Aa

Đại gia Hà Nội “hô biến” bệnh viện TP.HCM thành chung cư hạng sang

Thứ Hai, 25/07/2022 - 05:43

Bệnh viện Phúc An Khang tại số 800 Đồng Văn Cống, phường Thạnh Mỹ Lợi, Thành phố Thủ Đức, TP.HCM được Rever quảng cáo sẽ là dự án hạng sang Swiss Belresidences Upper East Saigon, do Hasco Group làm chủ đầu tư.

Cụ thể, theo công ty môi giới này, Swiss Belresidences Upper East Saigon là dự án căn hộ hàng hiệu đầu tiên tại thành phố Thủ Đức do tập đoàn Hasco Group làm chủ đầu tư. Vị trí dự án Swiss Belresidences Upper East Saigon toạ lạc tại số 800 Đồng Văn Cống, phường Thạnh Mỹ Lợi, Thành phố Thủ Đức. Dự án Swiss Belresidences Upper East Saigon có quy mô 14,400 m2, quy hoạch với 5 Block cao 20 tầng. Đơn vị quản lý và vận hành dự án là Swiss-Belhotel International (Thuỵ Sỹ) và nhà thầu thi công chính là Coteccons.

Phối cảnh dự án hạng sang Swiss Belresidences Upper East Saigon xin chuyển đổi từ bệnh viện Phúc An Khang

Cũng theo Rever, dự án Swiss-Belresidences Upper East Saigon mang âm hưởng của phố thượng lưu Upper East Side kề bên công viên Central Park tại phía Đông quận Manhattan (New York), dự án căn hộ hàng hiệu Swiss Belresidences Upper East Saigon thiết lập định nghĩa mới về chuẩn sống thời thượng của tương lai, nơi sức khỏe thân - tâm - trí được nuôi dưỡng bền vững và nâng niu bởi thương hiệu "bất động sản hàng hiệu" danh giá bậc nhất. Dự án sở hữu tầm nhìn kỳ vọng nâng tầm phân khúc hạng sang tại thị trường thành phố Thủ Đức cũng như khu Đông Sài Gòn...

Được biết dự án này ban đầu là chung cư. Trước đây, chủ đầu tư cũ đã xin chuyển đổi thành bệnh viện quốc tế quy mô 500 giường Phúc An Khang. Bệnh viện này đã dừng hoạt động từ năm 2017, nay lại xin chuyển ngược lại thành chung cư hạng sang.

Theo thông tin sơ bộ, Swiss Belresidences Upper East Saigon được định hình ở phân khúc bất động sản hàng hiệu, sẽ cung ứng ra thị trường 1.450 căn hộ. Dự án được quảng bá do Swiss Belhotel Internation, thương hiệu quản lý khách sạn nổi tiếng của Thuỵ Sĩ, vận hành.

Theo các chuyên gia, việc xin chuyển từ chung cư thành bệnh viện Phúc An Khang trước đây được giải quyết theo Thông tư 02/2013 của Bộ Xây dựng (có hiệu lực từ ngày 22/4/2013 và hết hiệu lực ngày 31/12/2015) về hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ. Đây là thời điểm thị trường khó khăn và Thông tư này mang tính “chữa cháy”, chỉ áp dụng trong thời gian ngắn. Còn hiện tại, việc xin chuyển đổi từ bệnh viện thành căn hộ hạng sang sẽ “vướng” nhiều thủ tục pháp lý. Đây có thể là lý do đến nay dự án vẫn chưa được chủ mới chào bán chính thức.

Không dễ biến bệnh viện thành nhà ở

Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, dự án đã xây dựng hoàn thành nên đây là việc chuyển đổi công năng sử dụng công trình. Việc chuyển bệnh viện sang nhà ở thì phải thay đổi quy hoạch, thay đổi chủ trương, sau đó chuyển đất y tế sang đất ở.

Theo thủ tục thì chấp thuận chủ trương phải phù hợp quy hoạch (trừ các dự án ngắn hạn tận dụng trước khi làm quy hoạch), trên cơ sở chủ trương mới làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

Cũng theo Luật sư Phượng, theo quy trình phải thay đổi quy hoạch trước sau đó điều chỉnh chủ trương. Trước đây, TP.HCM đã có dự án Khu y tế kỹ thuật cao chuyển một phần đất y tế thành đất ở. Dự án này không điều chỉnh chủ trương ban đầu mà ra chủ trương mới cho Hoa Lâm Shangri La, nên 1 thửa đất tồn tại 2 chủ trương khác nhau.

Bên cạnh đó, đây là việc chuyển đổi công năng công trình (không phải dự án xây mới) nên giá đất cụ thể xác định do UBND TP.HCM quyết định sau tư vấn của hội đồng thẩm định giá đất thành phố. Tiền đất phải nộp = Giá đất ở - Giá đất y tế.

Trong khi đó, theo lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản, việc xin chuyển đổi không được quy định trong Luật Nhà ở và có thể là “lách luật” theo các điều khoản xin điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, ở tình hình hiện tại, tất cả các dự án nếu không phù hợp Luật Nhà ở thì gần như chắc chắn sẽ không có cơ sở để phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Vị này cũng cho rằng, vướng mắc ở đây là phải có đất ở hợp pháp mới có cơ sở xem xét. Mà để có đất ở thì phải phê duyệt dự án, điều chỉnh quy hoạch, giao đất, tính tiền sử dụng đất... Nhìn chung, chuyển “lượt đi” từ căn hộ sang bệnh viện thì chỉ khó khăn về sự phù hợp kỹ thuật xây dựng thôi. Chuyển “lượt về” từ bệnh viện sang nhà ở thì “vướng” đủ đường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top