Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng: "Phát triển phải bền vững, khác biệt, tạo sinh kế cho người dân"

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng: "Phát triển phải bền vững, khác biệt, tạo sinh kế cho người dân"

Thứ Sáu, 20/01/2023 - 06:15

Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, là một trong 5 tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với diện tích tự nhiên 6.071,3km2, Bình Định trải dài suốt 110km theo hướng Bắc - Nam, với chiều dài bờ biển 134km, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế biển.

Bình Định có hệ thống giao thông cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các vùng, với đầy đủ các phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển. Cảng biển quốc tế Quy Nhơn là cảng biển lớn của Việt Nam, có ưu thế là vùng neo đậu kín gió, có thể tiếp nhận tàu hàng đến 70.000 tấn ra vào an toàn. Cảng hàng không Phù Cát có các đường bay kết nối với TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Cần Thơ… và đang chuẩn bị được nâng cấp, mở rộng thành sân bay quốc tế. Ga đường sắt Diêu Trì của Bình Định là một trong 10 ga lớn nhất của cả nước.

Để sẵn sàng đón các nhà đầu tư, Bình Định đang đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng diện tích 15.300ha và hạ tầng cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.940ha. TP. Quy Nhơn là cực tăng trưởng phía Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là trung tâm logistics, thương mại, vui chơi giải trí, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng và y tế chuyên sâu, đáp ứng mọi nhu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nói như PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TP. Quy Nhơn, Bình Định đã khiến ông phải sửng sốt bởi mảnh đất này đang ngày càng được quy hoạch quá đẹp, đẹp một cách duyên dáng, trở thành một đô thị mới, hiện đại và hoành tráng.

Nhân dịp năm mới Quý Mão, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã dành cho Reatimes những chia sẻ về các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong năm 2023.

Bình Định ngày càng phát triển mạnh mẽ về du lịch, dịch vụ. (Ảnh: Internet)

PV: Bình Định được đánh giá là một mảnh đất thú vị bởi những lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế như thiên nhiên đa dạng với biển đảo, núi đồi, cảng biển nước sâu… bên cạnh bề dày về lịch sử, văn hóa. Ở cương vị là người đứng đầu tỉnh, ông có thể chia sẻ về những trọng tâm mà Bình Định đang tập trung tối đa các nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội?

Ông Hồ Quốc Dũng: Trọng tâm phát triển của tỉnh Bình Định đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX vừa qua, đó là 5 trụ cột bao gồm: Công nghiệp, du lịch, dịch vụ logistics gắn với cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao (nông nghiệp hữu cơ) và phát triển kinh tế đô thị gắn với kinh tế biển.

Để thực hiện 5 trụ cột này, tỉnh đưa ra 3 khâu đột phá, trong đó quan trọng nhất là kết cấu hạ tầng. Thời gian qua, dù rất khó khăn nhưng Bình Định vẫn thắt lưng buộc bụng để tập trung cho đầu tư. Đến nay, những nỗ lực ấy đã có được thành quả rất tốt, được đánh giá rất cao về hạ tầng, sự kết nối giao thông, các tuyến đường đối ngoại… Những quy hoạch của tỉnh đều hướng tới mục tiêu bền vững, tạo sự khác biệt và tạo ra sinh kế cho người dân. Nếu phát triển mà đời sống người dân không được nâng lên, không tạo thêm sinh kế cho người dân thì không được. Vì thế, trong những dự án, chính sách đầu tư, tỉnh đều đặt tiêu chí lâu dài, thân thiện với môi trường, tìm hướng khác biệt hơn, chuyên sâu hơn so với các nơi khác. Chẳng hạn, tỉnh chọn đầu tư vào khoa học với các doanh nghiệp như FPT, TMA Solutions, AL…

PV: Để thu hút đầu tư từ các công ty, tập đoàn "chất lượng", có đủ tiềm lực về kinh tế và danh tiếng, Bình Định cũng như nhiều tỉnh thành khác cần có sức hấp dẫn về tính cạnh tranh của mình. Xin ông cho biết, trong những năm gần đây, Bình Định đã có những chính sách, ưu đãi gì để trở thành "đất lành" cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước?

Ông Hồ Quốc Dũng: Mục tiêu của tỉnh là thu hút các nhà đầu tư tạo ra những khác biệt, tinh túy chứ không phải thu hút kiểu đại trà. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức vì nhìn chung, ở miền Trung, các tỉnh khá tương đồng nhau, tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển… Như vậy, Bình Định cần phải làm gì để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư?

TP. Quy Nhơn được quy hoạch tốt với nhiều mảng xanh và không gian công cộng. (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Thứ nhất, đó là cần có một hạ tầng giao thông chỉn chu, quỹ đất sạch với đầy đủ điện, nước, internet. Thứ hai, giá thuê đất phải hấp dẫn hơn các nơi khác và thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Thứ ba, chính sách phải thông thoáng, tạo điều kiện tối đa và có sự hướng dẫn nhiệt tình cho các nhà đầu tư hoàn tất nhanh chóng thủ tục theo đúng chính sách và quy định của Nhà nước. Những điều này có ý nghĩa rất lớn, giúp nhà đầu tư an tâm, tin tưởng.

Thứ tư, phải đảm bảo và chủ động nguồn nhân lực. Khi nhà đầu tư đến thì mình đã có sẵn công nhân, kỹ sư, nhân viên văn phòng để họ lựa chọn. Nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, họ có nhu cầu và yêu cầu cao từ nhân sự. Muốn vậy, các cơ sở đào tạo nhân lực cũng phải có sự vươn lên, nâng cao bản thân để cho ra những lớp công nhân, kỹ sư giỏi nghề. Hiện tại, dân số Bình Định có khoảng 1,5 triệu người, trong đó hơn 60% trong độ tuổi lao động, sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu tuyển dụng của nhà đầu tư.

Ngoài ra, chúng tôi còn đang cố gắng xây dựng những tiện ích sinh hoạt tốt, tạo môi trường sống chất lượng cho các nhà đầu tư từ nơi khác đến. Trong đó, sắp tới sẽ xây trường quốc tế, xây dựng khu nhà ở cho nhà đầu tư nước ngoài để họ có thể đưa gia đình, con cái đến đây sinh sống lâu dài. Phải tạo điều kiện sinh sống để nhà đầu tư tới và coi Bình Định như là nhà. Tất cả những điều này gộp lại tạo nên lợi thế cạnh tranh của tỉnh so với những nơi khác.

PV: Bình Định đã có những định hướng gì trong quy hoạch các khu đô thị ven biển một cách hiệu quả, bền vững để người dân là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất?

Ông Hồ Quốc Dũng: Đối với các quy hoạch để phát triển, tỉnh Bình Định sẽ đẩy nhanh tỷ lệ đô thị hóa trong thời gian tới, theo mức cao hơn bình quân cả nước. Trên cơ sở lợi thế các tuyến đường ven biển, sẽ khai thác các tuyến đô thị ven biển. Các khu đô thị này phải được xây dựng là khu đô thị kiểu mới, đô thị thông minh, thân thiện với môi trường. Đồng thời, các yêu cầu về thẩm mỹ, tính hiện đại cũng ở những tiêu chuẩn cao hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi quan tâm đến sự ổn định đời sống của những cư dân lâu năm tại địa phương. Phát triển nhưng là cùng với người dân phát triển, chứ không phải phát triển bằng cách đẩy người dân lùi lại phía sau, như vậy sẽ không đúng, cũng không lâu dài, không bền vững.

Quan điểm của tỉnh là không hình thành những đô thị nén, không dồn dân vào ở một nơi chật hẹp, kể cả tại TP. Quy Nhơn. Giải pháp là hình thành những đô thị vệ tinh xung quanh Quy Nhơn, các trục đô thị ven biển, mở rộng không gian đô thị. Hơn nữa, trong thời đại công nghệ số, ở đâu thì vẫn có thể làm việc được, không nhất thiết phải sống ở một đô thị đông như Quy Nhơn. Tập trung đông đúc sẽ gây tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường.

Chúng ta hiện còn quỹ đất rất rộng để mở rộng không gian sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tỉnh cũng hết sức cân nhắc, các bước phải rất chặt chẽ, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc độc đáo, nhất là phải thuê các đơn vị về thiết kế giỏi để hình thành quy hoạch khu đô thị mới.

PV: Giá đất ở Bình Định hiện đang ở mức cao và có chiều hướng tăng dần đều. Đây có phải là một thành công trong công tác quy hoạch và đầu tư mạnh tay về cơ sở hạ tầng, đường sá của tỉnh không, thưa ông?

Ông Hồ Quốc Dũng: Bình Định là tỉnh mới phát triển, còn nghèo. Với sự phát triển cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh như thời gian qua, cùng với việc tỉnh thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn về đây thì có đẩy giá đất lên. Nhưng thực tế, giá đất ở Bình Định không phải hiện tượng bong bóng trong bất động sản, chỉ là tăng lên do sự phát triển của tỉnh thông qua việc đầu tư kết cấu hạ tầng cũng như một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào đây.

Quan điểm của tỉnh là bình ổn giá nhà đất ở mức hợp lý. Một mặt tăng nguồn thu từ đất, mặt khác cũng phải bình ổn để mọi người dân có thể tiếp cận được với nguồn cung của tỉnh. Tỉnh rất quan tâm tới việc giải quyết nhà ở cho các đối tượng khó khăn, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp. Bình Định là một trong những tỉnh ở miền Trung có quỹ nhà ở xã hội rất tốt. Hiện nay đã có trên 5.000 căn nhà ở xã hội. Định hướng đến năm 2025, Bình Định sẽ phát triển khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội.

Trong các dự án chọn nhà đầu tư đấu thầu, đấu giá về bất động sản, tới đây tỉnh hạn chế thấp nhất việc phân lô bán nền để tránh tình trạng đầu cơ. Việc mua bán phải là người thật, có nhu cầu mua đất ở thật. Còn việc mua đầu cơ rồi đẩy giá lên làm nhiễu loạn thị trường bất động sản sẽ gây ra nhiều hệ lụy nên tỉnh không khuyến khích việc này.

Cảng biển nước sâu, một lợi thế của Quy Nhơn trong việc thu hút các nhà đầu tư. Tại đây, hàng hóa đến và đi thuận tiện qua hệ thống logistics toàn cầu. (Ảnh: Dũng Nhân)

PV: Bên cạnh các lợi thế, Bình Định đang đối diện với những khó khăn, vướng mắc nào cần khắc phục để tạo sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững hơn nữa trong tương lai?

Ông Hồ Quốc Dũng: Bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lý, thiên nhiên, con người…, Bình Định cũng còn nhiều khó khăn. Thứ nhất là nằm ở khu vực miền Trung nên thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, lũ lụt. Nhiều thành quả kinh tế dễ dàng bị tàn phá chỉ sau một trận bão lớn.

Thứ hai, nằm ở vị trí xa hai đầu đất nước, việc phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định khó khăn với quy mô thị trường nhỏ. Muốn tiêu thụ sản phẩm phải vận chuyển đến các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Thứ ba, dù rất cố gắng và nỗ lực nhưng hạ tầng giao thông vẫn là một điều khó khăn đối với tỉnh. Cảng biển, sân bay hiện nay cũng đã xuống cấp, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, trở thành lực cản cho sự phát triển. Trong khi đó, nguồn lực lại hạn chế.

Để khắc phục những khó khăn trên thì phải tập trung sắp xếp các nguồn lực, xây dựng các dự án, công trình hạ tầng ở những vùng trọng điểm, tạo sự lan tỏa. Bên cạnh đó, phải cải thiện môi trường đầu tư với chính sách thông thoáng, rõ ràng, minh bạch. Đội ngũ thực hiện công tác xúc tiến đầu tư phải nhiệt tình, tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top