Kinh doanh homestay để "đổi gió" ai ngờ lợi nhuận "khủng"
Vốn đam mê kinh doanh từ nhỏ, Đinh Thị Khánh Hòa (29 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM), sau khi tốt nghiệp cao đẳng đã nhiều lần tự kinh doanh với đủ các ngành nghề tại TP.HCM. Vào tháng 4/2017, có người bạn "rủ rê" lên Đà Lạt chơi, sau chuyến du lịch bụi, Hòa cùng người bạn muốn "đổi gió" bằng cách đổi nghề và đổi địa điểm kinh doanh. Homestay là hình thức kinh doanh được Hòa lựa chọn.
Thuê căn nhà với giá 7 triệu đồng/tháng gần khu du lịch, Hòa và người bạn bắt đầu kinh doanh từ tháng 7/2018. Theo Hòa, khoảng tháng đầu tiên khách ghé khá ít, không đều đặn, từ tháng thứ 2 trở đi, ngôi nhà của Hòa đầu tư thêm nội thất, trang trí bắt mắt, kết nối với các dịch vụ tìm khách thuê…và khách đến đông dần. Hiện tại, trừ các chi phí hàng tháng Hòa thu về khoảng 35 triệu đồng/tháng.
Cũng muốn tự mình gây dựng "sự nghiệp", Nguyễn Hoàng Anh Tuấn đã bắt đầu với kinh doanh homestay ở nơi "đất khách quê người". Thuê mảnh đất rộng hơn 100m2 của người thân tại Đà Lạt với giá khá mềm, Tuấn được gia đình đầu tư để xây dựng căn nhà kinh doanh homestay. Do có khiếu trang trí, óc sáng tạo nên ngôi nhà của Tuấn được bày trí khá đẹp mắt.
Tuấn cho hay, ngay khi đi vào hoạt động, khách du lịch lên Đà Lạt, Lâm Đồng ghé thuê phòng khá đông, thậm chí có thời điểm, 4 phòng của Tuấn hoạt động hết công suất, khách tới sau không có chỗ thuê. Đều đặn từ tháng 6/2018 đến nay, hàng tháng Tuấn thu về hơn 20 triệu đồng (đã trừ các chi phí, bao gồm cả phí thuê đất hàng tháng).
Cũng sợ cảnh đi làm thuê, Đức Hiếu, 27 tuổi quyết định cùng 3 người bạn thân về quê hương là Phan Thiết để đầu tư kinh doanh homestay. Tận dụng thuê lại ngôi nhà đã cũ của người bác họ, gần khu du lịch, Hiếu cùng bạn bắt đầu đầu tư cho căn nhà và cho khách du lịch thuê lại. Khách hàng chính của Hiếu chủ yếu là các bạn trẻ đi hoặc khách gia đình đi du lịch. Dù không tiết lộ doanh thu nhưng "ông chủ nhỏ" này tỏ ra rất vui vẻ với quyết định của mình. "Hiện tại, mình càng làm càng mê, thu nhập chắc chắn ổn hơn lương đi làm thuê trên thành phố", Hiếu cười.
Theo các NĐT trẻ, thiết kế homestay càng độc đáo mới lạ càng thu hút khách du lịch. Ảnh: Minh họa
Theo ghi nhận, đầu tư homestay đang nở rộ trên thị trường bất động sản, đặc biệt các NĐT trẻ - những người chưa có nhiều vốn lẫn kinh nghiệm tham gia ngày càng nhiều. Lợi thế của homestay du lịch là mang lại cho du khách cảm giác được sống như người bản địa, trải nghiệm văn hóa, gần gũi với thiên nhiên trong khi chi phí rẻ hơn thuê khách sạn rất nhiều. Đặc biệt, khách du lịch là những bạn trẻ thích sự khám phá, sáng tạo, không gian có phong cách riêng thì mô hình homestay gần các khu du lịch được khách thuê lựa chọn.
Bí quyết để mua/thuê nhà làm homestay mang lại lợi nhuận tốt
Một số bạn trẻ có sẵn nhà riêng để kinh doanh homestay thường không sợ lỗ vì chi phí đầu ra khá ít. Ngược lại, các bạn trẻ thuê nhà làm homestay thì trước khi quyết định đầu tư phải tính toán khá kỹ lưỡng, từ chọn địa điểm, vốn hỗ trợ đến thỏa thuận hợp đồng thuê. Rất nhiều trường hợp NĐT homestay thất bại vì không tính toán kỹ khu vực đầu tư hoặc bị chủ nhà chấm dứt hợp đồng thuê "bất thình lình", dẫn đến lỗ vì chưa kịp thu hồi vốn đầu tư vào căn nhà. Hoặc khi mua/thuê nhà làm homestay nhưng doanh thu không đạt như kỳ vọng hoặc khó điều khiển từ xa, kiểm soát được lượng khách hàng…
Các chuyên gia đã "mách nước" để dù có phải thuê hay mua hẳn căn nhà đầu tư homestay ở các tỉnh, nếu biết tính toán thì NĐT vẫn mang lại lợi nhuận tốt.
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cá nhân chia sẻ: Trước khi có ý định đầu tư homestay, các bạn nên đi khảo sát khu vực mình muốn đầu tư để vẽ ra được bức tranh đối thủ đang có, mức giá như thế nào. Từ đó, NĐT có thể định vị định được phân khúc mình muốn làm, giá bao nhiêu, doanh thu như thế nào. Đặc biệt, NĐT phải kiểm soát được chi phí đầu tư vào homestay, nếu đầu tư vượt quá ngân sách cho phép rất dễ bị lỗ.
Thứ hai, NĐT nhất định phải xác định được khách hàng mục tiêu của mô hình kinh doanh , nếu không xác định được khách hàng mục tiêu thì lượng khách hàng sẽ phập phù và đây là nguyên nhân dẫn đến thất bại của nhiều mô hình homestay.
Theo giới chuyên gia, nếu không tính toán kỹ, NĐT rất dễ đứt gánh giữa đường, kiểu đầu tư chưa tới đã hết tiền
Tiếp theo, nếu NĐT mua căn nhà tại tỉnh thành du lịch rồi đầu tư homestay thì cần tính toán kỹ lưỡng các chỉ số phù hợp để tối ưu lợi nhuận và thu hồi vốn nhanh. Chẳng hạn, chi phí thiết kế chiếm khoảng 0.5% -1% tổng giá trị căn nhà; Chi phí xây dựng nội thất chiếm 30-40%; cảnh quan giao thông chiếm khoảng 10-20%; giá trị đất chiếm 40-60%; chi phí nhân sự 20-25% tổng doanh thu của tháng, bên cạnh các chi phí về điện, nước, internet…"Nếu không tính toán kỹ, NĐT rất dễ đứt gánh giữa đường, kiểu đầu tư chưa tới đã hết tiền", ông Chánh khẳng định.
Ngoài ra, NĐT cần quan tâm đặc biệt đến tỉ lệ lấp đầy, tức là công suất khai thác của homestay. Để tối ưu điều này, NĐT cần sử dụng chiến dịch marketing để đẩy tỉ lệ lấp đầy, nhằm mang lại doanh thu tốt.
Riêng đối với những chủ homestay điều khiển từ xa, chẳng hạn ở TP.HCM nhưng kinh doanh homestay ở những địa điểm du lịch như Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu…ông Chánh chia sẻ, NĐT nên sử dụng các hệ thống quản lý giúp quản trị được các vấn đề về booking, doanh thu, tương tác với khách hàng…ngoài ra, cần có 1 khung nhân sự cứng trong đó có 1 trainer để huấn luyện cho nhân sự bán thời gian, cuối tuần chỉ nên thuê nhân sự bán thời gian.