Aa

Bí ẩn phong thủy “vùng đất đế vương” phải chôn vàng trấn yểm

Chủ Nhật, 09/07/2017 - 21:01

Là vùng đất từng trở thành kinh đô của 6 triều đại trong lịch sử Trung Quốc, Nam Kinh ẩn giấu trong mình nhiều bí mật phong thủy khiến hậu thế không khỏi tò mò.

Ly kỳ phong thủy của vùng đất có “vương khí” cực thịnh

Lịch sử phong kiến Trung Quốc từng ghi nhận sự tồn tại của nhiều kinh đô. Trong số đó, Nam Kinh là một trong “tứ đại kinh đô thời cổ đại” của nước này bao gồm Trường An, Lạc Dương, Nam Kinh, Bắc Kinh.

Mảnh đất đắc địa ấy là nơi được 6 triều đại Trung Hoa chọn đóng đô, bao gồm Đông Ngô thời Tam Quốc, sau đó là 5 triều đại thuộc Nam triều, lần lượt là Đông Tấn, Lưu Tống, Nam Tề, nhà Lương và nhà Trần.

Theo nhận định của các phong thủy gia thời xưa, Nam Kinh nằm giáp với phía Tây Bắc của dòng Trường Giang, phía Đông có “long bàn” Từ Kim Sơn, phía Tây có “hùng cứ” Thanh Lương Sơn, phía Bắc có Huyền Vũ hồ, phía Nam có Vũ Hoa Thai.

Nhờ bốn phía có sơn thủy vây quanh, mảnh đất này được xem là nơi có địa thế vô cùng hiểm yếu. (Ảnh: nguồn Internet).

Nhờ bốn phía có sơn thủy vây quanh, mảnh đất này được xem là nơi có địa thế vô cùng hiểm yếu. (Ảnh: nguồn Internet).

Đánh giá về phong thủy của Nam Kinh, năm xưa Gia Cát Lượng khi tới Kim Lăng (tên cũ của Nam Kinh) đã từng cảm khái:

 “Chung Sơn long bàn, thạch đầu hổ cứ, chân nại đế vương chi trạch dã"

Có nghĩa là: "Núi Chung thế rồng cuộn, đá hình hổ phục, thật là chốn đế vương vậy.”

Tuy nhiên, mặc dù rất mực nhận được lời tán dương tử các nhà phong thủy thời xưa, thậm chí được coi là nơi “vương khí ngập tràn”, nhưng một điều kỳ lạ là 6 vương triều định đô ở đây đều tồn tại không quá 100 năm.

Cụ thể, nhà Đông Ngô tồn tại được 69 năm, triều Đông Tấn kéo dài 102 năm, nhà Nam Tống chỉ có 59 năm, nước Tề chỉ duy trì được 23 năm, nhà Lương kéo dài 55 năm, và nhà Trần tồn tại trong 32 năm.

Vào cuối thời nhà Thanh, nhà nước Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn tự thành lập đã chọn Nam Kinh làm thủ phủ, nhưng cũng chỉ duy trì được 9 năm.

Có nhiều người cho rằng, Nam Kinh vốn là mảnh đất đắc địa để đặt làm kinh đô, nhưng đã bị các bậc thầy phong thủy trấn yểm vì mục đích khác.

Nam Kinh có tên cũ là Kim Lăng và từng được nhiều bậc cao nhân ca tụng là vùng đất của đế vương. (Ảnh: nguồn Internet).

Nam Kinh có tên cũ là Kim Lăng và từng được nhiều bậc cao nhân ca tụng là vùng đất của đế vương. (Ảnh: nguồn Internet).

 

Giai thoại về mảnh đất cố đô từng hai lần bị trấn yểm

Về sự lụi bại nhanh chóng của các triều đại định đô tại Nam Kinh, có hai giai thoại dã sử được lưu truyền phổ biến.

Giả thuyết thứ nhất cho rằng Sở vương đã chôn vàng tại nơi đây để trấn vương khí, làm mất thế phong thủy vùng đất này.

Tương truyền rằng vào thời Xuân Thu – Chiến Quốc, sau khi đánh đuổi Việt vương, Sở vương đóng quân bên bờ Sư Tử Sơn. Vì muốn dò xét lãnh thổ của mình, ông liền leo lên ngọn núi Sư Tử này. Sau khi quan sát, sắc mặt Sở vương trầm xuống.

Ông cho rằng Nam Kinh là vùng đất “vương khí quá thịnh”, dễ sản sinh ra nhiều người có mệnh đế vương, đe dọa tới giang sơn của mình và hậu duệ sau này, nên đã nghĩ ra cách dùng vàng chôn dưới Sư Tử Sơn để trấn yểm.

Số vàng này dùng để “trấn vương khí”, cũng là để đảm bảo không xuất hiện thêm một vị đế vương tranh giành thiên hạ.

Giai thoại này cũng phần nào lý giải cho việc vì sao Nam Kinh có tên cũ là Kim Lăng, bởi Kim Lăng có nghĩa là “hầm chôn theo vàng”.

Dãy núi Phương Sơn – địa điểm được lưu truyền là nơi Tần Thủy Hoàng tìm cách “chặt đứt” vương khí của cố đô Nam Kinh. (Ảnh: nguồn Internet).

Dãy núi Phương Sơn – địa điểm được lưu truyền là nơi Tần Thủy Hoàng tìm cách “chặt đứt” vương khí của cố đô Nam Kinh. (Ảnh: nguồn Internet).

Một giả thuyết khác lại khẳng định người đã chặt đứt mạch địa, cắt đứt long khí của cố đô Nam Kinh không ai khác chính là Tần Thủy Hoàng.

Theo đó, vào năm 210 TCN, trong chuyến đi tuần Kim Lăng, Thủy Hoàng đã tin lời của hai vị đạo sĩ đi cùng, cho rằng nơi đây “trăm năm sau sẽ xuất hiện bậc thiên tử”.

Để bảo vệ ngai vàng của mình, vị Hoàng đế này đã làm theo phương pháp của hai đạo sĩ, chặt đứt long mạch của ngọn Phương Sơn nằm phía đông Kim Lăng để làm đứt đoạn vương khí nơi đây. Sau đó đổi dòng chảy của đoạn sông Hoài chảy qua vùng đất này, thông với Trường Giang, nhờ dòng Tần Hoài lấn át vương khí.

Dù những giai thoại trên có thực sự tồn tại hay không, những bí mật phong thủy xoay quanh Nam Kinh vẫn là chủ đề thu hút các nhà phong thủy học hiện đại cùng giới sử học nước này hàng thập kỷ qua.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top