Aa

Đi chợ tiễn mùa xuân

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Tư, 23/02/2022 - 06:00

Tôi thường có cảm giác một nửa mùa xuân đã ở lại phiên chợ dần vắng thưa người, một nửa được ủ trong tấm khăn trùm đầu của bà với biết bao nhiêu là dự định, khấp khởi, lo toan và vun đắp.

Thuở ấy, bà ngoại tôi còn khỏe, mắt tinh, lưng chưa còng, vẫn đi bộ trên đường đê rồi men theo con đường liên xã xuống chợ phiên của cả vùng. Vì sao tôi thường nhớ những phiên chợ vào quãng cuối mùa xuân nhất? Là bởi khi ấy trong gánh hàng của bà trông ngoài cà bát, lá lốt, hoa bí chúm chím chưa nở còn có món nộm hoa chuối được bao bọc kỹ trong những tấm lá chuối hột bánh tẻ mướt mát, dịu dàng. 

Lối mòn đường đất nối gian hàng này với gian hàng kia. Bà tôi ngồi phía hàng rau nhưng bán thêm nộm hoa chuối. Cuối mùa xuân, nắng ửng lên sớm hơn, bắt đầu thoảng cái oi nồng để vắt sang mùa hè nên rau quê cũng thật đặc biệt. Ngọn muống đã hơi vươn dài, người ta ngắt, tuốt bớt lá, bó lại để bán cho ai muốn ăn món chẻ, món nộm. Những mớ ngó khoai, bồng khoai đúng mùa cũng được bó gọn gàng, tròn dài như đậu đũa. Mẹ tôi thường bảo, cuối xuân sang hè, đi làm cỏ đồng xa về, non trưa hoặc xẩm tối, thèm nhất bữa cơm có bát ngó khoai, bồng khoai om, hòa quyện giữa ấm nóng và mát mẻ khiến lưng cơm người nông dân vợi đi khó nhọc dãi dầu. Ngọn bí đã hết mùa, nhưng lại chuyển sang mùa hoa bí. Những bó nụ hoa hơi hé nở với phần cuống non dài sáng bừng những gánh hàng rau. Mua về nấu canh cua, xào tỏi hoặc luộc nhanh chấm mắm cáy đều ngon tuyệt. 

Ảnh minh họa: Hoàng Anh Tuấn

Bà ngoại thường giao cho tôi trông giúp bà mấy mớ rau, giá cả dường như ai cũng thuộc làu nên nhác thấy đứa trẻ con ngồi đấy thì cứ mặc nhiên cho rau vào rổ, vào làn và dúi tiền lẻ vào tay. Bên cạnh tôi, bà đang thoăn thoắt đôi đũa tre, những tấm lá chuối sạch bong để cho nộm thành từng phần. Khách mua đến đâu bà mới trộn đến đấy. Những món như nước chua ngọt, lạc rang thơm phức không thể nào trộn sẵn. Người mua nộm hoa chuối mang về thì ít mà những bà, những bác người miền biển ở gian bán cá nướng, cá khô, cá kho… mua ăn tại chợ thì nhiều. Vừa mua, vừa luôn miệng xuýt xoa khen bà tôi có tài pha trộn, ăn đũa nộm mát tận ruột gan. Bà tôi vui lắm, hấp háy cười, khuyến mại thêm cũng là nhẽ thường.

Phiên chợ cuối mùa xuân, góc này hàng bánh cuốn thơm nức mỡ hành. Góc kia người bán cá nướng vừa ăn bữa sáng chỉ bằng một gói nộm hoa chuối đã hồ hởi quạt than hoa lèo xèo hấp dẫn. Bà dặn tôi đưa vài nghìn tiền lẻ sang hàng bên và nhặt mấy củ khoai. Quê nghèo nhưng có khi nào mà thiếu khoai, thiếu sắn. Dầu vậy, trước những buổi cày đồng, bố tôi vẫn thích bỏ vào túi những củ khoai ứa mật để giữa buổi ăn miếng khoai, nhấp ngụm nước chè xanh. Bà bán khoai ủ mật quanh năm ngồi cạnh bà ngoại tôi. Chỉ bà mới biết chọn giống khoai nào, để dưới nền nhà đất bao lâu, canh cho mầm hơi nhú rồi thêm bao nhiêu công đoạn nữa suốt vài tháng trời kể từ tháng Chạp thì mới có được những củ khoai no mật, ngọt ngào đến cả giấc ngủ trưa chập chờn trên bờ ruộng những thợ cày, thợ bừa. Bà không giấu nghề, dặn dò kỹ những bà bán hàng bên cạnh, ấy thế mà chẳng ai làm được món khoai ngon. Áy náy mãi, rồi thì bà thở phào nói nhỏ với bà tôi: “Tôi ủ khoai cũng như bà làm nộm, chắc mỗi người chỉ để làm được vài việc thế thôi”. 

Nhà thơ Lữ Mai

Ngong ngóng cho đến khi những mớ rau cuối cùng được bán hết, gói nộm to đùng bà phải bọc bằng cả tàu chuối lớn cũng sạch bong đến đũa cuối cùng, tôi sẽ được bà cho đi ăn quà chợ. Ở cái chợ gian lều này tiếp nối gian lều kia, “sang” nhất vẫn là gian hàng quà. Đầu này bà bán bánh rán đẫy đà phúc hậu. Tiếp đến hàng bánh răng bừa mấy trăm cái như nhau, đều tăm tắp, thon mảnh tỏa khói ấm nóng mỗi lần người bán mở nắp vung chõ hấp. Rồi nào thì bánh cuốn, bánh xèo khoái, chè đỗ đen đỗ xanh…

Loanh quanh chừng ấy thức quà, trẻ con không có nhiều lựa chọn dù trí tưởng tượng đã kịp vẽ vời ra biết bao nhiêu. Nào là hàng chè giá như có đỗ đỏ to hạt to bằng đầu ngón tay ngọt lịm như dạo bố có việc lên chợ tỉnh mua về. Rồi thì bánh rán kể mà nhiều vừng hơn, lớp mật lớp đường bọc bên ngoài dày hơn. Ăn xong cái bánh ngọt miệng lại thèm vị dẻo thơm, mằn mặn, yên lành của bánh răng bừa với bột gạo tẻ, nhân thịt, hành, mộc nhĩ quyện vào nhau. Gì cũng muốn ăn nhưng cả đám trẻ theo bà, theo mẹ xuống chợ đều tự biết điều, chỉ ăn chiếc bánh nhỏ và lũn cũn bước sau người lớn ra về. 

Mặt trời đã lên cao, từng đàn sáo sậu hót vang trên cành xoan vừa trút đợt hoa tim tím cuối cùng xuống nền đất ấm. Quang gánh của bà tôi đã nhẹ tênh. Bà chẳng mua gì ngoài mấy củ khoai mật để dành cho bố mang theo buổi cày đồng. Vừa bước chân trần trên đê, bà vừa trò chuyện. Nào là, nay nhà còn tép rang lá nghệ, rang mặn ăn dè. Âu muối vừng đã vơi, chiều bà làm muối mới, vét cối xong sẽ cho mấy muôi cơm nóng vào các cháu giã mà ăn. Cơm giã muối đáy cối dẻo thơm lắm nỗi. Vườn còn lứa cà bát cuối vụ, một nửa bà đem muối, một nửa om nồi to, chia hàng xóm mỗi nhà một bát. Cà ấy mà có ốc thì ngon. Hay chiều chiều bà cháu mình ra ven đầm bắt ốc… Câu chuyện chảy trôi, chẳng mấy chốc về đến nhà. Tôi thường có cảm giác một nửa mùa xuân đã ở lại phiên chợ dần vắng thưa người, một nửa được ủ trong tấm khăn trùm đầu của bà với biết bao nhiêu là dự định, khấp khởi, lo toan và vun đắp. 

Ảnh minh họa: Hoàng Anh Tuấn

Nhớ cái không khí vừa ấm áp mà vẫn rơi rớt giá lạnh, ẩm ướt càng làm cho từng gian hàng quê thêm nồng nã. Nhớ dáng bà cặm cụi bên hiên thái hàng chục bắp hoa chuối thành từng sợi mỏng tang, cong vòng rơi xuống chậu nước mưa đã pha muối và dấm nếp. Bà dặn sang vườn hàng xóm xin lá chanh để về bà thái chỉ cho vào nộm, nhớ hái cẩn thận, nhẹ nhàng, chanh đang mùa ra hoa đậu quả. Khi tôi trở về, vừa gọi “Bà ơi!”, bà ngẩng lên hiền từ và bỗng rưng rưng: “Mới vừa hết Tết đã phải cất quần áo mới rồi, cái áo này có đến mấy chỗ sờn bạc quá! Để bà gom góp mua thêm nhé!” Tôi thầm nhẩm tính, chẳng biết bà sẽ phải thái bao nhiêu bắp hoa chuối, làm bao nhiêu gói nộm to đùng mới đủ tiền mua áo mới cho tôi. Chưa kể, khi mùa xuân qua hẳn và hè sang, bà sẽ thôi không bán nộm hoa chuối nữa. Sau này, khi đã lớn khôn, đi khắp muôn nơi, tôi thấy nhiều vùng miền thích ăn món nộm vào ngày hè oi ả. 

Tôi cứ ngạc nhiên mãi, vì sao bà ngoại mình lại chỉ làm món ấy đúng quãng tiễn xuân đón hè. Bà tôi đã ngoài chín mươi tuổi, vẫn rành mạch nhớ nếp sống thôn quê thuở ấy mà trả lời thắc mắc của tôi. Rằng người quê không như phố xá, hè đến, mùa màng bận rộn, cập rập, lúc ấy lưng cơm chỉ cần quả cà muối, bát canh húp cho nhanh còn làm lụng. Nhiều khi bữa cơm ăn vội bên bờ ruộng. Mấy bà cháu đang dưa cà mắm muối phải bổ ra sân gạt lúa, thu gom vì mưa sầm sập đến. Chẳng còn ai thư thả thong dong mà ăn món nộm dịu dàng, thuần khiết nữa. Ngay cả những bà hàng cá biển, vừa luôn tay quạt than vừa trông trời trông đất, sợ mưa gió bão bùng, cái lều con con mưa hắt tứ phía, bao nhiêu mẻ cá hong phơi, quạt nướng coi như hỏng hết. 

Đã bao lâu rồi, bà cháu tôi không còn đi chợ tiễn mùa xuân. Mà chợ quê giờ đây cũng sắp thành chợ phố. Rau củ quả bốn mùa bày biện trên sạp lớn. Hàng bánh trái không còn trong những túp lều liêu xiêu mà thành hẳn quán ăn, có bàn ghế ngay ngắn, kê san sát, lúc nào cũng nườm nượp người mua, thêm cả dịch vụ ship tận nhà. Tôi vẫn chưa học được bà ngoại bí quyết làm nộm ngon như hương vị thuở ấy. Còn bà hàng khoai mật nghe đâu đã khuất về thế giới bên kia. Mùa xuân đang vắt qua mùa hạ với bao kỷ niệm im chìm dội về trong trí nhớ. Thương dáng gầy guộc của bà trên đường đê, vừa dỗ dành cháu, vừa lo toan từ mùa vụ đến gian bếp có đủ mắm muối dưa cà. Có lẽ, những ngày tháng đó, bao nhiêu mơ mộng, ngọt ngào chỉ thấp thoáng trong thế giới trẻ thơ, còn bà tôi và cả những quán hàng bé nhỏ thuộc về nỗi lo toan, cực nhọc ẩn giấu dưới từng nụ cười, ánh mắt đầy hồn hậu, yêu thương, bao bọc./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top