Aa

Từ làn hương xuân trong suốt

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Tư, 09/02/2022 - 06:00

Đời sống dầu có thế nào thì thiên nhiên vẫn chở che và độ lượng. Con người vẫn cần tự thắp tin vui. Bó hoa thược dược đủ màu tình cờ được lựa chọn thắp trong tôi nỗi nhớ quê hương.

Những ngày tháng này, cây lá cũng như thẫn thờ trong tiết trời mùa xuân. Từng lớp vỏ nâu xù xì ẩn giấu lộc xanh, từng dáng cây cong cong phác nét nghiêng soi bóng đã tạm biệt những chiếc lá úa cuối cùng. Biết xuân đến rất gần, khi bóng cây mơ màng in bóng nước. Có người ví Bờ Hồ như một lẵng hoa khổng lồ của đất Kinh kỳ, nơi mỗi loài sẽ có một ngôn ngữ, nhịp điệu riêng, lần lượt khoe vẻ mỡ màng, xuân sắc, xôn xao.

Cây ban phía phố Hàng Khay mảnh mai thanh thoát đã bắt đầu trổ hoa, rắc rơi xuống chân người đi sau từng đợt gió mùa hun hút thổi. Loài hoa ấy thật đặc biệt, lúc ở núi rừng thì cây này ken vào cây nọ, thành cả rừng ban đỏ, ban trắng đầy dâng mắt người. Đi qua rừng ban, trong không khí ảo mờ của mây núi, sương giăng, hoa nở… lắm lúc mọi thứ cứ quyện vào nhau, như thể đó chẳng phải là hoa nữa, là mây hồng, mây trắng dung dăng mang mùa xuân tràn khắp núi rừng.

Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh

Ở phố, mỗi cây ban trồng xuống đều được đo đạc khoảng cách, tính toán không gian, thế nhưng vẻ đẹp hoang sơ vẫn còn nguyên đấy, trong dáng cây thanh thoát, lá hình trái tim thật mỏng manh, những cánh hoa dịu dàng nương vào gió, vào hơi lạnh phả từ mặt gương hồ, như nàng thiếu nữ thơ ngây, chớp mắt trước phồn hoa. Hai cây phượng phía đường Lê Thái Tổ đã lưa thưa tán lá, những quả khô như thanh kiếm buông xuôi.

Mùa xuân, dường như không có điều gì để nói nhiều về phượng, ngoài hình ảnh này. Bởi mùa rực rỡ nhất, thăng hoa nhất khi phượng thắp lửa trên cây thì đã quá khứ, cũng chính là tương lai gần thôi, khi xuân qua, hè tới. Từ nhỏ, ngước nhìn tán phượng cuối đông, tôi đã tưởng tượng ra muôn thanh kiếm. Khi đứng bên Bờ Hồ, hình dung ấy bỗng nhiên trở lại, và đôi khi chớp mắt, tôi bất ngờ nhận ra những thanh kiếm - quả khô ven hồ hãy còn oai phong, lẫm liệt, dù buông xuôi trong bình yên.

Nhà thơ Lữ Mai

Những cây bằng lăng mạn cổng đền Ngọc Sơn bời bời lá đỏ. Đi thêm đoạn nữa, sẽ gặp quần thụ lộc vừng chín gốc cũng đang mùa thay lá. Vẻ đẹp của mùa cây trút lá thực ra thật lãng mạn, khiêm nhường. Loáng thoáng như từng phong thư màu đỏ, màu vàng được những cành cong trả về mặt nước. Lắm khi, tôi cứ bần thần nghĩ ngợi, rằng dưới lớp rong rêu cội rễ sâu kia, có thể tồn tại nhiều nỗi đợi mong mà dương thế không hay biết.

Quần thụ lộc vừng chín gốc vươn ra phía Hồ Gươm luôn mang đến cho tôi hình dung về những thân rồng, mình rồng, hoặc gần hơn là cánh tay thần linh tỏa về mặt nước. Mong cầu gì? Ban phát gì? Hay lấy đi những gì? Không ai biết. Chỉ thấy trong thẳm sâu lòng người dâng lên nguồn cảm xúc thật căng đầy, ly kỳ cổ tích. Cứ ngắm mãi, nghĩ mãi và tưởng tượng mãi không chán. Quần thụ chín gốc là một cội, mà lắm khi lại như chẳng phải. Đó rõ ràng là những dáng hình, thân phận, kỷ niệm thật khác nhau.

Một đôi lần, đưa bạn bè phương xa đi dạo quanh hồ, đúng độ xuân vừa chấm phá nét long lanh mặt nước. Bạn hỏi, loài cây gì xuân nhất ở đây? Trong khi chúng tôi đưa mắt tìm kiếm những bằng lăng, lộc vừng… thì cụ già đang thong thả bách bộ nói ngay: “Các cô nhìn đằng kia, xuân nhất phải là cây mõ!” Hai cây mõ gần ngay những gốc lộc vừng. Lạ lùng thay, mùa xuân, tất cả mọi nhánh lá, chồi lá, tán lá của cây mõ đều xòe khắp hướng, non xanh, mơn mởn, mướt mát rực lên. Cảm giác toàn bộ cây mõ thắp nến xanh, bừng lửa xanh. Loài cây ấy đặc biệt ở chỗ, vừa đơm chồi đã trổ ngay hoa, gấp gáp, sốt sắng khiến bao người ngơ ngẩn. Một loài cây gợi tiếng, gợi hình.

Hoa mõ đơm vào hơi xuân ven hồ hương thơm không lẫn vào đâu được. Làn hương ấy thoạt nhiên ẩm ướt, dần dần nhẹ bẫng, thanh thoát. Chút hơi đắng, chút vị chua, chút chan chát của mùa lá non quyện thành hương hoa thổn thức. Những chùm hoa rạng ngời, sống động tít trên cao, phải chờ rụng xuống mặt đất, mặt nước mới có thể tận mắt chiêm ngưỡng hình dáng nhụy căng tràn nhựa sống, trồi lên cao, những cánh hoa đỏ ửng, phủ lớp nhung mịn màng.

Cách tàn của những bông hoa mõ nhỏ xinh khiến tôi liên tưởng tới hoa gạo ở đầu làng hoặc hoa bàng vuông ở quần đảo Trường Sa. Đó là những loài hoa vẫn giữ được vẻ đẹp vẹn nguyên nhất khi thân cây mẹ. Chỉ khác, hoa gạo và hoa bàng vuông nở to, cánh cứng, còn hoa mõ có phần khiêm nhường trong sắc diện bé xinh.

Ảnh minh họa: Bùi Văn Doanh

“Mua hoa đi cô, hoa đúng độ xuân đẹp lắm”. Tôi nhận ra người gánh hàng hoa ấy đã đi từ phố mình ra tới Bờ Hồ rồi sẽ lại quanh co khắp “bàn cờ” phố cổ. Từng ấy loài hoa trĩu gánh mới vợi đi chút ít. Quả là hoa xuân đang đẹp đến nao lòng. Nhưng ai đủ tâm trạng mua hoa, cắm hoa, và ngắm hoa. Khi bao nỗi hoang mang, âu lo vẫn còn nặng trĩu.

Sau tiếng chào mời hàng rong nhỏ nhẹ, nhạc từ chiếc loa nhỏ gắn trên cây vang lên ca từ của nhạc sĩ Hoàng Giác: “Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân/ Trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời/ Lòng không lưu luyến, sao đành cô lãng quên…” Nếu không phải mùa dịch, thể nào bên hồ, soi vào nước không chỉ là dáng cây, dáng hoa, mà còn thêm những cặp đôi khiêu vũ, những bước nhảy nhịp nhàng, nhón chân qua mùa giá lạnh, rộn ràng khấp khởi đón xuân.

Tôi mua một bó hoa, nhờ người bán hàng chọn lựa. Không phải cho mình, mà tặng một mặt hồ bảng lảng sương, một mùa xuân đang trào dâng trong xanh, xuyên suốt. Đời sống dầu có thế nào thì thiên nhiên vẫn chở che và độ lượng. Con người vẫn cần tự thắp tin vui. Bó hoa thược dược đủ màu tình cờ được lựa chọn thắp trong tôi nỗi nhớ quê hương. Trong khu vườn của mẹ, không mùa xuân nào mà không sáng bừng thược dược, điểm xuyết là vi-ô-lét tím mong manh.

Mẹ tôi thường bảo, chờ Tết mà không cắm thược dược thì nhạt cả hơi xuân. Củ, mầm, thân già… loài hoa đợi xuân được mẹ và các chị họ tôi chuẩn bị từ nhiều ngày tháng trước đó, tính toán kỹ lưỡng để khi ươm xuống, trổ bông thì Tết đến là vừa. Tròn đầy, cân đối nhất phải kể tới giống hoa thược dược tía, cánh có pha chút sắc trắng. Thược dược đỏ rực rỡ màu pháo nhưng bông nhỏ hơn. Thược dược vàng là giống hơi “khó ưa”, theo lời mẹ tôi thì tỷ lệ ươm mười củ may ra được vài ba khóm. Khi cắm thược dược và vi-ô-lét vào lộc bình, mẹ sẽ ngồi bên bể nước cắt tỉa kỹ càng. Mùa xuân nào mà thiếu thược dược vàng thì lọ hoa không bừng lên được. Màu tím xen sắc tía, sắc đỏ… vẫn như thiếu tia nắng non mùa xuân.

“Nghĩ gì thẫn người ra vậy cô, có cành hoa đẹp, cô có mở lòng lấy luôn cho tôi được thì tốt”. Giọng người bán hàng từ tốn kéo tôi ra khỏi bầu ký ức. Cái chữ mở lòng sao thân thương, lành hiền mà sâu lắng. Hỏi ra, người bán hàng từng sinh ra và lớn lên giữa lòng phố cổ, sau chuyển ra ngoại thành. Lần lượt những mùa hoa theo chân bà về lại phố quen. Tha thiết nhất, khắc khoải nhất là mùa hoa xuân chộn rộn. Có thể bà cũng như tôi, đứng bên hồ mà nhớ mãi khu vườn tuổi nhỏ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top