Vinacomin “tiêu đêm” 1.951 tỷ quỹ môi trường, y tế... ?
Báo cáo thanh tra kết quả thanh tra Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, TKV đã trích lập và sử dụng nguồn từ các quỹ tập trung. Bao gồm quỹ thăm dò than khoáng sản, quỹ môi trường than, quỹ cấp cứu mỏ… lên tới 1.951 tỷ đồng. Số dư cuối năm của các quỹ này chỉ là 204 tỷ đồng.
Chưa kể, sau khi kiểm tra tình hình kinh doanh của công ty mẹ tập đoàn và 5 công ty thành viên cho thấy, tại thời điểm năm 2015, tổng tài sản của TKV là 138.526 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 38.182 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế của TKV là 838,7 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 13.838 tỷ đồng. Văn phòng Chính phủ đã đồng ý cho phép TKV tiếp tục giữ vốn điều lệ 35.000 tỷ đồng đến hết năm 2017.
Đoàn thanh tra cũng xác nhận công ty mẹ tập đoàn chưa mở tài khoản riêng tại các ngân hàng thương mại để theo dõi, hạch toán các quỹ tập trung nói trên theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
DXG lên kế hoạch tăng vốn, tăng lợi nhuận, mở công ty con
CTCP DV & XD Địa ốc Đất Xanh (mã DXG) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2017. Theo tờ trình, Hội đồng Quản trị (HĐQT) đề ra kế hoạch kinh doanh 2017 gồm doanh thu 3.300 tỷ đồng và lãi sau thuế 700 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 31% và 30% so với thực hiện năm trước.
HĐQT cũng trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn. Cụ thể, công ty sẽ phát hành gần 32,89 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 13% cho năm 2016, phát hành gần 14,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức 5% cho năm 2017 và phát hành 3 triệu cổ phiếu cho người lao động. Đợt phát hành được chia làm 2 giai đoạn và đều thực hiện trong năm 2017. Dự kiến sau phát hành, DXG sẽ tăng vốn từ hơn 2.530 tỷ đồng lên tối đa hơn 3.032 tỷ đồng.
Một trong những nội dung sẽ được trình ĐHCĐ lần này của DXG là thông qua việc thành lập Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn Riverside để cùng phát triển dự án SaigonRes Riverside tại phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP.HCM.
BĐS vẫn là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế
Sau một thời gian chững lại (2011-2012), thị trường BĐS Việt Nam đang dần "nóng" trở lại. Không ít người lo ngại đến mặt trái của thị trường này khi các nguồn vốn tín dụng, đầu tư lại tập trung sang lĩnh vực BĐS.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về BĐS, thị trường BĐS hiện nay là tương đối ổn định, lành mạnh hơn nhiều so với thời kỳ trước năm 2010 do các nhà quản lý và các nhà đầu tư đã có những bài học nhất định. Và cần công bằng nhìn nhận, lĩnh vực BĐS hiện nay đã giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM - ông Lê Hoàng Châu - thì, nếu đặt BĐS trong tổng thể nền kinh tế sẽ thấy những tác động to lớn, mối quan hệ mật thiết, động lực phát triển nhiều ngành nghề khác. Sắt, thép, xi măng, gạch men và các loai vật liệu xây dựng; Hạ tầng, logistic; Du lịch; Nội thất; Tư vấn nhà thầu, xây dựng;...là những ngành được hưởng lợi trực tiếp từ tốc độ đô thị hoá nhanh và sự tăng trưởng của BĐS.
Rõ ràng, chúng ta không nên coi bất động sản như một “lát cắt kinh tế” mà nên nhìn nhận sự phát triển của lĩnh vực này có tính tất yếu trong giai đoạn hiện tại cũng như tương lai hướng tới các giá trị lớn hơn của các doanh nghiệp trong ngành này.
Chứng chỉ quỹ TC REIT "đạt đỉnh", Thảo Điền bất ngờ muốn rút 30% vốn
Tính đến phiên giao dịch ngày 21/3/2017, giá chứng chỉ quỹ FUCVREIT đã lên mức 32.400 đồng/ccq, ghi nhận phiên thứ 17 liên tiếp tăng trần. So với mức giá tham chiếu tại thời điểm chào sàn là 10.000 đồng/ccq ngày 27/2 thì giá trị chứng chỉ quỹ FUCREIT đã tăng gần 220%. Theo quan sát, mức giá hiện tại của FUCREIT là mức cao nhất trong số các chứng chỉ quỹ đang niêm yết trên thị trường.
Kể từ khi lên sàn, FUCVREIT chưa có giao dịch lớn bất thường. Khối lượng mua cao hơn khối lượng bán. Lượng mua cao nhất vào ngày 27/2 với 126.000 ccq, các phiên sau đó khối lượng mua vào khoảng vài chục nghìn chứng chỉ quỹ. Trong khi, khối lượng bán chỉ vài nghìn chứng chỉ quỹ mỗi phiên.
Tuy nhiên, thông tin mới nhất trên HOSE mới đây, từ 23/3 đến 21/4/2017, CTCP Đầu tư Thảo Điền đăng ký bán 1,5 triệu chứng chỉ quỹ FUCVREIT. Tỷ lệ nắm giữ dự kiến sau giao dịch giảm từ 99,58% (4,98 triệu chứng chỉ quỹ) xuống 69,58% (3,48 triệu chứng chỉ quỹ). Giao dịch dự kiến khớp lệnh và thỏa thuận.
Thu 100% giá trị Hợp đồng trước khi bàn giao: Vinaconex 2 tiếp tục sai phạm
Vừa qua, nhiều khách hàng mua căn hộ tại tòa C – 36 tầng khu đất CT2 thuộc dự án Golden Silk - Kim Văn Kim Lũ (gọi tắt là tòa C Golden Silk) đã nhận được thông báo bàn giao nhà từ chủ đầu tư theo cam kết hợp đồng. Tuy nhiên, khi đến nhận căn hộ, khách hàng hoàn toàn hụt hẫng và thất vọng vì cơ sở hạ tầng của toà nhà chưa hoàn thiện và không thể vào ở ngay được.
Công ty Cổ phần Xây dựng số 2 (Vinaconex 2), chủ đầu tư tòa C Golden Silk còn bị nhiều khách hàng phàn nàn vì khi mua nhà ở đây, họ phải đóng 100% giá trị Hợp đồng trước khi nhận bàn giao nhà và sổ đỏ.
Cụ thể, trong tài liệu mà các hộ dân mua nhà tại tòa C Golden Silk cung cấp, Vinaconex 2 đã gửi thông báo cho các hộ dân về việc nộp tiền mua căn hộ đợt cuối và nhận bàn giao căn hộ thuộc tòa C Golden Silk, Khu đô thị mới Kim Văn Kim Lũ, quận Hoàng Mai, Hà Nội từ ngày 17/2/2017.
Gánh nặng nhà tái định cư
Nhu cầu nhà ở của người dân TP.HCM rất lớn nhưng hàng chục ngàn căn hộ tái định cư đã xây dựng xong lại không ai vào ở đang đặt ra vấn đề, liệu TP có nên tiếp tục xây dựng nhà tái định cư nữa hay không?
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh) là một trong những công trình quy mô lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng tại TP.HCM với vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, trên khu đất hơn 31 ha, có gần 2.000 căn hộ và 529 nền đất. Tuy nhiên, dự án được xây dựng từ năm 2004 và hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2010 đến nay nhưng mới có khoảng 700 căn hộ và khoảng 374 nền đất được bố trí tái định cư, số còn lại bỏ hoang.