Ngành xây dựng sẽ phát triển vượt bậc
Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2017 đã có hơn 4.000 doanh nghiệp (DN) bất động sản được thành lập mới, tăng gần 63% so với năm 2016 và số vốn đăng ký cũng chiếm nhiều nhất đạt khoảng gần 284.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy lĩnh vực xây dựng bất động sản hiện đang là ngành kinh doanh hấp dẫn.
Cùng với đó, bảng xếp hạng Profit500 năm nay của Vietnam Report, ngành Xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản cũng có số DN xuất hiện nhiều nhất, chiếm 17,4% tổng số DN có mặt trong bảng xếp hạng, tiếp sau đó là ngành tài chính và đồ uống.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường xây dựng Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, nhiều DN có uy tín rất cao trên thị trường quốc tế khi vươn ra khỏi Việt Nam.
TS. Đinh Thế Hiển đánh giá, kinh tế Việt Nam 2017 đạt được nhiều kết quả tích cực, DN xây dựng thành lập mới là 16.000, chiếm 12% DN mới và tăng 10,6% so với 2016. Các công ty xây dựng niêm yết có doanh thu và lợi nhuận trong nhóm ngành tăng mạnh nhất trong 3 năm 2015 – 2017.
Ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng hàng đầu trong 10 năm qua. Nhiều công ty xây dựng thành lập mới do sự hấp dẫn của ngành. Doanh thu ngành xây dựng tăng trưởng liên tục trong 2007 từ mức 1,2 tỷ USD lên 12,8 tỷ USD năm 2017.
Với tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, theo TS. Đinh Thế Hiển, ngành xây dựng Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ song song với sự tăng trưởng của GDP. Theo đó, trong 3 năm từ 2015 – 2017 có thể thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành xây dựng. Bước qua năm 2018, ngành xây dựng hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng này một cách ngoạn mục.
“Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đến Việt Nam sẽ là một sự bù đắp cho các vấn đề để ngành xây dựng phát triển. Cả vốn FDI lẫn các thương vụ mua bán sáp nhập đổ khá mạnh vào bất động sản cuối 2017 công thêm du lịch nghĩ dưỡng sẽ là những bệ đỡ cho ngành xây dựng tăng trưởng trong năm nay, thậm chí vượt 2017”, ông Hiển nhận định.
Cùng chung nhận định, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư của Savills Việt Nam cho rằng, trong vòng 15 năm qua, ngành xây dựng Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh. Nguyên nhân được cho là do các đô thị lớn của Việt Nam hiện đang có tốc độ phát triển mạnh như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Do đó, kỳ vọng của giai đoạn từ năm 2018 - 2020, ngành xây dựng sẽ phát triển một cách vượt bậc. Trong đó, nhóm công trình giao thông, xây dựng sẽ chiếm ưu thế trong giai đoạn 5 năm tới.
Theo ông Khương, việc huy động vốn của các công ty xây dựng và bất động sản từ nước ngoài hay trên thị trường chứng khoán sẽ đổ vào ngành xây dựng tạo ra sự tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.
Đánh giá về nguồn vốn dành cho ngành xây dựng, luật sư Bùi Quang Tín nhận định, với tốc độ đô thị hoá gia tăng mạnh mẽ, đây được coi là nền tảng của ngành xây dựng. Cùng với đó, báo cáo triển vọng đô thị hoá thế giới cũng thông tin tốc độ tăng trưởng dân số bình quân của Việt Nam là 1,2 – 1,5%/năm và tốc độ tăng trưởng trung bình là 3,4%/năm. Mức tăng ghi nhận vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khu vực Asean và các nước khác trên thế giới. Vì thế, tiềm năng tăng trưởng phân khúc nhà ở trong tương lai là rất lớn, nhu cầu văn phòng tăng mạnh mẽ và phân khúc công nghiệp, kho vận hoạt động tốt nhờ dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, cho rằng, sau những thành tựu ngành xây dựng Việt Nam đã đạt được, tiềm năng phát triển trong năm 2018 dự đoán sẽ mạnh hơn năm 2017. Năm 2018, chỉ số phát triển ngành xây dựng không những có thể tăng từ 6 - 10%/năm mà còn lên đến 15 - 20%/năm bằng việc phát triển ra nước ngoài…
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ngành xây dựng của Việt Nam đang bắt đầu vươn xa ra nước ngoài, sang các nước khó tính như Cô-oét, Nhật Bản… đang dần được các các tập đoàn lớn như Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) đã chinh phục và ký hợp đồng lâu dài.
“Chính các tập đoàn xây dựng đã có tầm nhìn thị trường sâu sắc và bứt phá mở rộng ra nước ngoài, tạo tiền đề để ngành xây dựng Việt Nam phát triển mạnh trong năm 2018 và tương lai…”, ông Châu nhận định.
Khuyến khích chuyên môn hoá sản phẩm
Từ những lợi thế vốn có, ngành xây dựng cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, ông Lê Viết Hải cho rằng, hiện tại Việt Nam đang có những ưu thế rất lớn để phát triển xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn, kích thích nền kinh tế phát triển. Trong những năm gần đây, ngành xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về trình độ quản lý lẫn kỹ thuật công nghệ thi công và đã thành công trong việc thay thế nhà thầu ngoại ở nhiều dự án lớn có yêu cầu kỹ - mỹ thuật cao. Nhiều dự án đã khẳng định ưu thế tại thị trường trong nước.
“Cần cho phép các hiệp hội ngành nghề nói chung và Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nói riêng chia sẻ một phần nhiệm vụ quản lý chuyên ngành như việc đánh giá năng lực, xếp hạng nhà thầu, cấp chứng chỉ hành nghề, tổ chức các giải thưởng, để công tác này đi vào thực chất, có hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Tổ chức những chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ nghề nghiệp có giá trị quốc tế cho đối tượng sẵn sàng đi lao động nước ngoài bao gồm cả công nhân, kỹ sư và chuyên gia trong ngành xây dựng. Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu phát triển và nhanh chóng cấp bằng sáng chế cho những phát minh kỹ thuật công nghệ mới trong xây dựng để đảm bảo năng lực cạnh tranh bền vững cho ngành xây dựng Việt Nam”, ông Hải góp ý.
Cũng theo ông Hải, nên có những chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp xây dựng Việt Nam chuyên môn hoá sản phẩm. Cần phải có những doanh nghiệp xây dựng chuyên sâu về nhà ở, công trình bệnh viện, trường học hoặc một loại công trình công nghiệp hay hạ tầng. Như vậy, nguồn lực sẽ được tập trung đúng chỗ, tính chuyên môn hoá sẽ rất sâu và năng lực cạnh tranh quốc tế sẽ được nâng lên. Truyền thông rộng rãi về chính sách khuyến khích phát triển thị trường xây dựng ra nước ngoài, truyền bá tư duy toàn cầu cho chủ doanh nghiệp xây dựng, thúc đẩy sự phấn đấu tự hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế, xem việc chiếm lĩnh thị trường thế giới là mục tiêu của mình.
Trong khi đó, TS. Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight cho rằng, các DN trong ngành cần có giải pháp tối ưu về nguồn vốn bởi từ trước đến nay các DN trong ngành phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Điều này khiến cho một số DN rơi vào tình trạng giảm doanh thu, lợi nhuận, thậm chí nợ nần kéo dài.
TS. Bùi Quang Tín đưa ra lời khuyên các DN nên giảm dần nguồn vốn vay từ ngân hàng (ví dụ nhiều DN xây dựng hiện đang có khoản mục vay và nợ thuê tài chính lên đến gần 40% nợ phải trả) bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 nhằm vừa đảm bảo quyền lợi của cổ đông hiện hữu, vừa tăng sự gắn kết của họ và giảm đi gánh nặng tài chính cho DN xây dựng.
Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động và đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh, nguồn thu không chỉ từ xây dựng mà còn từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dịch vụ tăng thêm khác cho khách hàng. Xem xét bán thêm cổ phần cho đối tác nước ngoài có năng lực tài chính mạnh, uy tín và có nhiều khách hàng phù hợp với mục tiêu phát triển của DN...