Aa

Bí quyết mua nhà ở trung tâm đô thị cho người trẻ

Thứ Năm, 06/02/2020 - 14:45

Theo tìm hiểu, nhiều nơi trên thế giới, thế hệ Y (hay còn gọi là thế hệ Millennials, sinh năm 1981 - 1991) hiện đang gặp khó khăn trong việc sở hữu nhà ở nếu không có sự hỗ trợ của gia đình.

Bởi lẽ thu nhập của họ còn thấp so với mặt bằng giá nhà, chưa thể chi trả. Trong khi đó, giá nhà ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM lại liên tục tăng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bạn trẻ tuổi chưa đến 30 nhưng vẫn có khả năng mua được nhà riêng.

Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam mách nước: Khi tài chính chưa nhiều, các bạn trẻ nên nghĩ đến các dự án nhà ở vùng ven thành phố để có mức giá phù hợp rồi dịch chuyển dần về trung tâm khi có điều kiện và tích lũy nhiều.

Đây cũng là cách rất nhiều người trẻ đã áp dụng và sở hữu được nhà ở tại khu ven các đô thị lớn với số tiền bỏ ra ban đầu không quá lớn, thoát được cảnh đi thuê nhà trọ. Sau khi có tích lũy đủ lớn, họ mua nhà rộng hơn và tiến về khu vực gần trung tâm để hưởng các tiện ích sống tốt hơn, đi làm gần hơn…

Những người trẻ trong độ tuổi 25 - 29 mới ra trường hoặc đi làm được khoảng thời gian ngắn đa số có tích lũy chưa nhiều. Việc sở hữu được căn nhà ở đô thị đối với họ là bài toán thực sự khó khăn. Nếu như không có sự trợ giúp từ gia đình (nếu gia đình có điều kiện) thì dường như ước mơ mua nhà của họ lại càng xa vời. Tuy vậy, theo các chuyên gia không có nghĩa là họ không thể mua được nhà ở đô thị trong độ tuổi này.

Có được căn nhà ở đô thị trở thành một khát khao chính đáng của rất nhiều người trẻ

Theo một khảo sát của một tờ báo, có tới 58,3% người dưới 30 tuổi tham gia khảo sát hiện đã mua được nhà riêng, 33,3% đang ở nhà thuê còn lại đang ở cùng gia đình. Trong đó, dù gặp nhiều khó khăn, rào cản trong đó có vấn đề về tài chính nhưng có tới 50% người tham gia khảo sát cho rằng nên mua nhà trước 30 tuổi.

Nhiều chuyên gia trong ngành cũng khuyến cáo, người trẻ nên sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nhà trong điều kiện hợp lý, không vay quá sức. Thực tế, hầu hết những người trẻ sở hữu được nhà ở đô thị hiện nay đều vay ngân hàng hoặc được gia đình hỗ trợ, thậm chí là thừa kế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi chưa đủ điều kiện, người trẻ nên chấp nhận mua nhà ở xa và vay thêm rồi trả dần trong khoảng thời gian dài.

Theo báo cáo của một đơn vị nghiên cứu, giá nhà liên tục tăng những năm qua. Phân khúc hạng C tăng trung bình từ khoảng 16 triệu đồng/m2 lên quanh 25 triệu đồng/m2. Một căn hộ hạng C diện tích dưới 70m2 giá đã đến 1,5 tỷ đồng.

Tuy vậy thị trường ở giai đoạn hiện tại hầu như cạn kiệt căn hộ giá từ 23 - 25 triệu đồng/m2. Trong khi thu nhập trung bình của một người trẻ (dưới 35 tuổi) ở TP.HCM trong khoảng 10 - 20 triệu đồng/tháng. Vì thế việc sở hữu nhà là khá khó khăn với người trẻ hiện nay, tuy nhiên theo các chuyên gia, người mua có thể tìm các giải pháp tài chính để sở hữu nhà trước bối cảnh bất động sản vẫn trên đà tăng giá.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nguồn cung nhà hiện tại chủ yếu từ chung cư và nhà tự xây. Với nhà tự xây, giá cả đắt đỏ để sở hữu đất và chi phí xây dựng lớn là một trong những nguyên nhân chính khiến người có thu nhập thấp, trung bình rất khó tiếp cận.

Với căn hộ chung cư, giá bán ngày càng tăng lên so với thu nhập trung bình của người dân.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng hơn 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, lao động, người nhập cư… Thống kê cho thấy, hàng năm có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới và hơn 500.000 sinh viên đại học, cao đẳng.

Đây là số lượng có nhu cầu mua nhà đông đảo, trong khi thu nhập lại quá thấp so với giá nhà. Cụ thể, giá chung cư tại TP.HCM đang cao gấp từ 20 - 25 lần so với thu nhập bình quân. Trong khi đó, giá căn hộ chung cư phổ biến ở mức 3 - 4 tỷ đồng/căn. Hiệp hội này đưa ra số liệu vào năm 2019, toàn thành phố có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (khoảng 1,5 triệu người). Số người này chiếm 1/4 tổng số hộ gia đình của TP.HCM.

HoREA đánh giá nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân ở mức cao không chỉ ở những cặp vợ chồng mà cả người độc thân. Việc sở hữu nhà ở giúp người dân có thể sống ổn định, được chính thức hóa hộ khẩu tại các thành phố lớn, từ đó có thể hưởng được nhiều phúc lợi xã hội cho con cái và bản thân.

“Việc sở hữu nhà ở cũng giống như câu nói an cư rồi mới lạc nghiệp. Hầu hết đều mong muốn sở hữu nhà ở cho riêng mình, thay vì đi thuê trọ, sống không ổn định. Người trẻ không nằm ngoài số đó”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA từng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng cho rằng, tâm lý mua nhà là có thật, đặc biệt tâm lý này không phân biệt tuổi tác. Rất nhiều bạn trẻ, chỉ ở độ tuổi sinh viên, mới ra trường đã mong muốn có một căn nhà cho riêng mình.

Việc có nhà ở các thành phố lớn sẽ là bước khởi đầu cho một cuộc sống ổn định, kéo theo các phúc lợi xã hội được thừa nhận. Điển hình như sở hữu nhà, người ngoại tỉnh sẽ được cấp hộ khẩu thành phố, con cái có thể học tại các trường công lập, được hưởng các phúc lợi về y tế, giáo dục…

Đồng thời, nhà cũng được coi là tài sản quan trọng trong tâm lý của người Việt Nam. Việc sở hữu nhà thường là một trong những ưu tiên hàng đầu. Bởi vậy mới có câu nói “an cư, lạc nghiệp”, thể hiện việc mua nhà được coi trọng, sau đó mới tính đến các việc khác.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, sự cố gắng cải thiện thu nhập để mua được nhà chỉ là một phần, thị trường rất cần có những chính sách lớn từ phía Nhà nước, để điều chỉnh thị trường. Trước hết cần có chính sách tốt để khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản tham gia xây dựng nhà ở phân khúc giá rẻ, trung bình, vừa túi tiền, thay vì chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp.

Đó có thể là chính sách giảm thuế sử dụng đất; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ lãi suất ngân hàng; đặc cách sử dụng quỹ đất đẹp vì mục đích phát triển dự án vì cộng đồng…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top