TP. Bắc Giang vươn mình lên đô thị loại 1, hướng tới phát triển xanh, thông minh
Tiến tới đô thị thoại 1, xây dựng thành phố xanh, thông minh là mục tiêu then chốt được chính quyền TP. Bắc Giang đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhiều mục tiêu, chiến lược cụ thể đã được xây dựng, từ công tác quy hoạch đến thu hút đầu tư, cải cách hành chính cho thấy quyết tâm mãnh liệt của TP. Bắc Giang trên hành trình khẳng định vị thế, bứt phá tiềm năng để trở thành trung tâm phía Đông Bắc Vùng Thủ đô.
TP. Bắc Giang là trung tâm hành chính của tỉnh Bắc Giang, được công nhận đô thị loại 2 vào tháng 12/2014. Thành phố có diện tích tự nhiên là 6.659,3ha và dân số khoảng 158 nghìn người.
TP. Bắc Giang có vị trí rất thuận lợi về giao thông, cách thủ đô Hà Nội 50km về phía Bắc, ở vị trí trung lộ trên tuyến giao thông huyết mạch (đường bộ, đường sắt liên vận quốc tế) nối Thủ đô Hà Nội với thành phố Lạng Sơn và cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng. Đồng thời nằm ở vị trí đầu mối giao thông cấp liên vùng quan trọng. Cụ thể, TP. Bắc Giang nằm cận kề vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có hệ thống đường bộ gồm các Quốc lộ 1A cũ và mới, 31, 37, tỉnh lộ 398; các tuyến đường sắt: Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Kép - Hạ Long, Hà Nội - Kép - Thái Nguyên chạy qua; có tuyến đường sông nối thành phố với các trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch lớn như Phả Lại, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Yên Tử, Hải Phòng; tiếp cận thuận lợi với cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cảng nội địa Gia Lâm, cảng nước sâu Cái Lân, cảng Hải Phòng và các cửa khẩu quốc tế trên biên giới Lạng Sơn.
TP. Bắc Giang được biết đến với vai trò là một trong những trung tâm lớn của vùng về công nghiệp đạm - hoá chất, công nghiệp may mặc, đồng thời là trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc cho miền Bắc, cũng như là nơi tập kết các sản phẩm nội địa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo đánh giá của ThS.KTS. Vũ Ngọc Tuấn, Giám Đốc Trung tâm Quy hoạch – Xây dựng 1 – VIUP, TP. Bắc Giang có lịch sử lâu đời là một đô thị nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đồng bằng Bắc bộ và và vùng núi Đông Bắc Việt Nam. Những năm qua, TP. Bắc Giang đã từng bước xây dựng phát triển hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đô thị để trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ của các tỉnh khu vực miền núi, trung du phía Bắc, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh.
TP. Bắc Giang đã nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tựu quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng cao liên tục, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, cơ sở kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường, diện mạo đô thị đã có chuyển biến tiến bộ… Những thay đổi này đã đem đến hình ảnh mới về một TP. Bắc Giang khang trang, hiện đại hơn.
Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Bắc Giang đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 865/QĐ-UBND ngày 05/12/2017 với tầm nhìn tạo ra một môi trường kinh tế với sự tận dụng các yếu tố sẵn có cũng như tạo ra các đặc trưng đô thị mới, nâng cao vị thế cạnh tranh cho Bắc Giang và thu nhập cho người dân Thành phố, đồng thời tạo cơ chế khuyến khích thu hút các nhà đầu tư, tạo môi trường sống chất lượng cao, xanh sinh thái với nét đặc trưng độc đáo của Bắc Giang, hướng tới một đô thị xanh, thông minh với các trung tâm hậu cần dịch vụ, một đô thị có tính cạnh tranh cao trong chuỗi các dịch vụ cấp vùng.
Các chiến lược đã được đặt ra cho Bắc Giang với 5 định hướng chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tạo ra tính chất độc đáo khác biệt cho TP Bắc Giang. Đó là:
(1) Một Thành phố trung chuyển tối đa hóa các cơ hội mang lại nhờ vị trí chiến lược và các kết nối thuận tiện;
(2) Một Thành phố đón đầu công nghệ và sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, tận dụng các lợi thế sáng tạo công nghệ nông nghiệp;
(3) Một Thành phố cung cấp và phát triển mạnh về thương mại và giáo dục, khoa học công nghệ, mang lại nguồn lao động tay nghề cao;
(4) Một Thành phố xanh và bền vững đem đến môi trường sống chất lượng cao đồng thời kết hợp phát triển cảnh quan và nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu;
(5) Một Thành phố du lịch, tạo ra các cơ hội thu hút nghỉ dưỡng ngắn và dài hạn dựa trên các lợi thế sẵn có về văn hóa, sinh thái và cảnh quan phù hợp theo các giai đoạn.
Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá xã hội của tỉnh Bắc Giang, là điểm kết nối các đô thị trong hệ thống đô thị tỉnh và vùng phụ cận, theo các chuyên gia, TP. Bắc Giang cần có các giải pháp thu hút đầu tư phát triển đô thị nhất là ưu tiên đầu tư phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh – thông minh. Đây là hướng đi tất yếu và phù hợp.
Để hiểu rõ hơn về những kế hoạch, chiến lược hiện thực hóa việc xây dựng đô thị xanh, thông minh trong tương lai của địa phương này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang.
PV: Thưa ông, được biết Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã đề ra nhiều mục tiêu quan trọng, định hướng phát triển TP. Bắc Giang theo tiêu chí đô thị loại I, phát triển theo hướng xanh, thông minh. Ông có thể cho biết TP. Bắc Giang đã có những chiến lược cụ thể nào nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, đặc biệt là vấn đề dân số và mở rộng địa giới hành chính?
Ông Nguyễn Văn Thạo: TP. Bắc Giang ngoài chức năng là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bắc Giang, còn được quy hoạch phát triển là đô thị cửa ngõ, trung tâm phía Đông Bắc của Vùng thủ đô Hà Nội, có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng.
Thành phố định hướng phát triển các ngành kinh tế chủ đạo là: Dịch vụ thương mại về xuất nhập khẩu; trung tâm tiếp vận - trung chuyển hàng hóa của Vùng thủ đô Hà Nội; dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; trung tâm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động phía Đông Bắc Vùng thủ đô Hà Nội.
Sau khi được công nhận là đô thị loại III vào năm 2003, trên cơ sở Quy hoạch chung thị xã Bắc Giang năm 1999, thành phố đã tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Bắc Giang giai đoạn 2005 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Năm 2010, thành phố được điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính theo nghị quyết số 36/NQ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở đó, năm 2013, thành phố đã hoàn thành lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, với quy mô diện tích quy hoạch khoảng 119,7km2.
Thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 "Thực hiện mở rộng địa giới hành chính, nâng cấp thành phố Bắc Giang cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I" đã được Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đề ra, Thành phố đã tổ chức lập và hoàn thành đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Bắc Giang đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, được UBND tỉnh phê duyệt năm 2017, với diện tích khoảng 143,9km2, làm tiền đề cho việc mở rộng địa giới hành chính thành phố và định hướng phát triển theo tiêu chí đô thị loại I.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thành phố đã tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đẩy mạnh đầu tư, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị, từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng của thành phố, đồng thời tạo động lực cho phát triển mở rộng đô thị, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và khai thác tiềm năng du lịch, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao cảnh quan môi trường đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Nhiều công trình lớn được ưu tiên nguồn vốn để đầu tư đồng bộ nhằm nâng cao các tiêu chí đô thị loại II, hướng tới tiêu chí đô thị loại I. Đến nay, qua rà soát, tự đánh giá chấm điểm, TP. Bắc Giang đã đạt 71,27/100 điểm tiêu chuẩn đô thị loại I (30/59 chỉ tiêu đạt ngưỡng tiêu chuẩn cao, 19/59 chỉ tiêu đạt điểm ở ngưỡng tiêu chuẩn trung bình và thấp).
Với quyết tâm xây dựng TP. Bắc Giang đạt đô thị loại I trong tương lai, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Bắc Giang lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra định hướng phát triển 05 năm 2020 - 2025 là xây dựng TP. Bắc Giang phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh - thông minh; đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, nhất là hạ tầng khung đô thị; đề ra mục tiêu nâng số điểm theo tiêu chuẩn đô thị loại I đạt 80 điểm vào cuối nhiệm kỳ.
Thực hiện mục tiêu trên, UBND TP. Bắc Giang sẽ tập trung hoàn thiện chương trình phát triển đô thị thành phố đến năm 2035, đánh giá thực trạng đô thị đề ra các giải pháp hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt và nâng cao các tiêu chí đã đạt so với tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh để lập kế hoạch phát triển đô thị hàng năm. Thành phố đã lập Đề án phát triển đô thị xanh – thông minh giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo để đề ra lộ trình cụ thể, các bước triển khai thực hiện. Tập trung ưu tiên đầu tư vào những dự án hạ tầng kỹ thuật khung, những dự án trọng điểm có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là hệ thống giao thông mang tính chất liên vùng, liên khu vực, trục chính đô thị. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát; tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân; xã hội hóa từ các doanh nghiệp và người dân để chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới cho đô thị thành phố đáp ứng tiêu chí đô thị loại I,...
Để mở rộng không gian đô thị, việc mở rộng địa giới hành chính thành phố là hết sức cần thiết; trong thời gian qua, thành phố đã tích cực, chủ động phối hợp với các Sở, ban ngành Tỉnh triển khai lập Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đã định hướng phát triển thành phố Bắc Giang trong giai đoạn 2020 - 2025 là tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng, nâng cao chất lượng đô thị; giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng đô thị theo hướng hiện đại, bền vững, đồng thời sáp nhập 01 huyện lân cận có điều kiện vào thành phố để trở thành đô thị loại I theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030.
Đối với chỉ tiêu về quy mô dân số, Thành phố đã định hướng quy hoạch, phát triển thành phố trong tương lai theo hướng đô thị nén với mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất cao, phát triển các tòa nhà cao tầng cùng với việc hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn kết đồng bộ, để dành quỹ đất cho việc xây dựng công trình giao thông và không gian công cộng, thu hút dân cư nơi khác đến ở, tăng mật độ và quy mô dân số.
PV: Để đạt được mục tiêu đưa TP. Bắc Giang lên đô thị loại I và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, cơ chế chính sách của tỉnh, cũng như Thành phố để thu hút nguồn lực đầu tư về với địa phương sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Thạo: Bên cạnh việc duy trì đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng khung đô thị, Thành phố sẽ tích cực khai thác các nguồn thu ngân sách, nhất là khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn ODA để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Phối hợp tốt trong công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công các công trình của Trung ương và địa phương trên địa bàn.
Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của Tỉnh và các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư các công trình hạ tầng đô thị; đa dạng các hình thức đầu tư: BT, BOT... đối với một số công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố. Thu hút, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện các dự án khu đô thị mới, các dự án sử dụng quỹ đất đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng quan tâm đầu tư những dự án tạo quỹ đất để đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư phát triển; khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ tạo điểm nhấn đô thị (Trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn cao cấp,...), các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các cơ sở y tế, du lịch, ...
Ngoài ra, Thành phố sẽ phối hợp với các Sở, ban, ngành xây dựng chương trình vận động xúc tiến đầu tư khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ và sản xuất kinh doanh. Huy động mọi nguồn lực, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để đẩy mạnh xây dựng một số khu thương mại, khu du lịch - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở các phường, xã giáp ranh giữa các huyện: Yên Dũng, Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
PV: Việc nâng cấp hạ tầng đô thị, cũng như phát triển những khu đô thị xanh – thông minh trong thời gian qua đã được Thành phố đầu tư và quan tâm như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Thạo: Trong nhiệm kỳ vừa qua, Thành phố đã ưu tiên hoàn thiện hệ thống quy hoạch đô thị, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Về quy hoạch, từ đầu nhiệm kỳ chưa có quy hoạch phân khu, đến nay đã nâng tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu từ 0% lên 60% diện tích; nâng tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết từ 30% lên 50% diện tích thành phố.
Về giao thông, Thành phố đã xây dựng 04 cầu vượt (2 cầu vượt sông Thương, 2 cầu vượt đường Xương Giang và 295B), xây dựng mới 64km, nâng cấp 8,3km đường đô thị, nâng tổng chiều dài đường đô thị lên 264/240km theo tiêu chí đô thị loại I; cứng hóa, cải tạo 114km đường liên thôn, ngõ xóm, nội đồng; rải thảm asphalt 100% các đường ngõ, xóm rộng trên 3m.
Về hạ tầng khu đô thị, nhà ở, Thành phố đã triển khai thực hiện hạ tầng kỹ thuật 14 khu đô thị mới, diện tích 232ha với kinh phí gần 6.000 tỷ đồng; 46 khu dân cư, diện tích 230ha với kinh phí trên 2.500 tỷ đồng; xây dựng trên 23.000m2 sàn dự án nhà ở, với 12 tòa nhà chung cư, 101 căn nhà phố xây sẵn, tổng kinh phí đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.
Về hệ thống cây xanh, khu công cộng, Thành phố đã cải tạo, nâng cấp khu Quảng trường 3/2, công viên Hoàng Hoa Thám, Ngô Gia Tự,...; xây mới Quảng trường trước trung tâm hành chính thành phố mới, dải cây xanh cách ly dọc đường cao tốc, cải tạo, trồng cây xanh một số đường phố, khuôn viên vườn hoa. Bổ sung công suất và chống quá tải mạng lưới điện, thông tin viễn thông. Nâng cao năng lực hệ thống thoát nước đô thị, xây dựng thêm một số hồ tại các khu đô thị mới; cải tạo, xây dựng mới trạm bơm Văn Sơn, trạm bơm Châu Xuyên 2 và nâng công suất Trạm xử lý nước thải Tân Tiến từ 10.000 m3/ngđ lên 20.000m3/ngđ, xây mới 03 trạm xử lý nước thải nhỏ lẻ phân tán tại các khu dân cư, cụm công nghiệp, mở rộng mạng lưới cống thu gom nước thải khu vực nội thành; cải tạo một số nghĩa trang nhân dân,...
PV: Về vấn đề cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử thì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thạo: Thành phố đã từng bước thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Áp dụng các giải pháp thông minh mang lại hiệu quả tích cực như: Triển khai thí điểm lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự; tạo lập kênh thông tin và duy trì hiệu quả trang Facebook “Ý kiến đô thị - Thành phố Bắc Giang” để tiếp thu ý kiến phản ánh về tình hình trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.
Đây chính là điều kiện, tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục xây dựng thành phố phát triển bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh.
Thành phố Bắc Giang đang "thay da đổi thịt" từng ngày vươn mình trở thành đô thị loại I
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Bắc Giang lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút đầu tư 1 khu đô thị sinh thái hoặc 1 khu đô thị mới có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ứng dụng công nghệ đô thị thông minh. Thực hiện mục tiêu này, UBND TP. Bắc Giang sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng.
Thứ nhất, tích hợp yếu tố xanh - thông minh vào quy hoạch đô thị, từ đó làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư quan tâm, triển khai thực hiện các dự án khu đô thị, tòa nhà thông minh, sinh thái.
Thứ hai, xây dựng hệ thống Trung tâm điều hành để hỗ trợ cho quản lý điều hành, số hóa dữ liệu các ngành, hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh; đẩy mạnh trồng cây xanh; quy hoạch và xây dựng một số khuôn viên, công viên, ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường,…
PV: Để phát triển xứng tầm với định hướng đã được đặt ra, Thành phố có gặp phải khó khăn, vướng mắc gì không và giải pháp của Thành phố đưa ra là gì?
Ông Nguyễn Văn Thạo: Để đạt được đô thị loại I và theo Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội thì hiện nay, vướng mắc khó khăn lớn nhất đối với TP. Bắc Giang là về quy mô dân số. Theo Nghị quyết 1210 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì TP. Bắc Giang sẽ vướng về quy mô dân số và mật độ dân số đô thị. Bây giờ để đạt được tiêu chí đô thị loại I thì quy mô dân số phải đạt được tối thiểu là 500.000 dân, nhưng hiện nay thành phố được xấp xỉ 200.000 dân.
Chính vì vậy, mục tiêu của thành phố Bắc Giang là tập trung cao để thu hút người dân đến với thành phố để nâng tỉ lệ dân số đô thị lên.
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ quan tâm tới việc mở rộng không gian đô thị, đồng nghĩa với việc mở rộng địa giới hành chính, qua đó đáp ứng được tiêu chí về đô thị loại I.
Đối với thành phố Bắc Giang, thời gian tới sẽ không tập trung vào việc phát triển công nghiệp mà tập trung phát triển thương mại dịch vụ và du lịch. Bởi lẽ, hiện nay công nghiệp sẽ đẩy xa ra các khu đô thị nên việc phát triển công nghiệp ở trong thành phố là rất hạn chế, chỉ có các cụm công nghiệp.
Với quyết tâm, hành động cụ thể, tin tưởng trong tương lai gần, thành phố Bắc Giang sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội và hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Việc thực hiện “sứ mệnh” nâng cấp đô thị không chỉ góp phần đưa thành phố Bắc Giang trở thành đô thị cửa ngõ, trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, mà còn tạo tiền đề cho những làn sóng đầu tư mới vào địa phương đang có nhiều chuyển biến tích cực về mọi mặt kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội…
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!