Tiếp tục cập nhật...
Tọa đàm "Không gian sống dưới góc nhìn văn hóa"
17h20': Tọa đàm kết thúc.
17h15': Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng phát biểu thay lời kết
Có lẽ chúng ta nên chốt lại, đây là một đầu đề rất rộng, bởi vì chúng ta lúc nào cũng muốn sống tốt và không ngừng cố gắng để nó tốt hơn, nhưng là trong điều kiện cho phép. Có 2 ý kiến ở đây, đó là nơi bạn sống đã hài lòng chưa, nơi ấy bạn có luôn muốn trở về hay không?
Trước đây, vào ngày đô thị, tôi có 1 tham luận viết về đô thị hạnh phúc, đó là nơi cư dân cảm thấy đáng sống và muốn sống. Xã hội có người giàu người nghèo nhưng họ đều có thể sống hạnh phúc theo quan điểm và kinh tế của họ.
Cuộc thi "Nơi Tôi Sống" có nhiều gợi mở để chúng ta sống, dù gì hãy viết bằng cảm xúc của mình. Chúng ta không kể khổ và cũng không tô hồng. Có thể nhà ta còn nghèo, không được như đô thị nhưng đó là nơi ta muốn sống.
17h05': Nhà báo Trần Đăng Tuấn đặt câu hỏi về câu chuyện văn hóa, không gian sống
Tôi chứng kiến con đường nơi chúng ta đi qua từng là cánh đồng mênh mông nhưng giờ đầy ắp nhà cửa, tất cả những biến đổi đó có xấu, tốt gì? Hay là sự đô thị hoá là điều tất yếu? Chúng ta nỉ non văn hoá làng, buồn về văn hoá làng mất đi nhưng rồi chúng ta chấp nhận.
Tôi đi nhiều nơi, có lúc suy nghĩ ai lên Tây Bắc cũng bảo đẹp, có lần tôi đưa những đứa trẻ Tây Bắc cùng bố mẹ chúng về Hà Nội, họ say mê và choáng ngợp nhưng tôi tự hỏi rằng, khi họ lên toà chung cư ở thì thế nào. Đối với người thành phố, núi non Tây Bắc cho chúng ta những cảm xúc thích thú, lãng mạn của người du khách nhưng khi ở lại thì thế nào? Vấn đề nơi ở không đơn giản là cảnh đẹp, nhà tốt mà toàn bộ môi trường xung quanh. Nhà có thể không đẹp lắm nhưng nếu có bãi cỏ để cộng đồng sinh hoạt, thi thoảng gặp gỡ nhau thì tốt hơn.
17h00': Nhà văn Trần Thanh Cảnh tiếp tục chia sẻ về văn hóa làng
Nói tới người Việt thì phải nói về văn hoá làng. Tuy nhiên, làng xã đang bị xóa nhòa đi trong cuộc sống hiện đại, bây giờ không còn không gian văn hóa làng xã như ngày xưa nữa. Tôi viết văn vì tiếc văn hoá làng đang tan đi trong cuộc sống hiện đại. Tôi cố gắng lưu giữ văn hóa làng bằng ngôn ngữ trong các tác phẩm của mình.
16h50': Họa sỹ Thành Chương chia sẻ về văn hóa làng
Cốt lõi văn hoá Việt Nam là văn hoá làng, dân gian gắn liền với sự hồn nhiên, giản dị, đơn sơ, mộc mạc, trong lành. Nhưng cuộc sống tiến bộ như bây giờ thì không thể cứ giữ nếp sống làng mãi được.
Câu hỏi đặt ra là: "Làm sao tân tiến, hiện đại nhưng phải giữ gìn bản sắc dân tộc, làm sao để đầy đủ tiện nghi nhưng không mất đi nếp sống truyền thống bao đời nay. Đó là bài toán của nhà quản lý, hoạch định, kiến trúc sư. Bài toán cấp thiết nhưng khó giải quyết. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta từ bỏ, thay vào đó cần phải tìm cách giải quyết cẩn trọng hơn. Nhân đây, tôi cũng xin cảm ơn BTC đã có ý tưởng ý nghĩa khi đề cập đến một vấn đề khó như vậy. Tôi nghĩ cuộc thi này sẽ mở ra chân trời mới, bởi ai cũng có thể tham gia, kể về nơi chúng ta sống, từ một căn chung cư nhỏ đến biệt thự hiện đại.
16h40': Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Chia sẻ quan điểm về Tọa đàm "Không gian sống dưới góc nhìn văn hóa", ông Đỗ Viết Chiến cho rằng, đây là một trong những chủ đề toạ đàm hay, Cuộc thi "Nơi Tôi Sống" cũng có mục tiêu hấp dẫn và rõ ràng, không chỉ nhà hoạch định chính sách, quản lý mà ngay cả cư dân cũng có thể bộc lộ suy nghĩ của mình về nơi họ sống.
"Đô thị hóa Việt Nam hiện đang diễn ra vô cùng nhanh chóng. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam hiện nay là 37,5%, tức là mỗi năm có thêm khoảng trên dưới 1% tương đương 1 triệu dân chuyển đến sống ở đô thị. Điều này kéo theo vấn đề mâu thuẫn là văn minh đô thị. Chính vì vậy, việc bảo vệ bản sắc văn hóa, truyền thống của mình ra sao là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thực hiện quá trình đô thị hoá nhưng không được đánh mất văn hoá truyền thống ở nơi đó. Đặc biệt, ở các khu đô thị mới, quan hệ con người với con người là cái đáng báo động, thậm chí hàng ngày đi làm gặp nhau nhưng không ai biết ai, khác xa mối quan hệ trong các làng quê. Chưa kể, ở các khu đô thị mới thì không gian cộng đồng là rất hiếm hoi. Điều này đồng nghĩa với việc mọi người thiếu chỗ gặp gỡ chia sẻ cuộc sống, tâm tư tình cảm.
Tôi thấy rằng Cuộc thi "Nơi Tôi Sống" hết sức hấp dẫn, khi được mời tham dự tôi lập tức có mặt và chắc chắn sẽ đồng hành cho đến khi kết thúc. Hy vọng những ý kiến được tập hợp từ Cuộc thi sẽ mở ra hướng khác hơn cho những ý tưởng hoạch định và quy hoạch đô thị sau này", ông Đỗ Viết Chiến phát biểu.
16h30': Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Chia sẻ về ý nghĩa Cuộc thi "Nơi Tôi Sống", ông Nguyễn Mạnh Hà nhận định, đây là cuộc thi hay, ý tưởng gần gũi.
"Đã đến lúc chúng ta phải lên tiếng quan tâm đến việc làm sao có được những nơi sống văn minh và hiện đại. Chung cư cũng vậy, tôi trăn trở rất nhiều về vấn đề này. Cuộc sống chung cư ở Việt Nam là xu thế tất yếu, nhưng làm thế nào để chung cư trở nên văn hoá, có môi trường sống lý tưởng cho cư dân lại là một vấn đề vô cùng lớn. Năm 1998, nhà chung cư đầu tiên ở Hà Nội được xây dựng, đến nay thì đã có hàng trăm nghìn chung cư với các loại mô hình thay đổi liên tục, nhưng làm thế nào để đảm bảo chất lượng chung cư thì vẫn là câu hỏi khó đến tận bây giờ", ông Nguyễn Mạnh Hà nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cũng nói thêm: "Tôi cho rằng, BTC phát động cuộc thi là một sáng kiến rất hay. Đây là cơ hội để mọi người tự nhận thức rằng mình phải có trách nhiệm thì khu chung cư mới chất lượng, ai cũng phải có tâm, từ chủ đầu tư đến cư dân. Nơi tôi sống, cuộc thi nghe rất giản dị nhưng cũng rất khó. Có rất nhiều tiêu chí để chấm giải nhưng tiêu chuẩn chấm chung cư, chấm văn hóa là cả một vấn đề nên tôi rất mong mỏi chờ đón các tác phẩm tham dự cuộc thi này".
16h25': TS. Hồ Bất Khuất chia sẻ về ý nghĩa Cuộc thi "Nơi Tôi Sống" với câu chuyện đời sống của cư dân
Tôi thấy năm nào cả nước cũng có hàng chục cuộc thi ở đủ các thể loại. Có cuộc thi chỉ có vài chục người đến tham dự, và cuộc thi đến lúc chấm thì không có tác phẩm. Còn với cuộc thi này, ngay từ khi phát động đã có rất nhiều người đến dự thì chắc chắn sẽ có được kết quả tốt. Tôi rất ấn tượng với cuộc thi này vì chủ đề hấp dẫn, hiện đại.
Tôi thích chủ đề “Nơi tôi sống”, về mặt ngôn ngữ, đây là ba chữ thuần Việt sang trọng và đầy sức lan tỏa. Nhà thơ Chế Lan Viên đã khái quát hóa tình yêu với ngôi nhà qua câu thơ nổi tiếng: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn". Nơi tôi sống bây giờ là nơi từ nơi hoang vu được xây thành ngôi nhà, con người đến ở, thổi hồn, đưa sự nồng ấm vào đó. Chủ đề hay, vấn đề hiện đại nên tôi hy vọng cuộc thi sẽ thành công.
16h15': Bắt đầu Tọa đàm, nêu quan điểm về câu chuyện không gian và văn hóa sống, Thượng tọa Thích Tâm Hiệp chia sẻ:
Có thể là tôi sống trong mấy mét vuông, đô thị hay đồng quê, nhưng dù sống ở đâu thì đó cũng vẫn là trong dòng chảy văn hóa Việt nên mỗi người dân đều phải có trách nhiệm bồi đắp để nguồn chảy văn hóa ấy chảy mãi.
Chuyện nói về không gian sống thì chúng ta sẽ còn nói mãi và nói nhiều nhưng những năm gần đây, câu chuyện về thiếu không gian sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng ngày càng đáng báo động. Các bạn nhỏ ở nhà bị giam trong 4 bức tường, đến trường lại tiếp tục như vậy nên ít nhiều bị ảnh hưởng.
Câu chuyện văn hóa tâm linh gắn liền với không gian sống đô thị cũng là một điều đáng lưu ý. Thành phẩm của đạo lý Việt là giáo dục gia đình trong ngôi nhà, trước bàn thờ tổ tiên.
Năm ngoài tôi nhận được giải thưởng toàn quốc là do tình cờ, vì tôi không phải nhà văn nên tôi viết rất bình thường. Hồi nhỏ mỗi khi cha thắp một cây hương, trong không gian ngôi nhà tôi ở thì đó là thắp lên niềm thương kính với nguồn cội. Cha mẹ giáo dục con trẻ thì con nhìn thấy sự kính cẩn của cha mẹ, dù phải đón con, đi làm tất bật nhưng vẫn dành thời gian nghiêm trang trước bàn thờ. Tôi hiểu đó là ý thức về nguồn cội. Tôi tự hào về ông cha mình.
Tôi thắp hương cho cụ, nghĩa là tôi biết rằng, không có cụ không có tôi hôm nay, trong tôi, những kỳ vọng mà tổ tiên để lại, tôi sẽ sống xứng đáng mà không đi ngược với sự kỳ vọng. Đó là điều không thể thiếu trong không gian sống của người Việt.
Bản sắc là ly hương không ly tổ, tổ là cách gọi khác của nguồn cội. Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến cho các vị về góc nhìn tâm linh, văn hóa.
16h10': Nhà thơ Nguyễn Thành Phong chủ trì Tọa đàm "Không gian sống dưới góc nhìn văn hóa".
Cùng tham dự Tọa đàm có Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Nhiếp ảnh gia Trọng Chính, Nhà báo Trần Đăng Tuấn, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Họa sỹ Thành Chương, Thượng tọa Thích Tâm Hiệp, TS. Hồ Bất Khuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến,...
Nêu vấn đề cho cuộc Tọa đàm, Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, cho rằng: "Chúng ta đang trên hành trình hoàn thiện cuộc sống từ chính chúng ta. Hành trình này bắt đầu từ đi tìm nơi ở nơi sống. Nơi ở đấy có thể là nhà riêng, cũng có thể là chung cư. Tuy nhiên, do điều kiện đất đai hạn hẹp thì chung cư có thể là một lựa chọn tốt của nhiều người. Chung cư đầu tiên là ở, sống nhưng chúng ta không thể cứ bằng lòng với nhữg gì đan có mà phải cùng nhau giúp những khu chung cư đấy trở nên đáng sống hơn, đáng sống nhất… Để làm được điều này thì cần những bộ quy chế, tiêu chí liên tục được sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Tôi hy vọng những ý kiến từ tọa đàm và cuộc thi này sẽ là gợi ý cho nhà nước hoàn chỉnh các quy định liên quan, ít nhất là bộ tiêu chí cho nơi tôi sống, đáng sống".
15h55': Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ về ý nghĩa Cuộc thi
Cuộc thi "Nơi Tôi Sống" thực sự là cần thiết và có thể kéo dài mãi, kể cả đến khi BTC không còn trên đời. Bởi lẽ còn con người thì họ còn kiếm tìm nơi ở và không ngừng thay đổi theo hướng tích cực hơn mà để đạt được điều đó thì họ phải đặt ra câu hỏi và trả lời câu hỏi rằng họ đang hành xử như thế nào với nơi họ đang sống. Cá nhân tôi cho rằng, trong cách hành xử của chúng ta với nơi chúng ta đang sống có rất nhiều điều đáng báo động.
Ban đầu, khi mới nhìn thấy chung cư, tôi không thích loại hình nhà ở này cho lắm vì tôi thấy nó là những khối bê tông lạnh lẽo, cách biệt với thế giới. Trong khi đấy, cuộc sống con người Việt Nam ta là sự kết hợp giữa con người và thiên nhiên. Nhưng cho đến bây giờ, khi tiến trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, khi loại hình nhà ở chung cư là tất yếu thì tôi cho rằng con người sẽ phải thay đổi để cùng xây dựng đời sống văn minh và ý nghĩa hơn. Cho dù người dân ở nông thôn hay thành thị thì điều kiện sống phải văn minh hơn là điều ai cũng mong muốn. Để làm được điều đấy thì các kiến trúc sư, chủ đầu tư cần phải thay đổi để biến nơi tưởng như toàn bê tông hoá thành thế giới khác đi, ở đó có thiên nhiên, có văn hóa, sự nhân văn, tình cảm con người,…
Thực tế cũng cho thấy đã có rất nhiều khu đô thị làm được điều đó, họ mang đến điều kiện sống tốt, và điều quan trọng ở đó họ vẫn giữ được văn hóa Việt. Cuộc thi này, lần đầu tiên Việt Nam có cuộc thi này, tôi với tư cách là ban giám khảo, tôi rất hứng thú muốn nghe những người tham gia chia sẻ những băn khoăn về cuộc sống, về văn hóa hay những câu hỏi để cuộc sống này tốt hơn. Nơi chúng ta sống không chỉ cần đẹp, đắt tiền mà cần hơn là sự yêu thương và chia sẻ một cách thiện chí. Tôi mong cuộc thi sẽ diễn ra tốt đẹp, nhận được nhiều bài dự thi hay và ý nghĩa. Tôi rất mong qua cuộc thi này, tất cả chúng ta sẽ cùng ngồi xuống và cùng trả lời: Chúng ta sẽ phải sống ra sao trên mảnh đất chúng ta đang sống này.
15h50': Ra mắt Hội đồng Giám khảo Cuộc thi "Nơi Tôi Sống"
Hội đồng Giám khảo Cuộc thi “Nơi Tôi Sống” do Nhà văn Nguyễn Quang Thiều làm Chủ tịch Hội đồng, và 6 thành viên Hội đồng Giám khảo là Nhà thơ Nguyễn Thành Phong; Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng.; Nhà báo Trần Đăng Tuấn; Họa sỹ Thành Chương; Nhiếp ảnh gia Trọng Chính; Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến.
15h35': Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương sáng kiến tổ chức cuộc thi Nơi tôi sống của 2 cơ quan báo chí vì đây là cuộc thi rất phù hợp với tình hình phát triển các khu chung cư, khu đô thị tại Việt Nam. Nhìn bên ngoài, có thể thấy trong vòng 10, 15 năm, thị trường bất động sản đã phát triển rất nhanh chóng, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt các đô thị Việt Nam. Còn nhìn bên trong thì thị trường bất động sản là sự kết nối mật thiết giữa người bán với người mua. Đây là một nét đặc trưng hoàn toàn khác biệt so với các loại hình sản phẩm khác.
Nếu như các sản phẩm khác thì thời gian hậu mãi chỉ kéo dài vài tháng, vài năm thì sự kết nối giữa nhà đầu tư, nhà quản lý với người mua bất động sản có thể kéo dài từ đời này sang đời khác. Quá trình phát triển thị trường bất động sản cũng kéo theo sự chuyển đổi nếp sống từ cũ sang mới của người dân. Tuy nhiên, đây cũng là lúc phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa đời sống cần giải quyết mà chưa có cơ quan chức năng nào tìm ra cách tháo gỡ. Những vấn đề này có thể rất đời thường, từ văn hóa đi thang máy, vứt rác, nói to, thiếu quan tâm nhà hàng xóm,... đến các vấn đề lớn như tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho tất cả các cư dân tại khu đô thị đó.
"Thực ra, do đây là những vấn đề thuộc phạm trù văn hóa nên các cơ quan chức năng cũng không thể ra văn bản hành chính để điều chỉnh. Chính vì vậy nên việc tổ chức cuộc thi "Nơi tôi sống" này của Tạp chí Bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử Gia đình Mới thực sự là một sáng kiến, giúp giải quyết các vấn đề một cách nhẹ nhàng, gần gũi mà có hiệu quả. Tôi rất mong là khi cuộc thi này tìm ra các tác giả trúng giải vào tháng 11 thì nó vẫn sẽ tiếp tục được các báo khác hưởng ứng, tạo thành chuyên mục thường xuyên kéo dài liên tục chứ việc thay đổi nếp sống văn hóa không phải ngày một ngày hai mà thành được. Với vai trò và sự lan tỏa của mình, nếu các cơ quan truyền hình, báo chí có thể làm được thì đó là điều ý nghĩa cho thành phố và đất nước.
Một mặt nữa tôi hết sức trân trọng ban tổ chức đã mời được các nhân vật hết sức nổi tiếng, những con người đại diện cho văn hóa Việt Nam. Sự có mặt của những con người có uy tín này sẽ đảm bảo cho sự thành công của cuộc thi. Mong các anh giúp đỡ cùng Ban tổ chức chọn ra được những bài thi quan trọng, có ích cho xã hội", ông Nguyễn Trần Nam chia sẻ.
15h25': Ông Phạm Nguyễn Toan, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức phát biểu phát động Cuộc thi “Nơi Tôi Sống”.
Theo ông Phạm Nguyễn Toan, một không gian sống văn minh không chỉ được tạo lập nhờ các yếu tố kỹ thuật như cơ sở hạ tầng, tiện nghi đô thị mà còn bao gồm cả các yếu tố phi kỹ thuật như con người, văn hóa. Trong đó, nhà quản lý giữ vai trò ban hành chính sách, công cụ và thực hiện quản lý đô thị; nhà phát triển giữ vai trò tạo lập hạ tầng và kết nối; còn cư dân, vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là hạt nhân xây dựng văn minh đô thị. Nói cách khác, để có những khu chung cư, khu đô thị hay cả một thành phố đáng sống, chúng ta cần có những nhà quản lý, nhà phát triển biết lấy con người, lấy cư dân làm trung tâm nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những “con người xanh”, những “cư dân xanh”…
“Với suy nghĩ nêu trên và cụ thể hơn là mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp tại các khu dân cư, khu đô thị mới; nhân rộng điển hình các nhà phát triển BĐS biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân tiêu biểu góp phần hình thành nên các khu đô thị đáng sống. Đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận và mong ước về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người … Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử Gia đình mới chính thức phát động cuộc thi viết và thi ảnh với chủ đề: Nơi Tôi Sống”, ông Phạm Nguyễn Toan công bố.
15h00': Lễ phát động Cuộc thi "Nơi Tôi Sống" đang diễn ra tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng Quốc gia (Hà Nội)
Chương trình có sự tham dự của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; ông Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; và các thành viên trong Hội đồng Giám khảo là Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Nhà báo Trần Đăng Tuấn, Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, KTS Phạm Thanh Tùng, Hoạ sỹ Thành Chương, Nhiếp ảnh gia Trọng Chính,...
Cuộc thi "Nơi Tôi Sống" được tổ chức với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm.
Đồng thời phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, hình thành nên các khu đô thị đáng sống. Cuộc thi cũng là cơ hội tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi Tôi Sống” của chính mỗi cư dân…
Để tham dự Cuộc thi "Nơi Tôi Sống", các cư dân có thể gửi bài dự thi dưới 2 hình thức là thi viết và thi ảnh. Bài thi là phương thức bày tỏ cách nhìn, ước mơ, sáng kiến… về không gian sống, văn hóa ở với những giá trị mà cư dân mong muốn. Các tản mạn, suy ngẫm về nếp nhà, về “tình làng nghĩa xóm” trong đời sống đô thị hiện đại; về “ngôi nhà mơ ước”…
Bài thi cũng có thể phản ánh những cảm nhận về không gian sống, không gian xanh – sạch – đẹp – hiện đại; về cộng đồng cư dân văn minh, về những nét đẹp văn hóa – nhân văn tại các khu chung cư, khu đô thị mình đang sinh sống... Hay những khoảnh khắc đẹp thể hiện không gian sống hạnh phúc của gia đình, cộng đồng, các hoạt động đời thường…
Hội đồng Giám khảo Cuộc thi dự kiến gồm 7 thành viên, là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, nhà biên kịch, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia nổi tiếng của Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình Lễ phát động Cuộc thi "Nơi Tôi Sống" sẽ diễn ra Toạ đàm "Không gian sống dưới góc nhìn văn hoá". Toạ đàm có sự tham dự của các thành viên Hội đồng Giám khảo Cuộc thi như Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Nhà báo Trần Đăng Tuấn, Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, KTS Phạm Thanh Tùng, Hoạ sỹ Thành Chương, Nhiếp ảnh gia Trọng Chính, Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến,...
Thời gian nhận bài dự thi Cuộc thi "Nơi Tôi Sống" từ ngày phát động đến hết 31/10/2018. Các tác phẩm gửi theo thông tin của Ban tổ chức cuộc thi như sau: Gửi kèm bài dự thi thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân. Email: noitoisong2018@gmail.com Địa điểm: Tầng 6, Tòa nhà A3, Ecolife Capitol, Nam Từ Liêm, Hà Nội Điện thoại: 024 6666 0899 |