nghiệp BĐS chuyển hướng sang phân khúc BĐS giá rẻ và trung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Phân khúc BĐS cao cấp sẽ tiếp tục tăng nhưng chỉ những chủ đầu tư mạnh, có tiềm lực mới có thể bán được hàng”, ông Lê Xuân Nga nhận định.
Thực tế những ngày cuối năm cho thấy, tại những thị trường lớn như Hà Nội và TP. HCM, giao dịch phân khúc chung cư cao cấp đang có sự chững lại. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang phân khúc nhà giá rẻ. Có thể kể đến những ông lớn trong ngành BĐS như Vingroup, Him Lam Land, Nam Long....Hay cả những hàng loạt doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.
Đánh giá về sự chuyển hướng này, bà Võ Thị Dịu Hiền, Tổng giám đốc PHPReal, cho hay: “Nền tảng của thị trường BĐS vốn vẫn là phân khúc bình dân và trung cấp. Năm 2013-2014, phân khúc này đã góp phần vực lại thị trường sau cơn khủng hoảng. Trong thời gian tăng trưởng nóng 2015-2016 các doanh nghiệp BĐS đã vô tình bỏ quên nhà ở giá rẻ và hệ quả là dư thừa BĐS cao cấp. Năm 2017, tôi cho rằng phân khúc BĐS giá rẻ và trung cấp sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, hoàn thành sứ mệnh bình ổn thị trường".