Aa

Biến tầng kỹ thuật thành căn hộ, trục lợi hàng chục tỷ đồng

Thứ Ba, 31/10/2017 - 06:01

Trong quá trình triển khai xây dựng và bán nhà, chủ đầu tư dự án Dự án nhà ở để bán cho cán bộ và chiến sĩ công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã tự ý biến tầng kỹ thuật 3A thành căn hộ để bán cho khách hàng.

Như Reatimes đã phản ánh trước đó, Dự án nhà ở để bán cho cán bộ và chiến sĩ công an quận Hoàng Mai đang tồn tại hàng loạt các vi phạm. Chủ đầu tư đưa tòa nhà chung cư vào sử dụng khi chưa đủ điều kiện an toàn PCCC, công trình chưa bàn giao đã xuống cấp..., nghiêm trọng hơn là vi phạm trật tự xây dựng, thu lợi bất chính.

Thu tiền tỷ từ sai phạm

Theo giấy phép xây dựng cấp cho Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà, công trình nhà cao tầng (gọi tắt là CC23T) thuộc dự án Khu nhà ở nhà ở để bán cho cán bộ và chiến sĩ công an quận Hoàng Mai được xây dựng trên diện tích 3.135m2 tại địa chỉ 79 Thanh Đàm, phường Thanh Trì.

Công trình chung cư CC23T chưa đủ điều kiện an toàn nhưng đã có cư dân sinh sống.  

Công trình được Sở Xây dựng cấp phép cao 23 tầng nổi +1 tầng hầm +2 tầng kỹ thuật. Mật độ xây dựng là 36,5%.

Theo quyết định chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc công trình điều chỉnh, UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản chấp thuận với nội dung: Công trình cao 23 tầng không kể tầng hầm và tầng kỹ thuật với tổng 372 căn hộ.

Trong đó, tầng hầm để xe, tầng 1 dành cho dịch vụ công cộng, tầng 2,3 bố trí 26 căn hộ/tầng, tầng 4-23 gồm 2 khối độc lập bố trí 16 (2x8) căn hộ/tầng diện tích sàn là 1.684 m2. Riêng 2 tầng kỹ thuật được bố trí 1 tầng phía trên tầng 3 (giờ gọi là tầng 3A – PV) có chiều cao 3m và phía trên tầng 23 bố trí 1 tầng mái (kỹ thuật kỹ thuật bể nước) cao 4,9m.

Thế nhưng, trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi các tầng kỹ thuật thành căn hộ để bán cho khách hàng. Điều này không chỉ vi phạm giấy phép xây dựng, thiết kế của tòa nhà, hệ thống PCCC mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của hàng trăm cư dân trong tòa nhà. 

Tầng kỹ thuật 3A được chủ đầu tư biến thành 26 căn hộ bán cho khách hàng.  

Liên quan tới sai phạm này, ông Hoàng Mạnh Hiền, Phó Giám đốc Công ty Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà thừa nhận, chủ đầu tư đã chuyển đổi sai mục đích tầng kỹ thuật sang 26 căn hộ để bán cho khách hàng không phải là đối tượng cán bộ, chiến sĩ công an quận Hoàng Mai.

Cũng theo ông Hiền, giá bán 26 căn hộ tại tầng kỹ thuật 3A là 11 triệu đồng/m2 (giá bán căn hộ tại các tầng trên là 13 triệu đồng/m2). Hiện tại, các căn hộ chuyển đổi sai mục đích đã có khách hàng về sinh sống.

Theo quyết định chấp thuận quy hoạch tổng thể công trình và ước tính sơ bộ của PV Reatimes, tầng 3A có tổng mặt bằng tương đương với mặt bằng các tầng khối đế tầng 2-3 có diện tích sàn 3.292m2. Lấy trung bình căn hộ là 80m2 nhân với 26 căn bằng 2.080m2. Từ con số trên nhân với đơn giá là 11 triệu đồng, chủ đầu tư đã thu về 22 tỷ 880 triệu đồng.

Chưa có “án phạt”

Theo đề xuất xử lý sai phạm tại công trình CC23T gửi UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng nêu: “Sở Xây dựng đã kiểm tra, phát hiện thì hành vi xây dựng sai phép của chủ đầu tư đã kết thúc. Công ty đã hoàn thành và bàn giao cho khách hàng vào sử dụng... Các khách hàng mua 26 căn hộ tại tầng 3A nhà CC23T đã vào ở ổn định từ năm 2015, một số hộ đã được đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường này”.

Trước sai phạm trên, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP. Hà Nội xem xét, công nhận công trình theo hiện trạng. Đồng thời, Sở Xây dựng đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm của chủ đầu tư.

Theo chủ đầu tư công trình CC23T cho biết, 26 căn hộ tầng thương mại đã có khách hàng vào ở sinh sống ổn định.

Cụ thể: “Căn cứ theo quy định tại Khoản 9 điều 13 Nghị định 121/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ và Điều 8 Thông tư số 02/2014/TT-BXD ngày 12/2/2014 của Bộ Xây dựng thì Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà sẽ bị áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 50% giá trị xây dựng sai phép””. 

Luật sư Nguyễn Phú Thắng thẳng thắn cho rằng: “Phạt cho tồn tại” là việc vận dụng pháp luật không phù hợp. Dựa trên hệ thống các quy phạm luật pháp hiện hành, tôi khẳng định không có một điều, khoản, điểm nào trong các Luật, Nghị định, Thông tư... cho phép cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện nội dung trên.

Tinh thần của việc xử phạt vi phạm hành chính trong đó có vi phạm TTXD đó là xử phạt bằng tiền, mức tiền xử phạt tương ứng với hành vi vi phạm. Biện pháp bổ sung là khắc phục hậu quả, phục hồi nguyên trạng hoặc là phải theo đúng GPXD”.

Ngày 7/9/2017 vừa qua, Văn phòng UBND TP. Hà Nội có văn bản số 8433/VP-ĐT chấp thuận đề xuất xử lý sai phạm của chủ đầu tư công trình CC23T trên của Sở Xây dựng theo chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng. Đồng thời, giao cho Sở Xây dựng chủ trì cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đúng pháp luật.

Trao đổi với PV Reatimes trong tháng 10 này, ông Hoàng Mạnh Hiền, Phó Giám đốc Công ty Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà cho biết, công ty đang chờ chỉ đạo xử lý, khắc phục sai phạm từ Sở Xây dựng. Hiện, chưa có con số chính xác về mức giá phải nộp lại.

Như vậy, sai phạm của chủ đầu tư dự án nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ công an đã được cơ quan chức năng phát hiện quá chậm. Người dân hoàn toàn có thể nghi ngờ năng lực của các đơn vị thực thi nhiệm vụ giám sát, kiểm tra...

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sai phạm này lại được chấp thuận sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong việc xử lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố. Dù có phạt 50% giá trị lợi bất hợp pháp, doanh nghiệp vẫn có lãi thì chắc chắn họ sẽ vẫn tái diễn.  

Hơn 30 hộ dân tại chung cư này đang đối diện với hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư.

Liên quan tới việc "xử phạt cho tồn tại", theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Hãng Luật Intercode, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “GPXD là một chuẩn mực, một quyết định hành chính của các cơ quan cấp phép căn cứ theo các quy định của pháp luật đã ban hành. Tuy nhiên, khi xử lý cơ quan thẩm quyền lại không căn cứ vào giấy phép, quy hoạch của khu đô thị, quy hoạch khu dân cư được phê duyệt mà lại “lệ thuộc” vào hiện trạng vi phạm của các công trình sai phạm để điều chỉnh các chuẩn mực pháp lý hay ban hành quyết định hành chính khác là điều nghịch lý, là sự ngược đời.

Điều này cho thấy, hoạt động cơ quan quản lý nhà Nước đã bị động, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top