Nhu cầu tiếp tục tăng
Đánh giá về tiềm năng của bất động sản công nghiệp trong năm 2021, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, chủ trương của Chính phủ trong việc hỗ trợ và mở rộng các bất động sản công nghiệp để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam là một yếu tố tích cực. Đồng thời, những chuyển biến theo tình hình kinh tế thế giới cũng như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng là một điểm cộng cho chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam.
Ông Khương cũng đặc biệt nhấn mạnh yếu tố dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đại dịch Covid-19 kéo dài sẽ là yếu tố đẩy nhanh việc di dời cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc. Đáng chú ý là các nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp cho Apple như Pegatron và Foxconn từ Đài Loan, Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật Bản, Lenovo từ Hồng Kông đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Báo cáo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam năm 2020 và dự báo năm 2021 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) đã đưa ra những nhận định tương đối tích cực về phân khúc bất động sản công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARs cho rằng, dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng bất động sản công nghiệp. Cùng với đó, sẽ có nhiều dự án logistics phục vụ khu công nghiệp được đẩy mạnh phát triển. Giá cho thuê mặt bằng kho bãi, nhà xưởng trong năm 2021 được dự báo giữ ổn định, không xuất hiện khủng hoảng hay bong bóng trong bất động sản công nghiệp.
Với triển vọng phát triển tích cực, trong năm 2021 sẽ tiếp tục có những khu công nghiệp mới hoàn thiện hạ tầng được đưa ra thị trường, cũng như tiếp tục có loạt dự án mới phát triển hạ tầng khu công nghiệp được phê duyệt. Tuy nhiên, ông Đính cho rằng, các địa phương cần cẩn trọng trong việc cấp phép mới dự án khu công nghiệp, tính toán đến các yếu tố đồng bộ hạ tầng cứng và mềm, tránh khủng hoảng thừa như đã từng xảy ra ở một số nơi.
Thách thức
Trao đổi với phóng viên, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng) cho rằng, nguồn cung tăng trong thời gian tới chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư. Song, nguồn cung bổ sung này cần thời gian để phát triển. “Quan điểm của chúng tôi về thị trường hiện tại là nhu cầu vẫn cao và các nhà đầu tư vẫn háo hức tiến về phía trước”, ông Bruno Jaspaert nhận định.
Theo ông Bruno Jaspaert, vấn đề không chỉ nằm ở nguồn cung, mà còn là các tiện ích và lực lượng lao động. “Nguồn cung mới phải đi kèm các kế hoạch cung cấp tiện ích phù hợp và các chương trình nhà ở cho công nhân”, ông Bruno nói.
Bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty Kizuna, doanh nghiệp chuyên về nhà xưởng xây sẵn tại Long An nhấn mạnh, giai đoạn 2021 - 2022 sẽ là một năm bùng nổ bất động sản công nghiệp nếu Covid-19 được kiểm soát tốt. Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn cho chiến lược phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, do đó, nhu cầu bất động sản công nghiệp trong tương lai gần vẫn rất lớn.
Hiện tại, đối với các cơ sở mới xây dựng, do quỹ đất của các khu công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc còn hạn chế, nên các chủ đầu tư cần mở rộng danh mục đầu tư sang các khu vực tập trung.
Bà Hiếu cho rằng, trong ngắn hạn, nguồn cung bất động sản công nghiệp có thể không đáp ứng được nhu cầu tăng cao, nhưng về dài hạn, các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp của Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh lớn, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư, tập đoàn nước ngoài có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Do đó, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ, đầu tư phát triển các dự án theo hướng môi trường sinh thái.
Nhìn một cách tổng thể, ông Sử Ngọc Khương cho rằng, bất động sản công nghiệp có liên quan đến nhiều yếu tố như chuỗi cung ứng, kho bãi, cảng biển, giao thông vận tải… Đồng thời, hiện Chính phủ đang ưu tiên các ngành nghề tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, do đó vấn đề nhân lực, lực lượng lao động có tay nghề để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là một bài toán cần phải quan tâm.
“Đây là một bài toán tổng thể giữa Chính phủ và các doanh nghiệp. Nhà nước sẽ đầu tư hạ tầng giao thông, kho bãi, kho vận cũng như là các chuỗi cung ứng trên tinh thần hợp tác công - tư, vì ngân sách không thể phân bổ đều cho hết các ngành nghề, nên việc phối hợp công - tư thỏa đáng sẽ góp phần giải quyết vấn đề trên”, ông Khương nói./.