Làn sóng đầu tư mới
Thời gian qua, nhiều “đại gia” địa ốc đã bỏ số tiền khổng lồ để đầu tư tại Thanh Hóa, như Vingroup, FLC, T&T…, khiến thị trường BĐS nơi đây đang nóng lên từng ngày.
Mới đây nhất, Vingroup đã chính thức ra mắt dự án nhà phố thương mại - Vincom Shophouse Thanh Hóa, thuộc tổ hợp Khách sạn 5 sao Vinpearl và Vincom Plaza Thanh Hóa. Dự án có diện tích quy hoạch 13.852 m2, gồm 139 căn Shophouse được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, tọa lạc tại vị trí đắc địa bậc nhất xứ Thanh với 4 mặt tiền giáp những con phố lớn: Trần Phú, Nguyễn Du, Triệu Quốc Đạt, Lê Hoàn.
Sau Vingroup, Sun Group đang có những bước chân đầu tiên vào thị trường này. Tháng 4 năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa và Sun Group đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En với đề xuất: Tổng mức đầu tư là 9.990 tỷ đồng. Với tiêu chí “Chất lượng - Đẳng cấp - Sự khác biệt”, Sun Group sẽ xây dựng dự án thành điểm nhấn về du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí mang tầm vóc quốc tế.
Một doanh nghiệp khác nhanh chân ký cam kết “rót” 1 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2018 vào xứ Thanh là Tập đoàn FLC. Để thực hiện quyết tâm biến Thanh Hóa thành một trong những trọng điểm đầu tư của doanh nghiệp, FLC tập trung phát triển nhiều dự án, như Khu nhà ở hỗn hợp Nam thành phố Thanh Hóa, quy mô khoảng 2ha với tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng; Khu nhà hỗn hợp FLC Complex Thanh Hoá; Dự án khu trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ chung cư có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Đặc biệt, tháng 7 năm 2015, Tập đoàn này đã tổ chức lễ khai trương Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn tại thị xã Sầm Sơn. Dự án đã biến một vùng đất đầm lầy thành một đại dự án hoành tráng, đẳng cấp quốc tế có tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng. Cũng từ đây, Thanh Hóa nói riêng, miền Bắc, Bắc miền Trung nói chung lần đầu tiên ghi tên mình vào danh sách những địa danh có khu nghỉ dưỡng đẳng cấp lớn và tầm cỡ nhất tại Việt Nam.
Ngoài các doanh nghiệp lớn trên, Tập đoàn T&T cũng đã nhảy vào đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân (huyện Tĩnh Gia). Dự án có quy mô diện tích đất lên tới 117ha, trong đó, việc xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp với hệ thống nhà hàng, khách sạn, biệt thự cùng khu dịch vụ tổng hợp chiếm 7,7ha; hệ thống khách sạn từ 3 - 5 sao, tòa tháp T&T và quảng trường biển có diện tích 22,2ha; còn lại là công viên cây xanh, khu giải trí cao cấp và biệt thự ven hồ… Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 1.024 tỷ đồng. Được khởi công từ quý III năm 2014 và dự kiến đi vào hoạt động từ quý III năm 2018, dự án sau khi hoàn thành sẽ là khu đô thị sinh thái hiện đại, chất lượng cao.
Vì sao hấp dẫn?
Theo Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến, Thanh Hóa có nhiều điểm riêng biệt không phải địa phương nào cũng có. Đó là những giá trị khác biệt, nổi trội, tạo nên lợi thế so sánh của tỉnh...
Trước hết, phải nói đến tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Thanh Hóa. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2016 ước tăng 9,05% so với cùng kỳ (năm 2015 tăng 8,39% so với cùng kỳ); trong đó, ngành công nghiệp, xây dựng tăng 11,96%; các ngành dịch vụ tăng 8,83%.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, 2017 và những năm tiếp theo, kinh tế Thanh Hóa sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Đây là cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư BĐS yên tâm khi tham gia vào thị trường này.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng liên tục được đầu tư và dần hoàn thiện. Hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ các loại hình, như đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Thanh Hóa có cửa khẩu quốc tế, cảng nước sâu Nghi Sơn, cảng hàng không Thọ Xuân…
Ngoài ra, theo Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa, xứ Thanh có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, như Hàm Rồng, Vườn quốc gia Bến En, các Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông, suối cá thần Cẩm Lương, Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Khu di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia…
“Thanh Hóa còn có các bãi biển đẹp, như Sầm Sơn, một trong những khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng của Việt Nam được người Pháp phát hiện vào năm 1906, các khu du lịch sinh thái Quảng Cư, Nam Sầm Sơn, khu di lịch biển Hải Tiến, biển Hải Hòa đang được đầu tư, phát triển... Có thể nói, Thanh Hóa có lợi thế lớn trong phát triển đa dạng các loại hình du lịch, như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh...”, ông Chiến cho hay.
Với thế mạnh đó, theo thống kê, năm 2016, Thanh Hóa ước đón 6,3 triệu lượt khách (tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2015), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6.280 tỷ đồng (tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước).
Được biết, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hiện có 56 doanh nghiệp lữ hành, 658 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 20.800 phòng. Dự kiến, năm 2017, sẽ đón 7,15 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 8.000 tỷ đồng. Đây là cơ sở thúc đẩy BĐS du lịch, nghỉ dưỡng Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Năm 2016, FDI của Thanh Hóa đạt gần 49 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là địa phương đứng đầu cả nước về thu hút FDI từ Nhật Bản. Đi cùng các dự án này là nhu cầu lớn về các dịch vụ kèm theo, trong đó có BĐS nhà ở, nghỉ dưỡng, giải trí. Việc hàng loạt các chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Thanh Hóa là cơ hội tốt để phát triển phân khúc chung cư cao cấp, nhà biệt thự…
Với thế mạnh sẵn có như trên, cùng với cam kết “luôn đồng hành, luôn luôn là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp”, hiện nay, Thanh Hóa đang từng bước thay đổi hình ảnh, trở thành một trong những điểm nóng thu hút đầu tư mạnh mẽ, nhất là địa ốc. Trong tương lai gần, thị trường BĐS nơi đây sẽ có những bước phát triển đột phá, đem lại những giá trị và lợi ích cho các chủ đầu tư và người dân xứ Thanh./.