Aa

BĐS TP.HCM: Để đất vàng thực sự "hóa vàng"

Thứ Hai, 29/05/2017 - 14:01

Châu Á Thái Bình Dương dồn dập đón “sóng” giao dịch BĐS; BĐS TP.HCM: Để đất vàng thực sự "hóa vàng"; Môi giới âm thầm "lột xác” thành chủ đầu tư; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cần hết sức cảnh giác với bong bóng BĐS; Loay hoay tìm đầu ra cho căn hộ office-tel;… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

BĐS TP.HCM: Để đất vàng thực sự "hóa vàng"

Tại một số quận trung tâm như quận 1, quận 3 hiện có nhiều khu đất rộng hàng ngàn m2 bỏ không từ nhiều năm nay, thậm chí nhiều dự án xây dựng dở dang rồi để đó cho xuống cấp. Cụ thể, dự án BIDV Tower do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm chủ đầu tư, sở hữu vị trí đắc địa tại số 117-119 ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, có diện tích 2.724m2 đã được phê duyệt xây dựng.

Theo quy hoạch, tòa nhà này cao tới 40 tầng, nhưng dự án này đã nằm bất động hơn 8 năm và hiện nay toàn bộ khu đất này đang được làm bãi giữ xe. Theo bảng giá đất của Thành phố, nếu tính thêm hệ số K, đường Nguyễn Huệ có giá chưa đến 200 triệu đồng/m2, nhưng đã có thời điểm giá đất nơi đây được chuyển nhượng lên đến cả tỷ đồng/m2.

Dự án Saigon One Tower khởi công từ năm 2009 rồi bỏ đó đến nay.

Dự án Saigon One Tower khởi công từ năm 2009 rồi bỏ đó đến nay.

Tương tự, khu đất tọa lạc mặt tiền đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, khu vực cũng thuộc vào hạng đắt đỏ nhất TP.HCM đang được dùng làm bãi giữ xe. Khu đất này trước đây là trụ sở một số cơ quan, doanh nghiệp của Bộ Công nghiệp, sau đó được thu hồi để đầu tư dự án Lavenue Crown do liên danh giữa Công ty cổ phần Kinh Đô, Công ty TNHH Quản lý Kinh doanh nhà TP.HCM và Mayflower Investment góp vốn đầu tư. Hiện nay, dù bên ngoài đã được quây tôn với những hình ảnh dự án rất hoành tráng, nhưng bên trong vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy dự án đã được triển khai.

Xem chi tiết tại đây.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cần hết sức cảnh giác với bong bóng BĐS

Ngày 26/5, nhân Hội nghị sơ kết việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được tổ chức tại Bộ Xây dựng có lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh một thông điệp về thị trường BĐS.

Theo Phó Thủ tướng, thị trường BĐS hiện đang phát triển thuận lợi, đóng góp tích cực vào phát triển chung sau một thời gian đóng băng.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, cần hết sức cảnh giác với bong bóng BĐS.

"Bộ Xây dựng, cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về thị trường BĐS, cùng với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương phải tập trung tăng cường hơn nữa kiểm soát sự phát triển của thị trường BĐS, không để xảy ra khủng hoảng, ảnh hưởng đến tăng trường và phát triển bền vững", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Xem chi tiết tại đây.

Châu Á Thái Bình Dương dồn dập đón “sóng” giao dịch BĐS

Theo đó, ở Singapore (tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái), Trung Quốc (tăng 24% so với cùng kỳ), Ấn Độ (tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái) và Hàn Quốc (tăng gấp đôi so với năm 2015). Tuy nhiên, Hồng Kông (giảm 14%) và Australia (giảm 13%), chủ yếu là do thiếu sản phẩm, trong khi đó hiệu suất tại Nhật Bản vẫn giữ mức ổn định.

Vốn đầu tư từ nước ngoài sẽ tiếp tục chảy vào khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Vốn đầu tư từ nước ngoài sẽ tiếp tục chảy vào khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Kết quả của năm 2016 được thúc đẩy bởi nhiều giao dịch lớn ở các địa điểm khác nhau. Giao dịch lớn nhất hoàn thành trong Quý 4 là việc quỹ đầu tư thành lập bởi ARA Asset Management và China Life thâu tóm dự án Century Link tại Phố Đông Thượng Hải có giá trị lên đến 2,9 tỷ USD. 

Tiếp theo là CIC và Brookfield Asset Management mua lại dự án IFC Seoul từ công ty bất động sản AIG Global (2,3 tỷ USD). Hai giao dịch trên, cùng với Qatar Investment Authority thâu tóm dự án Asia Square Tower One tại Singapore (2,5 tỷ USD), là ba thương vụ lớn nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong năm 2016.

Xem chi tiết tại đây.

Môi giới âm thầm "lột xác” thành chủ đầu tư

Với kinh nghiệm và tài chính tích lũy được sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản, nhiều doanh nghiệp môi giới đang từng bước “áp đặt” tiếng nói lên các chủ đầu tư, có những doanh nghiệp môi giới đã trở thành những nhà đầu tư phát triển thực sự.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, một số doanh nghiệp như CenGroup, Taseco Land, Đất Xanh, Hoàng Quân… đã từng bước chuyên nghiệp hóa các dịch vụ quản lý, tư vấn, môi giới, định giá bất động sản. Với kinh nghiệm và tài chính tích lũy được sau nhiều năm làm dịch vụ bất động sản, có nhiều đơn vị đã trở thành nhà phát triển dự án chuyên nghiệp. “Đó sẽ tiếp tục là xu hướng được nhiều doanh nghiệp dịch vụ địa ốc lựa chọn trong những năm tiếp theo”, ông Đính nhận định.

Xem chi tiết tại đây.

Loay hoay tìm đầu ra cho căn hộ office-tel

Hoang mang trước khoảng trống pháp lý của loại hình office-tel, nhiều khách hàng chọn cách bán ra các suất căn hộ dạng này thay vì kiên trì cho thuê như ban đầu. 

Tuy nhiên tìm được đầu ra cho phân khúc này cũng không dễ dàng gì.

Năm 2016 là thời điểm mà cơn sóng office-tel bùng phát mạnh mẽ. Hầu như tất cả các dự án căn hộ cao-trung cấp triển khai gần khu vực trung tâm TP.HCM đều có kèm loại hình căn hộ dạng này. Với lợi thế giá thành thấp, khả năng cho thuê cao, office -tel trở thành miếng bánh béo bở đối với cả người bán và người mua.

Căn hộ office-tel gặp khó. Ảnh P.UYÊN.

Căn hộ office-tel gặp khó. Ảnh P.UYÊN.

Tuy nhiên, trước quy định cấm sử dụng chung cư làm văn phòng, office-tel nhanh chóng bị đặt vào thế khó khi chưa có chế tài pháp lý rõ ràng. Không ít nhà đầu tư dù chưa nắm rõ tình hình nhưng để tránh gặp khó khăn đã quyết định chuyển suất đầu tư cho thuê dài hạn thành giao dịch mua bán ngắn hạn.

Trước thông tin người mua căn hộ office-tel không được cấp sổ hồng, sổ hộ khẩu và đăng ký hộ khẩu thường trú, ông Nguyễn Văn Phú, một nhà đầu tư Hà Nội vội rao bán cắt lỗ 2 căn hộ officetel với giá 1,3 tỉ/căn.

Hai căn hộ này có diện tích 25m2 và đều thuộc dự án River Gate (quận 4). Ông Phú cho biết, vì muốn bán xong nhanh, ông chấp nhận giá thấp hơn giá niêm yết của CĐT hơn 80 triệu.

Xem chi tiết tại đây.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tạm dừng triển khai quy hoạch Sơn Trà trong 3 tháng

Chiều 28/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp để nghe Bộ VHTTDL và UBND TP. Đà Nẵng báo cáo về việc tiếp thu các kiến nghị của Hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng về bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tinh thần của Thủ tướng, Phó Thủ tướng là rất cầu thị lắng nghe và đặc biệt chúng ta phải và công khai minh bạch vì sự thật bao giờ cũng là sự thật. Nếu chúng ta làm đúng thì nhân dân, công luận sẽ đánh giá đúng.

Theo Phó Thủ tướng, bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà được bắt đầu xây dựng từ tháng 5/2013. Bộ VHTTDL chủ trì nhưng Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ trong quá trình xây dựng bản Quy hoạch này. Bản Quy hoạch này được phê duyệt ngày 9/11/2016, được chính thức công bố ngày 15/2/2017. Bản Quy hoạch này chưa được triển khai trên thực tế. 

Trước tháng 5/2013, thực tế có 18 Dự án phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà được UBND Thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đã làm các bước, thậm chí có những dự án đã cấp phép. Trong số đó có 11 dự án có xây dựng cơ sở lưu trú. Từ năm 2013 tới nay không cấp thêm dự án nào nữa. Có nghĩa tất cả các dự án trên bán đảo Sơn Trà đều đã được đồng ý chủ trương hay cấp phép trước khi bản Quy hoạch được lập. 

Xem chi tiết tại đây.

Cổ đông Địa ốc dầu khí đòi bãi miễn hội đồng quản trị

4 nhóm cổ đông của Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (Mã CK: PVL) đã có đơn đề nghị đưa vào chương trình Đại hội cổ đông nội dung bãi nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT công ty đương nhiệm. Nhóm cổ đông bao gồm 2 pháp nhân là Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà, Công ty TNHH và Phát triển Công nghệ Việt Nam và 6 cổ đông cá nhân chia làm 4 nhóm đang nắm giữ 29% cổ phần PVL.

Theo đó, các cổ đông trên cho rằng, việc công ty chỉ thực hiện chưa được 1% doanh thu theo Nghị quyết Đại hội cổ đông 2016 và hầu hết không đạt 60% các chỉ tiêu khác khiến hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty càng ngày càng bết bát, khả năng phục hồi công ty mờ mịt. Ngoài ra, việc cổ phiếu PVL bị đưa vào diện bị kiểm soát, hạn chế giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) là lý do cần nhanh chóng thay đổi bộ máy HĐQT, lãnh đạo công ty càng sớm càng tốt.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top