Aa

Bí ẩn ngôi chùa cổ 2.000 tuổi ở Hà Nội

Thứ Sáu, 31/01/2020 - 08:50

Chùa Đậu là một ngôi chùa tọa lạc ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Chùa Đậu cách trung tâm Hà Nội 23 km về phía Nam.

Vì chùa thờ Bà Đậu hay Đại Bồ Tát Pháp Vũ nên chùa được gọi là chùa Đậu hay còn có tên là Pháp Vũ Tự. Chùa Đậu còn được biết đến với sự linh thiêng và huyền bí, bởi nơi đây lưu giữ và thờ tự Toàn thân xá lợi của các bậc thiền sư Vũ Khắc Minh (Tự Đạo Chân) và Vũ Khắc Trường (Tự Đạo Tâm), là người thôn Gia Phúc và kế tiếp nhau trụ trì chùa vào khoảng thế kỷ 17, cách đây 300 năm.

Cổng Tam quan và Tiền đường chùa Đậu ngày xưa.

Cổng Tam quan ngày nay đã được phục dựng lại, gác trên vẫn treo chiếc chuông đồng cổ.

Tương truyền, cách đây 300 năm, trước khi mất, thiền sư Vũ Khắc Minh đã ngồi thiền, tụng kinh với chum nước trong am để uống, cùng đó là một chum dầu để thắp. Người dặn lại với các phật tử: "Sau 3 tháng 10 ngày nếu không thấy tiếng mõ nữa thì mới được mở cửa am ra. Nếu thấy thi thể của ta ngồi im, còn nguyên vẹn thì cứ để như thế và lấy sơn ta bả lên người, còn nếu thấy có mùi hôi thối thì dùng đất lấp am lại".

Cho đến nay, câu chuyện về hai vị thiền sư chùa Đậu nhập cõi Niết Bàn trong tư thế ngồi thiền và hóa thành Xá lợi là một điển tích huyền bí và linh thiêng.

Hai ngôi am gạch, nơi hai vị thiền sư nhập cõi Niết Bàn cách đây 3 thế kỷ. 

Giới Phật tử thì cho rằng, hai vị thiền sư đã tu luyện được “lửa tam muội”, một loại lửa có thể chiến thắng mọi tác động bên ngoài và trường tồn với thời gian mà vẫn được lưu truyền trong Phật giáo.

Quy luật của vũ trụ là vật chất không tự nhiên mất đi, mà chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác, trong Phật giáo còn gọi là Thành, Trụ, Hoại, Không. Xá lợi không bị chi phối bởi không gian, thời gian và quy luật của vũ trụ. Xá lợi đốt không cháy, ngâm trong nước không tan, không bị không khí, thời gian bào mòn.

Thi hài của hai thiền sư là hiện vật lịch sử quý hiếm vì họ đã để lại Toàn thân Xá lợi, trên thế giới có rất ít những thi hài giống với hai vị thiền sư. Chính vì thế, hai pho tượng được coi là quốc bảo thiêng liêng và nhận được sự cung kính như Đức phật sống.

Toàn thân Xá Lợi Thiền sư Tự Đạo Tâm, thể danh: Vũ Khắc Trường.
Toàn thân Xá Lợi Thiền sư Tự Đạo Chân, thể danh: Vũ Khắc Minh.

Chùa Đậu có nhiều cổ vật quý giá và lối kiến trúc độc đáo.


Những nét chạm trổ hình rồng tinh xảo ở bên ngoài Ngôi Tam Bảo.

Những cổ vật có niên đại hàng trăm năm hiện vẫn còn lưu giữ tại Chùa như: Quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) thời nhà Tây Sơn, chiếc khánh đồng đúc năm 1774 với bài minh do Phan Trọng Phiên biên soạn, hai tấm biển gỗ sơn son thiếp vàng khắc bài thơ nôm của chúa Trịnh Căn (1682 – 1709) và chúa Trịnh Cương (1709 – 1729)...

Hằng năm, Lễ hội chùa Đậu được tổ chức vào 3 ngày là: Mùng 8, mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, thu hút hàng vạn Phật tử khắp nơi tới tham dự. Đại diện Ban tổ chức Lễ Hội Chùa Đậu Xuân Canh Tý 2020 cho biết: "Năm nay, hội chùa Đậu sẽ được khai mạc vào sáng ngày mùng 8, hai thôn Gia Khánh và Gia Phúc sẽ rước kiệu và dâng lễ vào chùa dự lễ khai mạc. Sáng ngày mùng 9, sẽ có 9 kiệu của 9 thôn tham gia lễ rước kiệu hội chùa Đậu."

Du khách tới lễ chùa đầu năm.

Ban Tổ Chức lễ hội chùa Đậu cũng cho biết sẽ chấn chỉnh tình trạng bày biện, bán hàng quán trong chùa, cam kết năm nay sẽ không để ra tình trạng chen lấn, xô đẩy và mất an ninh trật tự, phối hợp cùng Cảnh sát giao thông, Công an huyện đảm bảo phân luồng giao thông, phục vụ lễ hội một cách tốt nhất.

Hội người Cao tuổi tại Lễ hội Chùa Đậu Xuân Canh Tý.

Hàng quán vẫn bày bán trong khuôn viên chùa những ngày đầu năm.

Năm 1964, chùa được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử và nghệ thuật loại A, được tu sửa lại vào năm 1967.

Qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo của chính quyền địa phương và nhân dân, hiện nay, chùa Đậu vẫn bảo tồn được những di sản quý, là điểm du lịch văn hóa thu hút nhiều lượt khách du lịch thập phương.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top