Tôi ngồi mãi đó, nhìn lửa chập chờn, lúc như reo vui, lúc sẽ thăng hoa, lúc âm thầm tàn lụi. Tôi thấy mình được vỗ về và trong tâm thức bỗng dào lên kỷ niệm thuở ấu thơ ngồi trong căn bếp thoảng mùi rạ rơm, đôi khi những hạt lúa nếp sót lại nổ lép bép, trắng tựa hoa ngâu, món quà thơm hương tuổi nhỏ.
Có dạo, tôi ở bản của đồng bào Thái đến hơn tuần lễ. Chiều chiều, khi mõ trâu lốc cốc vang lên phía đầu con dốc ngập tràn hoa ngũ sắc đang ánh lên trong hoàng hôn, tôi sẽ đi về hướng ấy. “Vào đây đã, vội gì đâu!”, giọng ai đó cất lên giữa khoảng sân cỏ có đám trẻ đang nô đùa, phụ nữ bản túm tụm chờ đàn ông đi làm xa, đi lên rẫy về để quây quần cơm tối. Giữa sân, một bếp lửa bập bùng. Từng gộc củi được các bà, các chị nhóm lên, vùi đầy sắn, khoai, mía... Họ thong thả đợi người nhà trở về nhưng sốt sắng chờ mọi thứ thơm lừng, đoán chừng trong trận lõi đã ngọt lựng lên để gẩy ra, thổi phập phù, lau sạch bụi than, thật thà mời khách. Cuộc sống bản làng còn khó trăm bề, dấu ấn nhọc nhằn để lại từng vệt chân chim, vết tàn nhang, nám sạm trên gương mặt những người phụ nữ. Ấy vậy mà khi lửa được nhóm lên, sắc hồng ửng dần, lan tỏa, như thể từ tận sâu trong tâm hồn phụ nữ nơi ấy đã sẵn lửa rồi. Lửa bên trong bén lửa bên ngoài, an ủi người xứ xa đang lạ lùng, ngơ ngác.
Tôi nhớ bếp lửa đặt giữa gian nhà sàn của gia đình anh bạn văn người Hà Giang. Mẹ anh luôn mặc áo chàm, chít khăn chàm, từ tốn đun ấm nước cạnh con mèo nhỏ. Nhà đông khách hay lúc vắng vẻ cũng vẫn thế. Vẫn dáng ngồi lặng lẽ, cạnh những gam màu xanh xám, đậm sâu. Khi rời xa, tôi nhớ bếp lửa cùng với một dáng ngồi. Và nhớ mẹ. Thuở tôi còn bé thơ, có những ngày mẹ dầm mưa trên đồng, trở về nhà sũng ướt, toàn thân rét run. Chẳng kịp cơm nước, tắm gội gì, mẹ vừa hong tóc bên bếp lửa, vừa bắt từng con muồm muỗm trong chiếc xà cạp cũng ướt sũng ra nướng cho con. Mùi khói bếp, mùi bùn đất, mùi giông gió… lẫn trong mùi thơm đánh thức trong tôi nỗi thèm thuồng và sau cuối là niềm rưng rưng ứa vào giấc ngủ. Sau này, mỗi lần tôi về quê, vẫn thấy mẹ đun nước bên bếp lửa. Mẹ chưa già, tóc trên đầu chưa bạc, và nhà đã có bếp ga, bếp điện… nhưng mẹ vẫn dành một góc nhỏ để đặt bếp củi, để giữ cho tôi ngọn lửa bập bùng.
Trong quan niệm của phương Đông nói riêng và đời sống con người nói chung, lửa là biểu trưng cho dương khí, đầy sức mạnh, quyền uy. Điều đặc biệt ở chỗ, tất cả sự mạnh mẽ đó, lại thường được nhóm lên, được giữ gìn bởi những người phụ nữ, vốn được coi là phái đẹp, phái yếu. Tôi từng được chiêm ngưỡng đàn ông đốt đuốc, soi đường, bẫy thú… nhưng riêng với bếp lửa, sự quyến rũ và êm đềm nhất luôn thuộc về người phụ nữ. Đôi khi, vào giờ cơm chiều nơi phố xá, tôi thường nhớ cảnh sum vầy của gia đình người bạn dân tộc Mường ở Hòa Bình. Tôi thường tưởng tượng, đúng giờ ấy, mẹ bạn nhóm bếp lửa đồ lại xôi, nướng thêm cá. Mùi nếp nương, mắc khén từ cái bếp nho nhỏ nhóm ngoài trời, cạnh hồ sông Đà bay lên theo khói, vừa tỏa xuống nước, vừa bay theo hướng non ngàn. Mẹ của bạn cũng giống mẹ tôi, bền bỉ giữ mãi một bếp lửa như thuở chúng tôi còn bé thơ, dù cuộc sống biết bao thay đổi.
Ở tác phẩm của tôi, nhân vật chính thường là người phụ nữ. Cũng bởi trên những chặng hành trình trong cuộc sống, tôi luôn nhận được sự an ủi, sẻ chia từ hình mẫu ấy. Có những tháng ngày lòng đã trĩu xuống. Đã nghĩ mãi về những lối mòn, những đau buồn, thất vọng. Đã bắt đầu cảm nhận được sự nhạt phai, bế tắc. Tôi và hai người chị thân thiết cùng lên một chuyến xe, thẳng hướng núi rừng Tây Bắc. Đêm lửa trại, căn phòng homestay xinh xắn dịu dàng, sự chăm sóc ân cần của bà con với những người khách xa trước đó họ chưa từng quen biết… khiến tâm hồn chúng tôi ấm lại. Song, nỗi buồn vẫn đó, vẫn đeo bám, vẫn cắn rứt, vẫn mông lung. Chỉ khi những cành củi còn ẩm trên bờ cỏ mềm sương được hai người chị cố gắng nhóm lên, lửa chầm chậm bừng tỏa, thì mọi thứ mới thực sự đổi thay. Ba người chúng tôi ngồi đó, một bên hồ nước mênh mông, bốn bề là núi non đang được sương vỗ về, ấp ủ. Lửa mang hơi ấm, lửa gợi nhiều khao khát mênh mông. Mắt đã ướt, và môi đã có thể mỉm cười trước bao điều được - mất. Lửa đưa tiễn muộn phiền. Lửa luân phiên rọi soi niềm ngẫm nghĩ. Lửa thắp lối về khấp khởi từ bi.
Trí nhớ tôi còn vẹn nguyên mùi của bếp lửa ban mai với rạ rơm vương vít, mùi bếp lửa hoàng hôn ấm sực, thơm tho nhờ miếng trầu trong miệng bà phả lại. Sau mùa gặt ít lâu, bà hay đánh thức tôi vào những buổi tinh sương, chân trần, đầu đội nón mê tay dắt tôi ra khỏi làng. Bóng hai bà cháu liêu xiêu đổ trên những kênh mương, những đồng lúa bơ phờ sau mùa vụ. Ở những chân ruộng úa vàng, lơ phơ từng bông lúa tái sinh hạt lép, hạt mẩy lẫn lộn, bà ngả nón mê, bàn tay gầy mòn thoăn thoắt tuốt từng bông lúa vừa đông sữa, vỏ vẫn còn xanh. Non trưa, bà lại dắt tôi lần theo con đường cũ về làng, chân bước vội vàng, vừa vấp vào niềm vui, vừa vấp vào sỏi đá. Đêm đến, trong căn bếp nhỏ, mùi sữa lúa len lỏi trong giấc ngủ của tôi. Bà thức một mình, trút từng rá lúa non vào nồi nước để luộc cho sữa lúa đông cứng, sáng mai còn kịp hong khô, giã gạo. Với tôi, chẳng có bát cơm nào ngon như cơm nấu từ thóc lúa tái sinh bà tuốt đến rớm máu tay trên đồng ruộng cỗi cằn và đun nấu, hong khô, sang sảy suốt đêm thâu.
Tôi bày biện căn bếp ở phố thị với từng chùm ớt khô, bồ kết, hành tỏi như gian bếp nhỏ ở quê của mẹ hay những gian bếp miền xa. Vậy mà mỗi lần mẹ tôi từ quê lên hoặc tôi có dịp đó các bà, các chị từ non cao xuống phố, ai nấy đều thơ thẩn hồi lâu. Những người phụ nữ không biết tìm đâu chiếc ghế con con, những gộc củi cỗi cằn đẫm mình trong mưa nắng. Những đôi mắt lấp lánh niềm vui nhưng cũng hun hút nỗi niềm. Muốn được khom lưng mà đun nấu. Muốn tận tụy chăm sóc cho gia đình và khách lạ từng bữa ăn vương mùi khói thơm nồng. Ngay cả Tết có đến gần, gian bếp vẫn dáng người tảo tần khuya sớm. Tôi không rõ khoảnh khắc ấy những người phụ nữ nghĩ ngợi gì. Tôi chỉ biết rằng, hễ nhớ đến thôi là mắt mình cay đỏ./.