Tính đến ngày 20/06/2017, cả nước có 23.594 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 306,3 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 162,57tỷ USD, bằng 53% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 180,68 tỷ USD, chiếm 58,98% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 50,99 tỷ USD (chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 18,83 tỷ USD (chiếm 6,14% tổng vốn đầu tư).
Đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 41,67 tỷ USD (chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Bình Dương với 28,66 tỷ USD (chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư), Bà Rịa – Vũng Tàu với 26,72 tỷ USD (chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư), Hà Nội với 26,3 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư).
Tính riêng trong 2 quý đầu năm 2017, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016. Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 9,48 tỷ USD, chiếm 49,3% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng đầu năm. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 5,25 tỷ USD, chiếm 27,34% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,28 tỷ USD, chiếm 6,68% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng ở vị trí thứ năm, thu hút khoảng 0,7 tỷ USD, trong đó có 39 dự án đăng ký cấp mới với 0,5 tỷ USD.
Trong quý, có 2.279 công ty BĐS được cấp giấy phép, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với số vốn tăng 42,2% so với cùng kỳ năm ngoái.