Aa

“Chống dịch theo phương châm toàn dân, toàn diện, luôn thường trực, không lơ là chủ quan“

Thứ Bảy, 12/06/2021 - 13:10

Lấy sức mạnh lớn nhất trong xã hội là sức mạnh của nhân dân, để bảo vệ thành quả chống dịch, huyện Lục Nam (Bắc Giang) luôn giữ tâm thế chủ động, sẵn sàng, quyết tâm.

“Quyết tâm rồi phải quyết tâm nữa, sáng tạo rồi phải sáng tạo nữa và đã làm tốt rồi phải làm tốt nữa” là một trong những phương châm hàng đầu của huyện Lục Nam để bảo vệ thành quả phòng chống dịch.

Huyện Lục Nam là địa phương đầu tiên xuất hiện ca mắc Covid-19 của tỉnh Bắc Giang. Với quyết tâm cao độ và các biện pháp phòng chống dịch sáng tạo, quyết liệt, sau hơn 1 tháng căng mình dập dịch, huyện đã khống chế thành công, làm sạch các ổ dịch, là một trong 2 địa phương đầu tiên được chuyển từ biện pháp cách ly xã hội sang giãn cách xã hội.

Một trong những cách làm sáng tạo góp phần tạo nên thành công của huyện là kêu gọi sự đoàn kết, đồng lòng tham gia chống dịch của toàn thể nhân dân. Theo đó, có hơn 1.000 tổ Covid cộng đồng được thành lập, hàng loạt phong trào thi đua “vừa sản xuất, vừa chống dịch” được nhân rộng trong nhân dân.

Chia sẻ về mô hình và cách chống dịch tại huyện Lục Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhận định đây là cách làm đúng đắn và kết quả cho thấy Lục Nam kiềm chế dịch rất tốt.

chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

******

Bí thư Huyện ủy Lục Nam – Nguyễn Thị Kim Dung cũng có những chia sẻ với Reatimes về các cách làm sáng tạo của huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua.

PV: Cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Lục Nam nói riêng và Bắc Giang nói chung phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với các địa phương khác ở những đợt bùng phát dịch trước đây, do chủng virus mới từ Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh chóng và khả năng tử vong khi bị nhiễm cao hơn. Đâu là cách huyện Lục Nam chọn để đối phó với diễn biến căng thẳng này của dịch bệnh?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Khẩu hiệu của chúng tôi là “chống dịch như chống giặc”, và chống dịch “toàn dân và toàn diện”, không một ai nằm ngoài cuộc chiến này.

chống dịch toàn dân toàn diện

“Tư tưởng không thông thì vác bình không cũng nặng”, ngay từ đầu trong tư tưởng của huyện Lục Nam là phải quyết tâm và đoàn kết, bố trí lực lượng và quản lý lực lượng. Theo đó, chúng tôi xác định lực lượng nào là lòng cốt, lực lượng nào chung sức. Tất cả phải có quyết tâm cao nhất trong công tác phòng chống dịch. Các lực lượng phải luôn trong tư thế sẵn sàng để không bị động, luôn cập nhật theo dõi thông tin, bàn bạc thấu đáo để đưa ra các giải pháp, quyết định. Và một khi đã quyết định thì đồng loạt triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thì động viên lực lượng, hỗ trợ nguồn lực, quan tâm để họ hoàn thành nhiệm vụ. Kinh nghiệm phải đi cơ sở, sâu sát thực tế, kiểm tra công việc của từng lực lượng.

PV: Bà có thể chia sẻ rõ hơn về quá trình chống dịch “toàn dân, toàn diện” trong suốt hơn 1 tháng qua của huyện Lục Nam?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Lục Nam là địa phương 2 lần tham gia tuyến đầu chống dịch, đầu tiên là ca bệnh liên quan tới Hải Dương ngày 27/1. Sau 3 tháng, đến ngày 7/4, chúng tôi tiếp tục vào trận chiến mới là ca liên quan đến bệnh viện K Tân Triều ở xã Phương Sơn. Trên địa bàn xã Phương Sơn bao gồm 1 chợ đầu mối có đường sắt chở hàng đi Quảng Ninh. Khu chợ tập trung nhiều cư dân đến từ nhiều nơi, rất phức tạp. Vì vậy ca bệnh ở xã Phương Sơn này rất nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao. Chúng tôi nhận định, nếu không truy vết, khoanh vùng ngay từ sớm thì chắc chắn ổ dịch Phương Sơn rất khó lường.

Với kinh nghiệm chống dịch từ tháng 1 nên Lục Nam không bị bất ngờ, ngược lại rất chủ động và thần tốc để khoanh vùng dập dịch. Chính vì vậy trong thời gian ngắn, đến bây giờ ổ dịch Phương Sơn đã được dập hoàn toàn và không có khả năng lây ra cộng đồng. Đây là thành công ban đầu tại ổ dịch này.

Tuy nhiên, đợt dịch này khác với đợt dịch trước, vì chủng mới không những xuất hiện ổ dịch ở Phương Sơn mà còn có ổ dịch ở KCN Vân Trung và Quang Châu, tốc độ lây lan nhanh, biến chứng có thể gây chết người. Đây là khó khăn rất lớn, nếu không chung sức đồng lòng, chúng tôi khó có thể giành chiến thắng.

Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Lục Nam đã xuất hiện 74 ca ở 20 xã, thị trấn và 44 thôn và con số này vẫn đang được kiềm chế. Với chúng tôi, đó là thành quả lớn.

Để có được thành quả chống dịch là quyết tâm của cả hệ thống chính trị, mặt trận tổ quốc và cả đoàn thể nhân dân. Chúng tôi huy động sức mạnh của truyền thông, mạng xã hội tham gia. Từ công tác tuyên truyền vận động đã rất chu đáo, tỉ mỉ. 

Khi xuất hiện những ca bệnh mới, chúng tôi bình tĩnh, chủ động, dựa trên kinh nghiệm sẵn có, không sợ hãi mà thiết lập ngay lực lượng, ban chỉ đạo và các tiểu ban. Từng nhiệm vụ được phân công đến từng người và luôn trong tư thế sẵn sàng.

Về chủ trương, chúng tôi xác định phải luôn luôn theo dõi và nhận định tình hình để đưa ra những quyết định sáng suốt nhất, có lợi nhất cho địa phương; luôn luôn chuẩn bị các điều kiện và lực lượng ở mức cao hơn để không bị động và bất ngờ, sẵn sàng công cuộc dập dịch.

Lục Nam

Chính vì vậy khi xác định ổ dịch ở KCN Vân Trung và Quang Châu, huyện Việt Yên có hơn 10.000 công nhân, bên cạnh việc truy vết, khoang vùng, dập dịch, lấy mẫu, phải tiến hành cách ly tập trung hơn 10.000 công nhân, với khoảng 30 - 40% (4.000 người) có khả năng là F1, chúng tôi thiết lập 6 trung tâm cách ly cấp huyện, 28 trung tâm cách ly cấp xã với quy mô hơn 4.000 người. Lục Nam cũng có 1 bệnh viện dã chiến, quy mô hơn 200 giường. Nếu có tình huống xấu xảy ra, chúng tôi có thể đảm bảo kiểm soát được số lượng lớn người phải cách ly.

Thời điểm đông nhất là cách ly tập trung là hơn 2.000 người, trong đó hơn 1.000 người ở 6 trung tâm cấp huyện, còn lại ở 28 trung tâm cấp xã.

PV: Được biết, phương châm chống dịch “toàn dân và toàn diện” của Lục Nam gắn liền với những mô hình chống dịch rất sáng tạo như Tổ Covid cộng đồng, mô hình phun sương khử khuẩn tự động, siêu thị 0 đồng… Bà có thể chia sẻ thêm về các cách làm sáng tạo này?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Mọi sáng tạo xuất phát từ thực tế. Trong hướng dẫn của Bộ Y tế chỉ phân loại đối tượng nguy cơ cao và nguy cơ thấp ở trong các phòng khác nhau để tránh lây chéo nhưng không hướng dẫn ở các khu vệ sinh và sinh hoạt công cộng phải tách riêng. Vì vậy sẽ xảy ra tình huống không lây chéo trong khu vực ở nhưng sẽ lây chéo trong khu vực vệ sinh, nhà vệ sinh ẩm thấp khi tắm rửa không có khẩu trang.

Khi tôi đi kiểm tra các xã, tôi đã thấy lỗ hổng đó nên yêu cầu Ban chỉ đạo các xã phải xây dựng ngay mỗi trung tâm cách ly có 2 phân khu, 1 phân khu cho người có nguy cơ cao và 1 phân khu cho người có nguy cơ thấp và phải khử khuẩn hàng ngày để tránh lây chéo trong khu cách ly tập trung.

phun khử khuẩn tự động ở lục nam
Bí thư Tỉnh ủy và Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Bắc Giang đã về kiểm tra và thống nhất nhân rộng mô hình sáng tạo hệ thống phun khử khuẩn tự động này ra toàn tỉnh 

Trung tâm cấp huyện tập trung những người có nhóm nguy cơ cao hơn cấp xã nên khu vực vệ sinh bắt buộc phải lắp đặt hệ thống phun sương khử khuẩn tự động để làm sạch. Hiệu quả của cách làm trên là dù hàng nghìn người cách ly, dù xuất hiện các F0 nhưng tuyệt đối không có hiện tượng lây chéo bên trong khu cách ly.

 

mô hình chống dịch lục nam

Ở một góc độ khác, lực lượng chuyên môn đã hỗ trợ tuyến đầu chống dịch nhưng để quản lý ở từng địa bàn dân cư thì lực lượng cán bộ không thể kiểm soát hết. Do đó, các Tổ Covid cộng đồng được thành lập. Tổ Covid cộng đồng là lực lượng thường trực và thường xuyên, đông đảo nhất, phụ trách công tác phòng chống dịch trên địa bàn dân cư. Chúng tôi thành lập gần 1.500 Tổ Covid cộng đồng gồm 5.000 người. Mỗi tổ từ 3 đến 5 người có thể là Bí thư chi bộ, có thể là trưởng thôn, thành viên mặt trận đoàn thể, hội viên tích cực… Công việc mà Tổ Covid cộng đồng phải thực hiện là phụ trách kiểm tra các yếu tố dịch tễ với hơn 60.000 hộ dân trên toàn huyện. Nhiệm vụ hằng ngày hướng dẫn khai báo y tế, hướng dẫn cam kết về thực hiện phòng chống dịch, đo thân nhiệt… Bất kỳ một biểu hiện hay triệu chứng liên quan đến dịch bệnh đều được các tổ nhanh chóng báo cáo về huyện và ngay lập tức có phương án xử lý.

Huyện Lục Nam hỗ trợ Tổ Covid cộng đồng khoảng 1,5 tỷ đồng để mua các đồ bảo hộ, khử khuẩn… vì chúng tôi xác định đây là lực lượng tiên phong ở cơ sở giúp chúng tôi trong công tác phòng chống dịch.

tổ covid
tiêm vac xin

Mô hình Tổ Covid cộng đồng đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống dịch.

Đối với việc tiêm phòng và truy vết lấy mẫu, chúng tôi dựa vào lực lượng của trung tâm y tế huyện. Bên cạnh đó, chúng tôi đã đề nghị tập huấn cho lực lượng y tế học đường. Hơn 100 người được lựa chọn có điều kiện có thể tham gia được tập huấn. Khi xảy ra bất cứ trường hợp F0 nào ở bất cứ đâu đều có đội truy vết lấy mẫu.

Về tiêm chủng, chúng tôi đã tiêm 16.000 liều trong thời gian rất ngắn và không gặp ca biến chứng nào. Trong đợt tiêm cuối cùng, huyện đã yêu cầu trung tâm y tế trước khi tiêm phải gửi văn bản về cho các xã địa phương, yêu cầu tất cả công nhân phải mang theo sổ khám chữa bệnh để hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình tiêm. Vì tâm lý công nhân muốn được tiêm miễn phí để đi làm luôn nên rất có thể công nhân sẽ nói dối về lịch sử bệnh lý của mình và dẫn đến phản ứng sốc có thể gây tử vong.

bí thư lục nam kiểm tra

Bí thư huyện ủy Lục Nam kiểm tra công tác tiêm vác xin phòng dịch cho công nhân trong Công ty Khải Thần (Ảnh trái).

Ngoài ra, để đảm bảo bữa ăn cho mấy nghìn người trong trung tâm cách ly, huyện Lục Nam xây dựng hệ thống thực đơn hàng ngày, 6 trung tâm có bộ phận cấp dưỡng lên thực đơn, đảm bảo dinh dưỡng cho người dân. Bên cạnh chế độ ăn, người cách ly còn được quan tâm, hỗ trợ từ các đơn vị khác để đảm bảo sức khỏe.

Chưa hết, khi triển khai thực hiện phòng chống dịch, chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin để nắm được toàn diện các mặt, quản lý và điều hành của công tác phòng dịch bằng việc thành lập 12 nhóm trò chuyện trên mạng xã hội, nếu không họp chung có thể họp trực tuyến, qua đó các tiểu ban để báo cáo và đánh giá tình hình hàng ngày. Các trạm báo cáo quân số ra vào, bao nhiêu F1, F0, các bữa ăn như thế nào? Các nhóm này đã giúp sức rất lớn khi truyền đạt các ý kiến chỉ đạo khẩn cấp, mặt khác, giúp lãnh đạo huyện bao quát tình hình các địa phương và có chỉ đạo kịp thời.

PV: Về việc thực hiện mục tiêu kép “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch” của tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Nam đã triển khai như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Dịch bệnh diễn ra trong thời điểm hết sức khó khăn, cùng lúc với công tác bầu cử và cũng là vụ thu hoạch dứa, khoai, dưa, vải thiều… Chúng tôi đã thành lập nhóm trên mạng xã hội bao gồm các phóng viên báo chí, thương lái và chính quyền địa phương, cung cấp thông tin sản lượng của từng loại, thời điểm tiêu thụ trên nhóm và có sự kết nối để hỗ trợ người dân.

lục nam không có sản phẩm ùn ứ

Các mặt trận, đoàn thể cũng tham gia. Ở khu vực phải cách ly y tế, cách ly xã hội, đoàn viên, hội viên sẽ thu hoạch hộ và nhận định tình hình nếu không tiêu thụ được nông sản phải làm gì, dịch bệnh cứ diễn biến phức tạp, thời gian cách ly tiếp tục kéo dài thì phải làm sao?

Nhiều địa phương được hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ nông sản nhưng chúng tôi tự túc. Cách đây 1 tháng, khi vải chưa chín, chúng tôi đã đề nghị người dân đăng ký việc xây lò sấy. Chúng tôi chấp nhận bỏ 3 tỷ đồng nhưng giữ lại được cho bà con hơn 300 tỷ đồng. Chúng tôi hỗ trợ người dân ở mức 3 - 5 triệu đồng, và làm được hơn 700 lò sấy vải thiều. Khi hết dịch, vải khô có thể bán được. Đó là biện pháp hết sức chủ động. Ở Lục Nam không có sản phẩm ùn ứ mà không thể bán được, không có chuyện chờ đợi mà luôn đi trước một bước nhằm chủ động và linh hoạt trong công tác điều hành.

Trong điều kiện bình thường mới, để sản xuất trở lại, tất cả các công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp ở Lục Nam đến thời điểm này trừ đối tượng F1, F2 đang cách ly, cơ bản đã được tiêm vắc-xin. Tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn qua kiểm tra thực địa điều kiện về phòng chống dịch đã có thể hoạt động trở lại nhưng chưa được 100%. Các nhà máy Khải Thần, Khải Thừa, nhà máy May Bắc Giang đang chuẩn bị hoạt động trở lại.

PV: Lục Nam là một trong hai huyện đầu tiên của Bắc Giang được chuyển từ biện pháp cách ly xã hội sang giãn cách xã hội. Việc dỡ phong tỏa giúp người dân, các doanh nghiệp giảm thiệt hại kinh tế. Đây có thể xem là thành quả đáng ghi nhận của huyện. Tạo được thành quả chống dịch rất khó nhưng có lẽ để giữ được còn khó khăn hơn?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Việc dỡ bỏ phong tỏa góp phần quan trọng giúp giao thông được thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hoạch và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vừa mừng vừa lo bởi để giữ được thành quả chống dịch hiện tại là rất mong manh, khó khăn, nguy cơ vẫn tiềm ẩn.

lục nam không lơ là

Khó khăn của giai đoạn này là F0 sau khi khỏi bệnh về nhà có thể dương tính trở lại, F1 sau khi cách ly tập trung về nhà vẫn có thể là F0. Giãn cách xã hội là không còn chốt kiểm dịch, phương tiện hạn chế mọi người nhưng sẽ khó kiểm soát việc ra vào. Nếu mọi người chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch thì rất tốt nhưng điều đó không phải dễ.

Không có thành công nào, thành quả nào có được mà không cần sự đồng lòng quyết tâm cao của tất cả hệ thống chính trị, cơ quan đầu não, lực lượng nòng cốt và toàn thể nhân dân. Nhưng chỉ cần một người thiếu đồng lòng, hay một bộ phận nhỏ chểnh mảng là có thể phá hỏng tất cả.

Chúng tôi nghĩ việc dù khó nhưng đã quyết tâm rồi phải quyết tâm nữa, sáng tạo rồi phải sáng tạo nữa và đã làm tốt rồi phải làm tốt nữa. Tất cả các lực lượng lúc nào cũng sẵn sàng. Các trung tâm cách ly của huyện là đội chính quy nên lúc nào cũng phải khử khuẩn giữ nguyên hiện trạng, nguyên bộ khung để nếu có tình thế xảy ra sẽ hoạt động trở lại bình thường. Còn các trung tâm cách ly tuyến xã giải thể tạm thời để tránh đội ngũ cồng kềnh. Chúng tôi luôn thường trực, không lơ là chủ quan trong công tác phòng chống dịch./.

Trân trọng cảm ơn bà vì những chia sẻ!

06/11/2021 15:01
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top