Aa

BIDV đã “đòi” được nghìn tỷ đồng tại Khoáng sản Na Rì Hamico?

Thứ Ba, 10/07/2018 - 06:01

BIDV ngày càng tỏ ra là ngân hàng "lộ nhiều vấn đề" trong việc kiểm duyệt hồ sơ tín dụng, xác định năng lực của đối tượng vay vốn. Tất nhiên cũng phải nhấn mạnh rằng BIDV thời điểm này còn có một độ... trễ dài để thoát khỏi "căn bệnh nan y" mà ông Trần Bắc Hà để lại.

Ngoài những khoản cho vay vào các dự án đã được đề cập ở những bài viết trước, khoản nợ của BIDV tại Tổng Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng công ty này lại có nguy cơ phá sản. Đồng nghĩa với việc, chất lượng tín dụng của khoản vay trên phụ thuộc vào phương án xử lý nợ của BIDV, tuy nhiên, cũng còn tùy vào năng lực của “con nợ”.

Tổng Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico tiền thân là doanh nghiệp tư nhân Sơn Trang, sau đó được đổi tên thành Tổng Công ty Cổ phần xây dựng Sơn Trang vào năm 2004, sau đó chính thức đổi tên thành Tổng Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico năm 2009. Đầu năm 2010, doanh nghiệp này chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (mã KSS).

Trước đây, tỉnh Bắc Kạn đã chọn KSS để cấp phép thăm dò Mỏ vàng Pác Lạng theo Thông báo số 95/TB-UBND ngày 06/8/2014. Sau đó, KSS bị nghi ngờ không hoàn thành nghĩa vụ thuế; năng lực tài chính kém.

Tiếp đó, ngày 9/6/2015, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Dĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty về tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức". Trước đó, 2 cán bộ của công ty này cũng bị bắt cùng tội danh.

Các khoản vay ngân hàng của KSS đến ngày 31/12/2015 (theo BCTC của KSS)

Các khoản vay ngân hàng của KSS đến ngày 31/12/2015 (theo BCTC của KSS)            

Tính đến cuối năm 2015, Khoáng sản Na Rì Hamico vay nợ riêng từ BIDV đã gần 1.000 tỷ đồng. Được biết khoản vay ngắn hạn từ BIDV được sử dụng để chi trả tiền mua nguyên vật liệu, chi trả tiển lương, thiết bị, nhiên liệu và các hoạt động sản xuất khác… Lãi suất thả nổi theo từng thời điểm hợp đồng vay và dao động từ 10 - 15%.

Khoản vay dài hạn trị giá 436 tỷ đồng của BIDV - chi nhánh Bắc Kạn, theo hợp đồng tín dụng đầu tư ký ngày 2/10/2009, có thời hạn 7 năm với lãi suất 13%/năm và thay đổi 6 tháng/lần. Theo báo cáo của công ty, khoản vay này có tài sản đảm bảo.

Thông tin lãnh đạo Khoáng sản Na Rì Hamico bị khởi tố để thực hiện điều tra khiến giá cổ phiếu KSS liên tục giảm và các cổ đông của công ty này không khỏi lo lắng. Nỗi lo này có lẽ không chỉ của riêng các cổ đông mà còn của chủ nợ đang cho công ty này vay mượn với tổng trị giá khoản vay hơn nghìn tỷ đồng.

Soát lại BCTC của năm 2016 và đầu năm 2017 của KSS thấy thông tin rất sơ sài, không hề thể hiện những khoản vay trên bản thuyết minh.

Báo cáo tài chính cuối cùng KSS công bố là quý I/2017 của công ty mẹ và báo cáo này cũng không thể hiện rõ các khoản vay.

Tháng 6 năm ngoái, HNX đã ban hành Bộ nguyên tắc lập danh sách Cảnh báo nhà đầu tư trên Hệ thống giao dịch UPCoM để thay thế cho Quyết định số 280/QĐ-SGDHN ban hành trước đó. Thời gian sau đó, KSS cũng bị hủy niêm yết.

Sau khi bị hủy niêm yết, thông tin về tài chính của KSS gần như không được công bố. Cũng theo đó, khoản nợ tại BIDV của doanh nghiệp này cùng với hàng loạt ngân hàng khác chưa biết đã trả được bao nhiêu? Tuy nhiên, khi lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt, tiềm lực về tài chính không có thì có thể dự đoán rằng, khả năng trả nợ của KSS gần như là không còn. 

Quý I/2018, lợi nhuận sau thuế của BIDV chỉ tăng 8,5% và chi phí dự phòng đã ăn mòn phần lớn 70% lợi nhuận trước trích lập. Lợi nhuận trước trích lập dự phòng của BIDV do đó tăng 84% cùng kỳ lên gần 8.500 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 2.485 tỷ đồng, chỉ cao hơn 5,8% cùng kỳ năm trước và thấp hơn số dự báo ban đầu tại đại hội cổ đông trước đó của BIDV khoảng hơn 200 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí trích lập dự phòng cùng chi phí thuế, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ BIDV đạt 1.978 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo tài chính vừa công bố của BIDV là chỉ trong quý I, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao gấp 2,56 lần cùng kỳ, đạt 6.013 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động lại giảm khoảng 14,7%, còn xấp xỉ 2.780 tỷ đồng. Phần giảm này là cắt bớt chi phí lương và phụ cấp nhân viên.

Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của BIDV đạt 1.226 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu giữ ở mức 1,62%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top