Aa

Bệnh viện “lên sàn” giữa tâm dịch: Cuộc chơi đầy mạo hiểm

Thứ Ba, 25/08/2020 - 15:25

Giữa lúc cổ phiếu ngành y tế được quan tâm, bệnh viện lên sàn cũng là quyết định mang tính cơ hội. Tuy nhiên, với Công ty CP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên thì có vẻ như đây còn là cuộc chơi nhiều mạo hiểm.

Đúng thời điểm, không chắc khôn ngoan

Trên thị trường chứng khoán đã ghi nhận nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc, dụng cụ y tế niêm yết nhưng gần như chưa có doanh nghiệp bệnh viện nào đăng ký trên HoSE và HNX. Nguyên nhân là do đặc thù phát triển của ngành khám chữa bệnh cũng như nhu cầu về vốn huy động của lãnh đạo bệnh viện, khẩu vị của nhà đầu tư,…

Hoạt động đầu tư chứng khoán là một trong những lĩnh vực phức tạp, có nhiều diễn biến khó lường. Những y bác sĩ chuyên môn cao khi lập ra bệnh viện tư nhân thường không phải là người làm tài chính giỏi. Nếu bệnh viện của một đại gia đa ngành như một số trường hợp trong nước thì đầu tư bệnh viện lại chưa cần đến nhà đầu tư bên ngoài góp vốn. 

Tuy nhiên, khách quan mà nói, hoạt động của bất cứ ngành nào nếu muốn phát triển quy mô lớn hơn mà nguồn lực thiếu thì việc huy động là tất yếu. Ngành khám chữa bệnh hay bệnh viện cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Covid-19 đã làm đảo lộn mọi dự báo về nền kinh tế trước đó và tác động trực tiếp khiến thị trường chứng khoán rơi vào trầm lắng. Trong khi bất động sản, tài chính ngân hàng, kinh doanh bán lẻ khốn đốn vì dịch bệnh, thì cơ hội lại dành riêng cho ngành y tế. Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các cổ phiếu liên quan đến ngành y tế vượt lên dành được sự quan tâm lớn và trở thành điểm sáng trên thị trường chứng khoán.

Cũng là điều dễ hiểu, khi dịch bệnh xuất hiện, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân và gia đình được đưa lên hàng đầu trong thời gian vừa qua. Từ đầu năm 2020, có vẻ như tất cả các mối quan tâm của dư luận trong thời gian này đều diễn ra xung quanh yếu tố dịch bệnh. Nắm bắt cơ hội, tranh thủ sự quan tâm của giới đầu tư, cộng với việc nợ tài chính cao, cần vốn mở rộng xây mở rộng, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã quyết định ra nhập thị trường chứng khoán. 

Có lẽ, sẽ khó có thời điểm lịch sử nào khác Bệnh viện Quốc tế Thái nguyên lên sàn được gây chú ý như giai đoạn này. Là cổ phiếu bệnh viện đầu tiên sẽ được giao dịch rộng rãi, dù mang yếu tố "tỉnh lỵ", nhưng biết đâu nhà đầu tư lại đặc biệt quan tâm. 

Với giới phân tích, lựa chọn là số một và lên sàn vào giai đoạn hiện tại cũng là cuộc chơi khá mạo hiểm của ban lãnh đạo bệnh viện này. Tất nhiên, quyết định tham gia cuộc chơi này hẳn phải có lý do riêng. Trước hết, nhìn lại dòng cổ phiếu ngành y tế trong thời gian thuận lợi nhất có diễn biến thật sự ổn không? 

So với doanh nghiệp sản xuất vật dụng y tế hay thuốc, bệnh viện có lợi nhuận ổn định nhưng khả năng tăng trưởng không nhiều. Với nhà đầu tư mà nói, đầu tư bệnh viện không khác nhiều so với lãi gửi ngân hàng.

Cổ phiếu TTD gần như không thanh khoản trên Upcom
Cổ phiếu TTD gần như không thanh khoản trên Upcom

Một ví dụ như CTCP Bệnh viện Tim Tâm Đức (mã TTD) đã đăng ký giao dịch trên UpCOM từ năm 2017, tuy nhiên, đây là thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết.

Kể từ khi lên sàn, kết quả kinh doanh của Bệnh viện Tim Tâm Đức vẫn duy trì được sự tăng trưởng tương đối tích cực. Năm 2019, bệnh viện này ghi nhận 661 tỷ đồng doanh thu và gần 77 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng hơn 10% và trả cổ tức đều cho cổ đông. Dù cổ phiếu giá trên 50.000 đồng nhưng TTD gần như không có thanh khoản.

Thị trường chứng khoán cũng từng quan tâm đến Bệnh viện Triều An của ông Trầm Bê và Bệnh viện Giao thông vận tải của Bầu Hiển. Hai bệnh viện tuy không niêm yết nhưng lại được xây dựng bởi hai "ông bầu" có tầm ảnh hưởng trên thị trường. Một trong hai bệnh viện này làm ăn thua lỗ, bệnh viện còn lại có tăng trưởng lợi nhuận nhưng tốc độ chậm.

Thực tế, trong những tháng đầu năm, nhiều nhà đầu tư đã "ăn đậm" nhờ nhóm cổ phiếu dược. Tuy nhiên, mức tăng này chỉ duy trì trong thời gian ngắn. Ví dụ như cổ phiếu của CTCP Dược Hậu Giang (DHG), sau khi chạm ngưỡng gần 100.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh) hồi cuối tháng 1/2020, DHG đã nhanh chóng điều chỉnh nhưng vẫn giữ được vùng giá 9x.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 3, cổ phiếu DHG đã giảm sâu về vùng giá dưới 80.000 đồng/cổ phiếu, tính đến thời điểm hiện tại, cùng với xu hướng của thị trường chung, DHG cũng đã hồi phục về quanh mức 95.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng so với thời điểm bứt phá đầu năm, DHG vẫn ghi nhận mức giảm đáng kể. Song song với mức giảm của thị giá, thanh khoản của DHG đã không còn được sôi động như thời điểm dịch bệnh mới bùng phát.

Có diễn biến tương tự với DHG là cổ phiếu DHT của Dược phẩm Hà Tây. Hồi cuối tháng 1 đầu tháng 2/2020, DHT đã gây bất ngờ cho giới đầu tư khi tăng mạnh lên gần 60.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi nhiều tháng trước đó mã này duy trì giao dịch tại vùng giá dưới 50.000 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng, tính đến giữa tháng 8, cổ phiếu này vẫn lình xình quanh mức 60.000 đồng/cổ phiếu.

Đối với cổ phiếu IMP, dù vẫn giữ được mức tăng trưởng dương nhưng tốc độ tăng khiêm tốn dần. Hồi tháng 5, cổ phiếu IMP dừng ở mức 52.900 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với đầu năm 2020 nhưng đã giảm 15% so với hồi cuối tháng 2. Đến giữa tháng 8, cổ phiếu này giảm về 46.000 đồng/cổ phiếu. Hay như mã cổ phiếu MKV của Dược thú y Cai Lậy bất động quanh mức mệnh giá.

Trao đổi với Reatimes, một chuyên gia chứng khoán cho rằng, khi dịch bệnh diễn ra nhóm cổ phiếu ngành dược sẽ được các nhà đầu tư nghĩ đến đầu tiên bởi tâm lý được hưởng lợi. Theo đó, nhiều cổ phiếu nhanh chóng được đẩy giá.

Điểm đáng lưu ý trên sàn là cổ phiếu bản chất kém thanh khoản do mức độ sở hữu cô đặc nên càng dễ bị đẩy giá hơn. Dĩ nhiên nhà đầu tư khi tham gia mua vào cổ phiếu ngành dược phần lớn cũng có tư tưởng ngắn hạn, vì vậy chỉ sau thời gian ngắn giá cổ phiếu nhóm ngành này đã hạ nhiệt. Ngoài ra, cổ phiếu ngành dược có tỷ lệ chuyển nhượng tự do không nhiều nên biến động cổ phiếu trong ngắn hạn sẽ khó lường, đặc biệt là khi lực cầu gia tăng mạnh.

Cổ phiếu Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên sẽ ngoại lệ?

pic_8603-675x600


Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên tọa lạc tại địa chỉ số 328, đường Lương Ngọc Quyến, phường Đồng Quang, TP. Thái Nguyên. 

Bệnh viện có hơn 300 cán bộ, công nhân viên với 73 bác sĩ. Trong đó, 80% có trình độ sau đại học. Ngoài ra còn có hơn 40 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ tuyến trung ương khám cuối tuần. Bệnh viện cho biết còn liên kết với các bệnh viện của Hàn Quốc và Thái Lan. 

Dù mới đi vào hoạt động được gần 4 năm, bệnh viện đã thu hút được người bệnh của Thái Nguyên và các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn… với số lượng tăng trưởng từ 150 - 200% so với năm trước. 

Ban lãnh đạo bệnh viện đang triển khai đầu tư nâng cấp phấn đấu tới quy mô 300 giường bệnh tại TP. Thái Nguyên và xây mới Bệnh viện đa khoa Yên Bình - quy mô 150 giường tại Khu công nghiệp Yên Bình, thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên). 

KCN Yên Bình hiện tại là nơi tọa lạc Nhà máy lớn nhất Châu Á của Tập đoàn Samsung đang hoạt động với số lượng lao động rất lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân khu vực Thái Nguyên nói riêng và khu vực Đông Bắc Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung.

Tới đây, thị trường chứng khoán sẽ đón nhận 41,5 triệu cổ phiếu bệnh viện đầu tiên niêm yết trên HOSE của CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên với mã chứng khoán TNHm, vốn điều lệ 415 tỷ đồng.

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư vào hồi cuối tháng 8/2013 với số vốn điều lệ ban đầu gần 28 tỷ đồng, quy mô 300 giường bệnh. 

Đến tháng 2/2014, Bệnh viện bắt đầu đi vào hoạt động với quy mô ban đầu 150 giường bệnh. Theo giới thiệu, hiện bệnh viện có 3 cơ sở trên toàn tỉnh với quy mô hơn 2.000 giường bệnh. 

TNH cho biết, trong năm 2019, Công ty đã đầu tư xây dựng và hoàn tất việc mua sắm máy móc trang thiết bị để đưa Bệnh viên đa khoa Yên Bình Thái Nguyên đi vào hoạt động, đồng thời xây dựng xong phần thô của bệnh viên quốc tế giai đoạn 2 với tổng giá trị đầu tư hơn 400 tỷ đồng.

Công ty đã ký được hợp đồng chính thức với Samsung Thái Nguyên, có quy mô hơn 180.000 công nhân và cán bộ trong khu công nghiệp. Đây được xem là nguồn thu kỳ vọng cho bệnh viện.

Vốn điều lệ của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên tăng gần 15 lần kể từ khi đi vào hoạt động. Công ty dự kiến tăng vốn điều lệ thêm khoảng 200 tỷ đồng trong năm 2020 hoặc đầu năm 2021 để có thêm nguồn tài chính phục vụ cho việc đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh. Nói đến chuyện vốn, dù có nguồn tin cho rằng, Samsung tham gia góp vốn vào bệnh viện nhưng nhu cầu về vốn còn nhiều. Đó cũng là lý do thúc đẩy công ty niêm yết thời điểm này.

Ngoài ra, báo cáo tài chính cho thấy, dù kết quả kinh doanh tương đối ổn định nhưng bệnh viện đang chịu gánh nặng về nợ vay.

Kết quả kinh doanh 3 năm trở lại đây của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên khá ổn định với doanh thu hàng năm trên dưới 270 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vào khoảng 80 - 90 tỷ đồng. Năm 2019, bệnh viện ghi nhận 275,5 tỷ đồng doanh thu và 89 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. 

Năm 2020, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên lên kế hoạch kinh doanh khá tham vọng với doanh thu dự kiến 370 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 120 tỷ đồng, đều cao hơn 35% so với kết quả năm ngoái.

Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở đánh giá nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng cao của người dân các tỉnh Tây Bắc Bộ, các khó khăn đến từ tình hình kinh tế vĩ mô, bên cạnh đó là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nửa đầu năm 2020.

Thế nhưng, dường như kết quả kinh doanh đang không như mong đợi khi mà kết thúc quý đầu năm, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chỉ thu về 54 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng cao đã khiến lợi nhuận sau thuế giảm 12% so với quý I/2019, xuống còn 20 tỷ đồng. Với kết quả này, Bệnh viện mới thực hiện được gần 15% kế hoạch doanh thu và 17% mục tiêu lợi nhuận đề ra trong 2020.

6 tháng đầu năm 2020, công ty ghi nhận 91 tỷ đồng doanh thu thuần và 32 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 47% và 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, công ty mới chỉ thực hiện được 24% mục tiêu doanh thu thuần và 26% mục tiêu lợi nhuận sau thuế đề ra trong năm nay.

BOX-02-4

Về tổng tài sản của bệnh viện tính đến 30/6/2020 là 1.013 tỷ đồng, tăng 60 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong cơ cấu, tài sản ngắn hạn là 152 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15%.

Trong cơ cấu nguồn vốn tính đến cuối quý II/2020, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của công ty là gần 43 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 324 tỷ đồng.

Việc chi trả lãi cho các khoản vay phát sinh cuối năm 2018 đầu năm 2019 đã khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng đột biến.

Theo báo cáo thường niên năm 2019, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên có 5 cổ đông lớn đều là các cá nhân, nắm giữ tổng cộng 45,11% cổ phần. Trong đó có 3 thành viên đến từ Hội đồng quản trị (HĐQT) bao gồm: ông Hoàng Tuyên - Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thị Ngọc Thu - Thành viên HĐQT và ông Nguyễn Văn Thuỷ - Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ.

Trong đó, ông Hoàng Tuyên là cổ đông lớn nhất của công ty, nắm giữ 7,9 triệu cổ phiếu, tương đương 19,21% vốn điều lệ của công ty.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu với 3,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 9,03%). Các cổ đông lớn còn lại là ông Hoàng Thao, ông Nguyễn Văn Thuỷ và ông Vũ Văn Thành.

Hồi tháng 7, bà Thu đã bán 2 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,21% và không còn là cổ đông lớn của công ty.

Ngày 30/7, một cổ đông lớn khác là ông Vũ Văn Thành cũng có động thái thoái vốn khi giảm lượng cổ phiếu sở hữu xuống còn 399.244 cổ phiếu (0,96%).

Sau thời gian hai cá nhân này thực hiện giao dịch, không có cá nhân hay tổ chức nào công bố thông tin trở thành cổ đông lớn của công ty. Việc không là cổ đông lớn cũng đồng nghĩa với việc không phải công bố thông tin sau khi cổ phiếu được niêm yết trên HoSE. Như vậy, tính đến ngày 24/7/2020, TNH chỉ còn 3 cổ đông lớn.

Bàn cân tài chính và chuyên môn 

Thực ra, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã có kế hoạch niêm yết từ năm 2017 nhưng bị trì hoãn. Trước đó, lãnh đạo bệnh viện đã lên kế hoạch niêm yết với chiến lược được hội đồng quản trị coi trọng nhằm huy động vốn để mở rộng bệnh viện trụ sở và mở rộng thêm các chi nhánh ở Hải Phòng, Tuyên Quang.

Khi đó, lãnh đạo bệnh viện cho biết sẽ tiếp tục liên kết với các bệnh viện tuyến trên, tuyến trung ương, các trường cao đẳng, các trường đại học, các trung tâm y tế chuyên sâu, các bệnh viện nước ngoài… để đào tạo cán bộ có đủ điều kiện làm chủ các trang thiết bị hiện đại.

Lãnh đạo bệnh viện cho biết, con người là nhân tố được coi trọng hàng đầu, là động lực quyết định cho sự phát triển và thành công của bệnh viện. Vì vậy, việc thường xuyên đầu tư giáo dục cho y bác sĩ, cán bộ nhân viên về y đức và y đạo được đặt lên hàng đầu tại đây và cũng là một chủ trương xuyên suốt trong qúa trình phát triển, hội nhập của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên. 

box 3

Tất nhiên, trên con đường nỗ lực hoàn thiện năng lực, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên cũng dính nhiều tai tiếng liên quan đến chuyên môn. Chẳng hạn như năm ngoái, tờ Gia đình Pháp luật thông tin trường hợp bệnh nhân làm phẫu thuật không quá phức tạp nhưng lại có lỗi và không được xử lý triệt để tại bệnh viện này. 

Thông tin cho thấy, bệnh nhân Đ.T.D được chuẩn đoán viêm ruột thừa và thực hiện 2 lần phẫu thuật tại Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên nhưng vẫn không bình phục, phải chuyển đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) điều trị hồi tháng 1/2019. 

Lý do bệnh nhân phải thực hiện lại phẫu thuật lần 2 do bác sĩ cho rằng còn sót gì đó chưa cắt hết gây sốt cao. Sau đó, tình trạng bệnh nhân vẫn không chuyển biến. Gia đình đưa anh D sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên, sau đó chuyển về Bệnh viện Việt Đức và được các y bác sỹ phát hiện có cục áp xe và bọc mủ, do đó phải dùng kháng sinh mạnh để hỗ trợ điều trị.

Được biết, vấn đề này đã được bệnh nhân và dư luận phản ánh sự việc qua đường dây nóng của Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên. Ngay khi tiếp nhận, phía Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã có công văn số 405/SYT-NVY yêu cầu Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên báo cáo sự việc báo chí phản ánh.

BS - Thầy thuốc Nhân dân Lê Xuân Tân - Tổng giám đốc Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên
Bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Lê Xuân Tân - Tổng giám đốc Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên

Phúc đáp công văn của Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, ông Lê Xuân Tân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên cho biết: “Chưa gặp tình trạng này vì mổ nội soi ít nhiễm khuẩn các vết mổ này không giống nhiễm khuẩn thông thường và cho ý kiến mổ rộng thêm vết mổ (lỗ troca), nạo vét hết tổ chức chết, thay băng…”.

Về nguyên nhân, ông Lê Xuân Tân phúc đáp cho rằng tại một số nơi cũng xảy ra trường hợp tương tự (Thái Bình, Sơn La, Bắc Giang). Qua trao đổi với tất cả các bác sỹ đều nghĩ đến vết mổ như vậy là do… dung dịch sát khuẩn Sidex-OPA. Bên cạnh đó, phía Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đánh giá việc tai biến chỉ xảy ra trên vết mổ nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh và bệnh viện... chưa tìm được nguyên nhân.

Theo tìm hiểu của Reatimes, ngoài trường hợp bệnh nhân nói trên, còn 11 trường hợp bệnh nhân khác có triệu chứng, diễn biến “lạ” sau khi thăm khám và mổ viêm ruột thừa tại Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên. Ngoài ra, nhiều người dân thành phố Thái Nguyên cũng không đánh giá cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện này tốt như hình ảnh quảng bá. Chưa nói đến chất lượng tầm quốc tế, mà so với bệnh viện công hay tuyến Trung ương, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế. 

Nhìn từ thực tế Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên cho thấy, công ty bệnh viện và ngành dược luôn là lĩnh vực hứa hẹn tăng trưởng và phát triển trong tương lai. Trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng thì việc doanh nghiệp cần vốn xây mới và nâng cấp trang thiết bị khám chữa bệnh là điều dễ hiểu. 

Nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này cũng là cơ hội tốt. Tuy vậy, với đặc thù doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế, nâng cao năng lực tài chính có lẽ nên là bước thứ 2 sau khi tập trung mọi nguồn lực cho chuyên môn và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân. Nếu làm tốt bước 1, bước 2 cũng tự khắc sẽ diễn ra thuận lợi. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top