Aa

BIDV lại kẹt hàng trăm tỷ tại công ty thép?

Thứ Tư, 01/08/2018 - 21:01

Ngân hàng BIDV cùng một số ngân hàng khác đang "chết vốn" tại Công ty CP Hữu Liên Á Châu. Trong khi công ty này đã lỗ lũy kế gấp nhiều lần các khoản vay ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc, khối nợ xấu kếch xù của BIDV đang dần "nổi".

Công ty Cổ phần ống Thép Hữu Liên Á Châu là một trong những doanh nghiệp ấn tượng khi hoạt động 40 năm trên thị trường thép Việt Nam. Ông Trần Xảo Cơ hiện đang là Chủ tịch HĐQT công ty. Đến cuối quý I/2018, lỗ lũy kế của công ty đã lên tới hơn 1.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu bị âm 1.311 tỷ đồng và nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 1.531 tỷ đồng. 

Theo tìm hiểu, tại thời điểm 31/3, công ty còn khoản vay và nợ thuê tài chính lên tới 693 tỷ đồng tại Malayan Banking Berhad, NCB, Sacombank, BIDV, First Commercial Bank và một cá nhân nữa. Trong đó, bên cạnh khoản nợ quá hạn 192 tỷ đồng tại NCB, công ty còn có 2 khoản nợ lên đến hơn 258 tỷ đồng tại Sacombank, 166 tỷ đồng tại BIDV.

Khối nợ xấu của BIDV đang dần

Khối nợ xấu của BIDV đang dần "nổi". Ảnh minh hoạ

Khoản nợ tại BIDV là từ năm 5/2013 theo hợp đồng tín dụng với tổng hạn mức 260 tỷ đồng, thời hạn vay theo từng giấy nhận nợ nhưng tối đa không quá 5 tháng, lãi suất tại 31/3/2018 là 15 - 17,5%/năm. Khoản vay này được đảm bảo bằng tài sản cố định với nguyên giá là 91 tỷ đồng, cổ phiếu, tài sản cố định thuộc sở hữu của bên thứ ba. Các khoản nợ này được BIDV gia hạn 84 tháng kể từ này 1/10/2014.

Câu hỏi đặt ra là, BIDV sẽ xử lý khoản nợ tại doanh nghiệp thép này theo phương án nào khi Thép Hữu Liên Á Châu còn nợ nhiều ngân hàng khác. Đơn cử như khoản vay 255 tỷ đồng tại Sacombank là khoản vay theo hợp đồng tín dụng năm 2013, lãi suất vay tại ngày 31/3/2018: vay bằng VND là 10,5%/năm, vay bằng USD là 4%/năm. Khoản vay được bảo đảm 8 quyền sử dụng đất và quyền sở hữu công trình trên đất tại TP.HCM. Khoản nợ này đã quá hạn.

Chưa kể, mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng thông báo về việc thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu và người liên quan là ông Trần Xảo Cơ và bà Lưu Lang Phương.

NCB cho biết, ngày 13/7 tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất gắn tại huyện Bình Chánh và quận Bình Tân TP.HCM - hiện đang là cơ sở sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu. NCB cấp khoản vay cho Hữu Liên Á Châu từ năm 2011. Tính đến 9/5/2018, công ty này còn nợ NCB tổng số tiền trên 358 tỷ đồng, bao gồm hơn 192 tỷ đồng nợ gốc và hơn 166 tỷ đồng nợ lãi.

Hữu Liên Á Châu đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ cho ngân hàng theo đúng thỏa thuận tại các hợp đồng hạn mức cấp tín dụng hồi 2011 và 2012 ký kết giữa Ngân hàng TMCP Nam Việt (nay là ngân hàng TMCP Quốc Dân) với Công ty CP Hữu Liên Á Châu dù NCB nhiều lần yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ.

Ngân hàng đã nhiều lần đề nghị công ty thanh toán nợ vay nhưng không thực hiện, cũng như chấp thuận cho bên bảo đảm có thêm thời gian và gia hạn để tự xử lý tài sản thế chấp thanh toán nợ vay nhưng phía Hữu Liên Á Châu cố tình chây ỳ, kéo dài thời gian, không có thiện chí xử lý tài sản.

"Trong trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo, thì NCB sẽ tiến hành lập biên bản thu giữ tài sản bảo đảm với sự tham gia, chứng kiến của Chính quyền địa phương. Nếu bên bảo đảm không giao tài sản hoặc có hành vi cản trở việc thu giữ hợp pháp tài sản bảo đảm mà gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bị xử lý theo hành vi vi phạm pháp luật", NCB cho biết.

Như vậy, BIDV và hàng loạt ngân hàng khác có thể sẽ cùng phải xử lý nợ tại công ty thép này bằng việc tịch thu tài sản. Tuy nhiên, dễ nhận thấy, chất lượng tín dụng của BIDV đặc biệt có vấn đề các con nợ đang có kết quả kinh doanh bết bát như HAG, Công ty Chăn nuôi Bình Hà, THI, KSS, thép Hữu Liên Á Châu. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top