Thị trường nóng ngoài dự kiến
Sở hữu khí hậu nhiệt đới và bờ biển dài, nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, lọt top 5 nước ASEAN có lượng khách quốc tế cao nhất. Tính đến hết tháng 11/2016, đã có hơn 9 triệu lượt du khách quốc tế đến với Việt Nam (số liệu của Tổng cục Thống kê). Bên cạnh đó, Việt Nam còn được bình chọn là 1 trong 4 quốc gia tốt nhất để nghỉ hưu ở châu Á, thu hút lượng lớn người nước ngoài có nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ 2 để nghỉ dưỡng.
Vẫn theo thống kê, trong một thập kỷ qua, hơn 70% khách quốc tế lựa chọn du lịch biển Việt Nam trong các kỳ nghỉ của mình. Phần lớn du khách đến từ các nước ôn đới, như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc nên những thành phố biển miền Nam và Trung Bộ với khí hậu ấm áp quanh năm trở thành điểm đến được yêu thích nhất. Sự tăng trưởng lượng khách từ các quốc gia phát triển cũng kéo theo nhu cầu nghỉ dưỡng tại các cơ sở lưu trú tiêu chuẩn cao, đặc biệt là phân khúc cao cấp.
Vì vậy, sẽ không quá nếu nói đây chính là một trong những nguyên nhân khiến việc đầu tư phát triển các dự án nghỉ dưỡng bùng nổ trong năm qua. Hầu hết các thành phố du lịch, như Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long..., đều ghi nhận dấu ấn trong lĩnh vực này với nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng hàng nghìn tỷ đồng được xây dựng, tổ chức quy mô, bài bản, phục vụ lượng lớn du khách trong nước và quốc tế.
Riêng Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc chứng kiến sự phục hồi và bùng nổ của thị trường với gần 35 dự án được chào bán mới, tương đương 12.000 căn hộ và gần 2.000 biệt thự nghỉ dưỡng.
Nha Trang là khu vực tiên phong trong nhóm sản phẩm BĐS ven biển. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, thành phố này đã có tới 4.900 sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng được trình làng. Trong số đó có thể kể đến các dự án, như Vinpearl Luxury Nha Trang với 84 căn biệt thự cao cấp, Vinpearl Resort – Villas (Nha Trang) cung cấp cho thị trường 173 biệt thự sang trọng và 483 phòng nghỉ cao cấp…
Theo sát ở vị trí thứ 2 là Đà Nẵng với tổng nguồn cung lên tới 1.199 biệt thự và 3.367 căn hộ. Tổng kết 6 tháng đầu năm 2016, thị trường căn hộ khách sạn tại “thành phố đáng sống nhất Việt Nam” đã có sự tăng trưởng mạnh với gần 2.500 căn từ 6 dự án; trong đó 89% là các căn hộ cao cấp từ dự án Vinpearl Riverfront Condotel Da Nang, Luxury Apartment, Ariyana Beach Resort & Suite Da Nang, Ocean Suite…
Chưa dừng lại ở đó, theo Savills Việt Nam, trong nửa cuối năm 2016, 3 dự án mới ở phân khúc khách sạn (Crowne Plaza giai đoạn 2, Hilton Đà Nẵng Hotel và Four Points thuộc Sheraton), dự kiến gia nhập thị trường sẽ tiếp tục cung cấp thêm khoảng 1.320 phòng. Bên cạnh đó, còn có 99 căn condotel đẳng cấp 5 sao tại Naman Garden của Empire Group.
“Đảo ngọc” Phú Quốc cũng tỏ ra không hề kém cạnh trong cuộc đua BĐS nghỉ dưỡng năm qua. Được đánh giá là tăng tốc cả về chất và lượng cùng sự xuất hiện của nhiều “đại gia”, như Vingroup, Sun Group, CEO Group, BIM Group…, Phú Quốc hiện đã trở thành công trường tỷ USD với hàng loạt dự án mang tầm vóc và quy mô toàn cầu, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng cơ sở hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Một số cái tên tiêu biểu có thể kể đến, như Vinpearl Phú Quốc với 604 phòng nghỉ và 44 biệt thự biển; Novotel Phu Quoc Resort với 44 biệt thự biển; Khu biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao Sonasea Villas với 314 phòng… Tính đến thời điểm này, Phú Quốc đã có 202 dự án được cấp phép với tổng mức đầu tư lên tới 144.000 tỷ đồng.
“Phễu vàng” thu hút dòng tiền ngoại
Theo thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm 2016, Việt Nam thu hút 16,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, tăng thêm từ 1.820 dự án. Trong số này, 6% dòng vốn đổ vào hoạt động kinh doanh BĐS.
Lý giải điều này, nhiều chuyên gia nhận định nguyên nhân là do Việt Nam có nền kinh tế phát triển ổn định, khung pháp lý khá minh bạch, thông thoáng, cơ chế vay vốn linh hoạt, mức lãi suất thấp. So với các nước trong khu vực, BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam hiện đang có sức cạnh tranh tốt.
Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam cho biết, nghiên cứu và khảo sát từ các nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam trong thời gian gần đây thu được hết sức khả quan. Nhiều nhà đầu tư ngoại bắt đầu có chiến lược đầu tư vốn vào Việt Nam bằng hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài hoặc mua lại dự án nghỉ dưỡng hiện hữu.
Theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường BĐS các khu vực ven biển Việt Nam, như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang…, hiện rất lớn. Sở thích của các nhà đầu tư này là tìm cơ hội phát triển các dự án BĐS nghỉ dưỡng có tiềm năng sinh lời cao, mang về dòng tiền ổn định.
Mối quan tâm đặc biệt này được minh chứng ngay tại sự kiện triển lãm BĐS Sun Group tại Singapore hồi đầu năm và đặc biệt vào dịp cuối tháng 9 vừa qua. Hàng trăm nhà đầu tư đã đến khách sạn Royal Plaza on Scotts Hotel để tìm kiếm thông tin về các dự án của Sun Group tại Phú Quốc, Đà Nẵng và Hà Nội. Bên lề sự kiện này, nhiều nhà đầu tư đến từ “đảo quốc sư tử” thể hiện sự hào hứng với thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam, đặc biệt là Phú Quốc. Nhiều người còn ví Phú Quốc như Sentosa của Việt Nam.
Ngay cả dòng kiều hối cũng đang hướng sự chú ý đến các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng trong nước. Ông Andrew Langdon, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Mövenpick Hotels & Resorts cho biết, dù mới mở bán lần đầu vào cuối tháng 5, song dự án đã thu hút nhiều khách hàng Việt kiều.
"Chính sách tại Việt Nam đang hỗ trợ cho thị trường BĐS, trong đó việc cho phép người nước ngoài và Việt kiều mua nhà khiến tỷ lệ giao dịch thành công tại các dự án nghỉ dưỡng hạng sang có xu hướng gia tăng", vị này cho hay.
Năm 2016 đã khép lại với danh hiệu “Năm của BĐS nghỉ dưỡng” do nhiều chuyên gia “phong tặng”. Dù thị trường năm qua cũng chứng kiến nhiều nốt thăng trầm của phân khúc này nhưng bước sang năm 2017, phân khúc này vẫn được nhận định là có nhiều cơ hội “bùng nổ”. Bên cạnh các “ông lớn”, thị trường 2017 còn chứng kiến sự tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và người dân nhờ tiềm năng đang mạnh mẽ cùng hình thức đầu tư phi truyền thống mang về nhiều lợi nhuận thực sự./.