Aa

Bất động sản 24h: Giá chung cư tiếp tục tăng dù đã “leo“ lên mặt bằng mới?

Thứ Sáu, 21/05/2021 - 11:00

Giá chung cư tiếp tục tăng dù đã "leo" lên mặt bằng mới?; 3 khu vực có giá đất “nóng bỏng tay” bất chấp dịch bệnh; Thấy gì từ con số tồn kho bất động sản đầu năm 2021?... là những thông tin được quan tâm 24h qua.

Giá chung cư tiếp tục tăng dù đã "leo" lên mặt bằng mới?

Trong báo cáo "Triển vọng ngành bất động sản dân cư năm 2021: Triển vọng tích cực" được phát hành, nhóm chuyên gia SSI cho rằng, xu hướng tăng giá căn hộ năm 2021 sẽ tiếp tục nhờ việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng.

SSI kỳ vọng rằng tiến độ giải ngân sẽ được đẩy nhanh trong năm 2021 - điều này tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường. Cụ thể, chuyên gia SSI cho biết, năm 2020 giải ngân vốn của Bộ Giao thông vận tải đạt 35.600 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ và dự kiến sẽ đạt 46.000 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 28% so với năm 2020.

Nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản dự báo giá chung cư tiếp tục tăng trong năm 2021
Nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản dự báo giá chung cư tiếp tục tăng trong năm 2021. (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đưa các tuyến metro vào hoạt động, theo SSI, việc liên tục hoàn thiện hệ thống đường nội đô cũng như hệ thống giao thông đến các quận ngoại thành sẽ tác động tích cực đến mặt bằng giá đất và gia tăng nhu cầu bất động sản. Nhìn chung, đơn vị này ước tính giá bán căn hộ ở thị trường Hà Nội năm 2021 sẽ tăng 2% so với năm 2020.

Trong khi trước đó năm 2020, giá chung cư đã được ghi nhận tăng, thiết lập mặt bằng mới. Trong quý đầu năm 2021, giá căn hộ tiếp tục nhấp nhổm tăng lên mốc mới.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Không giao doanh nghiệp làm quy hoạch - cách mạng mới cho phát triển đô thị?

Làm việc với Bộ Xây dựng ngày 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở hàng loạt định hướng chiến lược để phát triển ngành trong thời gian tới. Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu, quy hoạch phải xứng tầm với sự phát triển kinh tế, văn hóa và trình độ, năng lực của đất nước, xu thế của thời đại. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, có lớp lang, vừa khắc phục những nhược điểm. Công tác quy hoạch kiến trúc phải được coi trọng, nâng tầm hơn và thay đổi nhận thức cho cả hệ thống.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh công tác quy hoạch dứt khoát phải do Nhà nước nắm, không giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch. Công tác quy hoạch phải hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thu hút dân cư và phát triển lĩnh vực bất động sản, phát triển đô thị.

Không giao doanh nghiệp làm quy hoạch

“Nếu quy hoạch chỉ quan tâm tới xây dựng nhà ở, mất cân đối cung cầu, không phát triển sản xuất kinh doanh thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội”, Thủ tướng chỉ rõ. 

Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục cho được tình trạng chồng chéo trong quy hoạch, những bất cập trong việc thay đổi quy hoạch. Ông nhắc tới nhiều ví dụ cụ thể về phá vỡ quy hoạch khiến hạ tầng quá tải tại một số đô thị.

Có thể nói, trong bối cảnh nhiều đô thị đang có diễn biến xấu như hiện nay về tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tải hạ tầng đô thị… thì chỉ đạo của Thủ tướng là cần thiết, có thể coi đó là toa thuốc điều trị căn bệnh loạn quy hoạch vốn dĩ đã xảy ra nhiều năm nay.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thấy gì từ con số tồn kho bất động sản đầu năm 2021?

Qua tổng hợp, phân tích số liệu về nguồn cung bất động sản và lượng giao dịch bất động sản từ các báo cáo địa phương, Bộ Xây dựng cho biết quý I/2021, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch ước tính vào khoảng 3.300 căn. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường bất động sản trong quý I/2021 tốt hơn so với cùng kỳ năm 2020 và quý IV/2020.

Tuy vậy, Bộ Xây dựng cho hay, trong khi tỷ lệ hấp thụ bất động sản nhà ở dần được cải thiện thì lượng giao dịch và khả năng hấp thụ đối với bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hạn chế. Tỷ lệ giao dịch bình quân trong quý chỉ đạt khoảng 30%.

Mặt khác, khảo sát chưa đầy đủ từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản có lãi lớn quý I/2021 cho thấy, số hàng tồn kho còn khá cao. Song phần lớn giá trị tồn kho của các doanh nghiệp này tính đến hết quý I không biến động nhiều so với thời điểm đầu năm. 

Lý giải về nguyên nhân tồn kho của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, trong năm qua doanh nghiệp kinh doanh và nhà đầu tư bất động sản gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, cùng với đó là những vấn đề pháp lý liên quan đến việc cấp phép cho dự án bị siết chặt, khiến thị trường giảm nguồn cung sản phẩm mới.

Ông Thanh cho rằng: “Mặc dù lượng sản phẩm tồn kho của các doanh nghiệp tương đối lớn, nhưng thực tế trong khoảng 3 năm trở lại đây nguồn cung mới liên tục giảm, trong khi nhu cầu thị trường vẫn ở mức cao, đó chính là lý do khiến giá bán không ngừng bị đẩy lên. Doanh nghiệp cũng có xu hướng giữ lại hàng chờ thời điểm giá bán tăng hợp lý sẽ “bung” ra để bán”.

Xem thông tin chi tiết tại đây

3 khu vực có giá đất “nóng bỏng tay” bất chấp dịch bệnh

Nếu phân khúc căn hộ có mức tăng giá ổn định thì đất nền là loại hình ghi nhận mức độ tăng giá ấn tượng từ cuối năm 2020 đến nay. Bên cạnh các khu vực nóng sốt, giá tăng đột biến thì một số địa phương, dù không sốt đất nhưng mức độ tăng giá cũng ngang ngửa không kém.

Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong vòng 2 năm từ 2018 đến 2020 giá BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng 30-50%, thậm chí những khu vực trọng điểm du lịch như TP. Vũng Tàu hay cung đường ven biển từ Long Hải đến Hồ Tràm, có nơi ghi nhận tăng giá tới 70% trong vòng 2 năm qua.

3 khu vực có giá đất nóng bỏng tay bất chấp dịch bệnh

Bên cạnh Biên Hoà, Long Thành, thì Nhơn Trạch (Đồng Nai) tiếp tục là điểm nóng về giá BĐS. Dù mức tăng không đột biến như các khu vực khác nhưng mức độ tăng ghi nhận đều đặn từ 15 - 20%/năm, có nơi đón sóng hạ tầng mức tăng có thể lên đến 30% trong vòng 1 năm.

Bình Dương cũng là khu vực có mức giá bất động sản "nóng bỏng tay", nhất là ở phân khúc đất nền. Là thị trường không nóng sốt bất thường như các khu vực khác, nhưng hiện tượng tăng giá đất theo tuần/tháng diễn ra khi lượng người đi tìm đất vẫn tăng lên, ngay cả ở thời điểm dịch bệnh.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai “chỉ mặt” chiêu phân lô bán nền trái phép

Theo kế hoạch sử dụng đất, trong năm 2021, trên địa bàn Đồng Nai quy hoạch gần 350 khu dân cư, khu đô thị để đáp ứng nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 5/2021, số dự án bất động sản tại Đồng Nai hoàn thành hạ tầng kỹ thuật đưa vào khai thác hiệu quả rất ít. Trong số này, có đến hơn 70% dự án khu dân cư, khu đô thị đã có chủ đầu tư 5-10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành, không thu hút được người dân đến sinh sống. Những khu dân cư vắng bóng người khiến cho các khu vực xung quanh không phát triển được, ảnh hưởng chung đến phát triển kinh tế của địa phương.

Đáng chú ý, dù chưa hoàn thiện việc xây dựng, triển khai thi công, song nhiều chủ đầu tư đã tiến hành chuyển nhượng sản phẩm bằng hình thức cho nhà đầu tư thứ cấp ký hợp đồng đầu tư, đặt cọc, góp vốn, giữ chỗ khi chỉ mới có quy hoạch 1/500.

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, theo Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở... thì một dự án bất động sản phải hoàn thành xây dựng hạ tầng, được cơ quan chức năng nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được phép rao bán, sang nhượng. Mặc dù vậy, tại Đồng Nai, nhiều chủ đầu tư dự án đã “lách luật”, rao bán đất nền khắp nơi khi chưa xây dựng xong hạ tầng, nhưng dưới hình thức hợp đồng đặt cọc, hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng góp vốn nên các cơ quan chức năng rất khó quản lý.

Vì vậy, muốn hạn chế được tình trạng doanh nghiệp bán dự án đất nền khi chưa đủ điều kiện, ông Đức cho rằng, người dân không nên mua những sản phẩm đất nền, nhà ở chưa hoàn thành các quy định theo yêu cầu của pháp luật. Để tránh rủi ro, trước khi nhận chuyển nhượng đất nền các dự án, người dân nên tìm hiểu thông tin về tiến độ, cơ sở pháp lý của dự án đã đủ chưa tại UBND các xã, phường, huyện, thành phố, nếu chưa đủ điều kiện thì không nên mua.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top