Động thái khác lạ của giới đầu tư địa ốc sau cơn sốt đất
Cơn sốt đất đi qua, nhiều lo ngại dấy lên, thị trường sẽ diễn ra tình trạng bán tháo, cắt lỗ hàng loạt ở những BĐS mà NĐT chưa kịp thoát hàng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, câu chuyện này chưa thực sự rõ ràng, có chăng việc bán cắt lỗ chỉ diễn ra ở một số NĐT chịu áp lực về tài chính khi sử dụng đòn bẩy cao để vào thị trường lúc thị trường sốt. Còn với NĐT có sẵn dòng tiền nhàn rỗi thì việc cơn sốt hạ nhiệt chỉ khiến họ cảm thấy "buồn" hơn một chút vì chưa tận dụng được cơ hội. Tuy nhiên, các NĐT này cũng không quá lo lắng trong việc phải đẩy được hàng, bởi theo họ, cơ hội cho thị trường bất động sản vẫn còn "rộng mở" phía trước.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, đối với NĐT đã đầu tư tại các khu vực sốt ảo ở các tỉnh thành gần TP.HCM, họ sẽ đánh giá lại toàn diện khả năng tài chính, dòng tiền của mình để quyết định có tiếp tục nắm giữ tài sản hay không. Trong trường hợp sử dụng đòn bẩy tài chính nhưng lại đang bị "chôn" vốn tại các dự án đất nền, có thể không ít nhà đầu tư sẽ cân nhắc về khả năng bán cắt lỗ.
Xem thông tin chi tiết tại đây
TP.HCM “hô biến“ nhà tái định cư thành thương mại, Thủ tướng chỉ đạo phải đấu giá, tránh thất thoát
Hiện nay, không ít dự án trên địa bàn TP.HCM bị biến tướng, dính hàng loạt sai phạm khi chuyển từ nhà ở tái định cư sang thương mại. Nhiều dự án làm sai lệch chủ trương cũng như quy định pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây tâm lý bức xúc.
Điển hình như dự án New City Thủ Thiêm do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Việt làm chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại và chuyển nhượng cho người mua 1.122 căn hộ. Trong kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ còn cho biết, UBND TP.HCM đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng khu tái định cư, khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về giao đất. Điều này là không đúng quy định tại Điểm I, Khoản 2, Điều 118, Luật Đất đai năm 2013.
Một dự án khác cũng tự ý thay đổi quyết định đầu tư từ tái định cư sang thương mại là dự án chung cư An Sinh (tên gọi khác là Asa Light). Dự án này được đầu tư phục vụ tái định cư cho chương trình chỉnh trang đô thị, di dời nhà ở trên - ven kênh, rạch tại địa bàn quận 8, không có mục đích thương mại và được giao cho Công ty Dịch vụ Công ích quận 8 làm chủ đầu tư. Khi thực hiện, Công ty Công ích quận 8 đã hợp tác với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thái Bảo. Tuy nhiên, Công ty Thái Bảo đã tự ý ký hợp đồng mua bán căn hộ theo hình thức thương mại với người dân không đúng quy định của pháp luật, không đúng mục tiêu đầu tư của dự án.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Vì sao tín dụng bất động sản giảm tốc?
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tốc độ tăng tín dụng của quý I/2021 đang cao hơn so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước và với mức tăng này, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng.
Đến cuối tháng 2/2021, tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 776.918 tỷ đồng, tăng 0,16%; ngành công nghiệp và xây dựng đạt 2.615.593 tỷ đồng, tăng 1,13%; ngành thương mại, dịch vụ đạt 5.860.560 tỷ đồng, tăng 0,52% so với cuối năm 2020.
Tín dụng lĩnh vực bất động sản là 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020 (kinh doanh bất động sản tăng 2,82%). Tín dụng bất động sản các năm gần đây vẫn tăng nhưng tốc độ tăng chậm dần (năm 2019 tăng khoảng gần 30%; năm 2020 tăng trên 11%; quý I/2021 tăng khoảng 3%).
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước lý giải sự giảm tốc của tín dụng bất động sản là do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân giảm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát rủi ro chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro, trong đó có bất động sản.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cân nhắc việc nâng ngưỡng chịu thuế với doanh thu từ cho thuê nhà
Tổng cục Thuế sẽ tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu, đề xuất nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế đối với hoạt động cho thuê nhà.
Đó là khẳng định của bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) khi trao đổi với báo chí về quy định quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê nhà.
Theo thông tin một số cơ quan báo chí phản ánh thì ngưỡng chịu thuế cho thuê nhà hiện nay đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Bởi hoạt động cho thuê nhà của cá nhân hiện nay phải đóng mức thuế suất cao nhất (10%) so với nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ khác (từ 4,5% đến 7%). Nếu so sánh với việc gửi tiền tiết kiệm ngân hàng không phải chịu thuế thì việc cá nhân bỏ nhiều tỷ để đầu tư bất động sản cho thuê phải chịu thuế 10% mà không được trừ bất kỳ khoản chi phí nào là không hợp lý.
Thêm vào đó, ngưỡng trên 100 triệu đồng/năm (8,3 triệu đồng/tháng) đã thuộc diện nộp thuế cũng không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM. Nếu áp dụng mức này thì hầu hết các chủ căn hộ đều phải đóng thuế.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Sốt đất hầm hập, Chủ tịch tỉnh ủng hộ chuyển cụm công nghiệp thành nhà ở
Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thường trực UBND tỉnh đã tổ chức họp để nghe báo cáo về đề nghị chấp thuận cho phép chuyển đổi dự án cụm công nghiệp Hắc Dịch 2 tại thị xã Phú Mỹ thành dự án nhà ở.
Tại cuộc họp, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, dự án cụm công nghiệp Hắc Dịch 2 có diện tích 43ha, nằm trong quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020, xét đến năm 2030, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 3247/QĐ-UBND ngày 16/4/2016. Dự án cũng được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại quyết định số 3345/UBND-QĐ ngày 16/11/2017.
Sau 4 năm triển khai, chủ đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất Kim Nhật Vũng Tàu đã thực hiện một số thủ tục liên quan như: chuyển đổi mục đích sử dụng đất, báo cáo đánh giá tác động môi trường, các thủ tục pháp lý liên quan. Hiện trạng xung quanh dự án đã hình thành nhiều công trình công cộng, trường học và các dự án khu dân cư…
Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung chưa đồng bộ dẫn đến việc kết nối với hệ thống hạ tầng cụm công nghiệp gặp nhiều hạn chế. Vì vậy, theo Sở Xây dựng, việc phát triển cụm công nghiệp tại khu vực này không thuận lợi so với thời điểm xin chủ trương đầu tư cụm công nghiệp Hắc Dịch 2 vào năm 2016.