Thị trường địa ốc tiếp tục hút tiền năm 2022
Với sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế cùng nhu cầu đầu tư tăng, thị trường bất động sản được dự báo vẫn sẽ là kênh hút tiền trong năm 2022.
Cuộc khảo sát về danh mục đầu tư năm 2022 do Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Dat Xanh Services) thực hiện mới đây cho thấy, có đến 64% người được khảo sát lựa chọn bất động sản là loại tài sản ưu tiên đầu tư trong năm 2022; 14,7% người lựa chọn đầu tư vào chứng khoán; 7,3% lựa chọn tiền điện tử; 3,7% lựa chọn gửi tiết kiệm và mua vàng; các loại hình khác chiếm 1,8%.
Không ngạc nhiên khi bất động sản vẫn là kênh được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất, bà Phạm Minh Anh, Giám đốc Dịch vụ cho vay tài chính cá nhân, Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank (Việt Nam) cho biết, xu thế này khá rõ nét từ nửa sau năm 2021 vì doanh số giải ngân của ngân hàng tăng mạnh do khách hàng có nhu cầu đầu tư vào bất động sản rất cao.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bất cập nguồn cung bất động sản Hà Nội: Thiếu chính thống, “vống” tự phát
Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường Hà Nội đang chứng kiến thực trạng bất cập khi thiếu nguồn cung chính thống trong khi nguồn cung tự phát khá dồi dào.
Cụ thể, đối với các dự án bất động sản được đầu tư theo quy định, theo VARs, trong năm 2021, tại Hà Nội không có dự án bất động sản mới nào về đô thị và nhà ở được phê duyệt. Sản phẩm mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước.
Tổng lượng sản phẩm căn hộ được chào bán trên toàn thị trường năm 2021 đạt 16.841 sản phẩm. Lượng giao dịch căn hộ đạt 7.477/16.841 sản phẩm. Trong đó, căn hộ được chào bán phần lớn là hàng tồn từ các năm trước, chiếm hơn 80%. Phân khúc căn hộ chủ yếu được chào bán là phân khúc trung và cao cấp, phân khúc bình dân hiện chiếm tỉ trọng rất nhỏ (dưới 5%) và nằm ở các vùng ven Thủ đô.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Làn sóng F0 đổ bộ về thị trường bất động sản dịp cuối năm
Những ngày cận Tết Nhâm Dần, làn sóng đầu tư F0 tiếp tục đổ bộ vào thị trường bất động sản làm cho thị trường ấm dần lên nhưng các nhà đầu tư nên cẩn trọng rủi ro khi chưa có nhiều kinh nghiệm.
Thực tế là "cơn sóng ngầm" từ các nhà đầu tư F0 đã gia tăng cường độ từ vài năm trước. Nhất là từ đầu năm 2021, nhóm đầu tư mới này đã làm cho một số khu vực trở nên nóng sốt.
Nhận định từ các chuyên gia bất động sản, nhà đầu tư F0 dựa nhiều vào cảm quan cá nhân để đoán định thị trường, nhằm tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng, không có ý định sở hữu tài sản lâu dài. Đây được coi là nhóm nhà đầu tư rất hồ hởi vào thị trường, nhất là trước thời điểm thị trường ấm lên.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản vẫn chịu áp lực tăng giá, nhưng không phải vì tăng lượng nhà đầu tư F0, mà cơ bản là bởi nguồn cung thấp, chi phí giải phóng mặt bằng tăng, lãi suất ngân hàng quá thấp, giá nguyên vật liệu, thiết bị tăng “phi mã”…
Tuy nhiên, ở góc độ lý giải thế nào thì vẫn là nhu cầu tăng sẽ đẩy giá tăng theo. Việc các nhà đầu tư F0 tăng lên chắc chắn là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản tăng nhiệt. Trong thời gian tới, khi các nhà đầu tư mới tiếp tục đổ xô mua nhà đất, bất chấp quy luật giá thành, không loại trừ khả năng sốt đất sẽ lại xảy ra.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Ngành thép trước những thách thức của năm 2022
Tại báo cáo ngành vừa công bố, CTCK Maybank KimEng (MBKE) đưa ra góc nhìn trung lập đối với ngành thép trong năm 2022. Theo đó, sau một năm 2021 rực rỡ, các doanh nghiệp thép đang phải đối mặt với những thách thức từ việc giá bán giảm. Bên cạnh những nút thắt về nguồn cung do các nước phát triển đồng loạt mở cửa trở lại và việc đóng cửa ở các nước đang phát triển do biến thể Delta thì việc Trung Quốc hạn chế sản xuất thép đã tạo ra sự mất cân bằng cung cầu nghiêm trọng, đẩy giá thép lên mức cao kỷ lục vào giữa năm 2021.
Về phía nguồn cung, những đợt giãn cách xã hội mới đây tại các nước đang phát triển do tác động của biển thể Delta và tỷ lệ phủ vắc-xin thấp đã tạo nên sự tắc nghẽn về nguồn cung thép. Ngoài ra, theo MBKE, một phần nguyên nhân còn đến từ chính sách của Trung Quốc khi giới hạn sản lượng thép trong nước không vượt quá sản lượng 2020, nhằm giảm ô nhiễm trước thềm Thế vận hội mùa đông 2022 và cuộc tổng tuyển cử 2022, cũng như mục tiêu dài hạn của nước này nhằm trung hòa carbon vào năm 2050.
Hệ quả, sản lượng thép sản xuất hàng tháng của HPG đã giảm 30%, từ 100 triệu tấn vào tháng 5/2021 xuống còn khoảng 70 triệu tấn vào tháng 10/2021. Cũng bởi sự mất cân đối cung - cầu đó mà giá thép đã được đẩy lên mức cao kỷ lục vào tháng 5/2021.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Chính sách hâm nóng thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng
Trong 2 năm qua (2020 - 2021 đến nay), phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được coi là trầm lắng hoặc thậm chí gần như “ngủ đông”, lượng tiêu thụ rất thấp. Điển hình, năm 2020, tổng lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới của loại hình condotel là 342 căn/525 căn và của loại hình biệt thự biển là 239 căn/541 căn, tính các dự án từ Huế trở vào đến Phú Quốc - Kiên Giang; trong khi con số tương ứng là 7.932 căn/10.290 căn của condotel và 2008 căn/2.660 căn của biệt thự biển năm 2019.
Nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát tốt và các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài thì sự thiệt hại của ngành du lịch và bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng còn nghiêm trọng hơn nữa. Tuy nhiên, mới đây Chính phủ đã có Nghị quyết 128/2021 từ ngày 11/10/2021 về việc linh hoạt thích ứng và an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Từ đó, các biện pháp giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ, các hoạt động kinh tế đang dần trở lại bình thường trong hơn 1 tháng qua. Đây là nền tảng cơ bản để phục hồi phát triển kinh tế trong đó có du lịch và bất động sản. Đặc biệt, thị trường bất động sản luôn có những phản ứng nhanh nhạy và tiên phong trước các chính sách định hướng của Chính phủ và Nhà nước.