Aa

Biến tướng của mô hình time-share

Thứ Sáu, 26/05/2017 - 06:00

Time-share theo mô hình của nước ngoài là một loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch có thiết lập các tiêu chuẩn và được giám sát bởi các cơ quan có thẩm quyền theo những mục tiêu rõ ràng.

Nhà cung cấp dịch vụ Time-share có thể bị phạt 200.000 USD nếu kinh doanh sai nguyên tắc

Time-share là dịch vụ kinh doanh BĐS “sở hữu kì nghỉ” đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, với hơn 100.000 khu du lịch ở hơn 100 quốc gia. Tuy nhiên, đây vẫn là mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam.

Theo PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay, khi đưa Condotel tới Việt Nam, các tập đoàn thường đưa ra lời quảng cáo rằng: “Sở hữu căn hộ Condotel và tham gia chương trình Time-share sẽ mang đến cho bạn những giá trị ngoài sức tưởng tượng. Time-share sẽ nhắc nhở bạn về một thời gian nghỉ dưỡng cố định để bạn trút bỏ hết căng thẳng mệt mỏi của công việc, dành thời gian cho những người mà bạn yêu quý nhất. Giá trị lớn hơn là bạn có thể sinh lời đều đặn hàng tháng từ căn hộ Condotel của mình".

Tuy nhiên, PGS. TS. Doãn Hồng Nhung cho rằng, vốn dĩ, Condotel và Time-share là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau và không thể trộn lẫn.

“Giá trị của Time-share nằm ở cách sử dụng chúng. Thực chất việc mua một Time-share chính là việc người mua đang trả trước cho kì nghỉ của mình. Thông thường, so với việc trả tiền của một phòng khách sạn trong vòng mười năm, việc mua Time-share mang nhiều lợi thế hơn. Rõ ràng rằng, nếu như giá trị của một phòng khách sạn có nhiều biến đổi trong vòng 10 năm, thì người mua Time-share sẽ chỉ cần trả một khoản tiền nhất định tại thời điểm mua cho kì nghỉ trong tương lai của mình”, bà Nhung đánh giá. 

Thông thường, mỗi Time-share sẽ được xây dựng như một ngôi nhà để ở. Chính vì thế những công trình đặc trưng của nhà ở như bếp nấu, phòng giặt đồ sẽ được tích hợp trong Time-share. Khi đó, người sử dụng Time-share trong kì nghỉ của mình sẽ tiết kiệm được những chi phí như ăn uống, giặt là…

PGS. TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.

PGS. TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nếu như ở nước ngoài, nhà cung cấp dịch vụ Time-share một khi không tuân thủ các nguyên tắc kinh doanh sẽ chịu các hình phạt về tài chính lên tới 200.000 USD.

Một số các yêu cầu đưa ra buộc các nhà cung cấp phải thực hiện đúng là: Các công ty tiếp thị không được phép tặng quà và mời những chủ nhân sở hữu Time-share trong tương lai mà không nêu rõ mục đích thực sự của lời đề nghị; Các yêu cầu hủy Hợp đồng Time-share phải thực tế và ít gánh nặng; các khoản phí phải trả cho người tiêu dùng phải rõ ràng bao gồm chi phí thành viên và các khoản phụ phí…

Là một nhà nghiên cứu ủng hộ mô hình Time-share đúng đắn, PGS. TS Doãn Hồng Nhung cho biết thêm, một yếu tố khác nên được người mua cân nhắc khi mua một Time-share đó là việc nhượng lại Time-share trong trường hợp người mua không còn nhu cầu sử dụng nữa.

Howard Nusbaum, Chủ tịch Hiệp hội phát triển BĐS nghỉ dưỡng của Mỹ (ARDA) thừa nhận rằng hầu hết các Time-share đều bị mất giá sau một thời gian sử dụng. Đối với một Time-share có trị giá 20.000 USD, sau khi trừ đi khấu hao sau thời gian 10 năm, chủ nhân của Time-share vẫn có thể nhượng lại nó với giá là 5.000 USD, có nghĩa là sau 10 năm giá của một Time-shre giảm đi 15.000 USD - một con số không đáng kể đối với số tiền 42.000 USD mà người mua có thể sẽ phải trả để ở một khách sạn trong vòng 10 năm.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa nhận định, lợi ích của hình thức Time-share đối với chủ đầu tư resort hay khách sạn cao cấp là họ có một số lượng khách hàng ổn định còn khách hàng có thể tiết kiệm được chi phí so với hình thức mua quyền từng ngày riêng lẻ.

Bên cạnh đó, khách hàng tham gia hệ thống timeshare sẽ được ưu tiên giữ chỗ ngay cả những ngày lễ tết, cuối tuần đông khách; được ưu đãi, giảm giá... Và đặc biệt là được trao đổi, luân chuyển về thời gian, địa điểm với một BĐS nghỉ dưỡng liên kết khác ở trong và ngoài nước nếu muốn.

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam không nhiều gia đình có đủ khả năng tài chính để sở hữu trọn vẹn “ngôi nhà thứ hai” đắt giá đó. Time-share được chào đón rất tốt và được các chủ đầu tư trên thế giới thực hiện một cách nghiêm túc, song mô hình này chỉ phù hợp với khách hàng quốc tế vì họ có những điều kiện cần và đủ để tham gia. Trên thế giới hiện có trên 2.000 khu resort theo mô hình sở hữu kỳ nghỉ và tất nhiên những địa điểm này đều thuộc vào diện đẳng cấp 4 - 5 sao.

Trong khi đó, tại Việt Nam các khu resort và khách sạn 4 - 5 sao đẳng cấp quốc tế không nhiều. Hơn thế nữa, chủ đầu tư các resort Việt Nam không mặn mà với hình thức Time-share, họ thường chỉ muốn bán cho một người. Đặc biệt, khi về đến Việt Nam, mô hình này dường như đã không còn "nguyên bản".

Lập lờ như... ALMA 

Với mô hình Time-share mà Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (ALMA) mang đến cho Việt Nam lại có nhiều điểm bất thường và dường như đi ngược lại với nguyên tắc hoạt động của nó ở nước ngoài.

Theo đó, thời gian gần đây, báo chí liên tục đề cập đến những phản ánh của người dân xoay quanh cách làm ăn lạ lùng của ALMA như cố "dụ" người mua bằng các chiêu trò quái đản, cùng với đó là việc nhiều người đã bỏ ra những số tiền rất lớn để mua giá trị ảo. Cụ thể dù phải bỏ ra 15.000 USD đến 20.000 USD nhưng khách hàng chỉ được quyền sử dụng 1 tuần/năm căn hộ nghỉ dưỡng/biệt thự ALMA trên cơ sở lặp lại định kỳ trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, đối với 52 tuần còn lại ALMA cho 52 khách hàng Việt khác cho thuê lại và thu lời rất lớn...

Hình ảnh đồ hoạ dự án của Alma để dụ khách hàng, đến nay nơi này vẫn đang ngổn ngang cồn cát trắng

Hình ảnh đồ hoạ dự án của Alma để dụ khách hàng, đến nay nơi này vẫn đang ngổn ngang cồn cát trắng.

Ngoài ra, đánh vào tâm lý tò mò của khách hàng, ALMA mời các khách hàng tham gia Hội thảo về “Hạnh phúc gia đình” của Công ty này – thực chất là một ma trận của ALMA với những lời giới thiệu đường mật và bản vẽ phối cảnh đẹp như mơ của Dự án cùng những lời hứa hẹn về chính sách đặc biệt mà khách hàng tham dự hội thảo có cơ hội được hưởng.

Cụ thể: Kích hoạt quyền chủ sở hữu kỳ nghỉ ngay tại sự kiện với khoản thanh toán tối thiểu tương ứng  30% giá trị hợp đồng. Quà tặng kích hoạt gồm: Cứ 12 tháng một lần được đi nghỉ quốc tế qua DAE, một trong những tập đoàn cung cấp dịch vụ trao đổi kỳ nghỉ lớn nhất thế giới, gia đình phải đóng phí trao đổi. Hoặc khách hàng có thể nhận được kỳ nghỉ trong nước 4 ngày 3 đêm miễn phí cho 2 người lớn tại Nha Trang, Đà Lạt. Cơ hội nâng cấp căn hoặc tuần. Được tặng 2 vé khứ hồi Vietnam Airlines cho chuyến đi đầu tiên. Nhưng phải nộp đủ 30% giá trị hợp đồng, vé máy bay mới được kích hoạt.

Chưa kể, khách hàng còn được nhân viên ALMA còn tư vấn nhiệt tình về Dự án và mô hình sở hữu kỳ nghỉ và khẳng định đây là khoản đầu tư tài chính sinh lợi trong tương lai. Ngoài ra, nắm được tâm lý khách hàng còn dè dặt khi chưa đủ khả năng về tài chính, ALMA liên kết với một số Ngân hàng mở thẻ tín dụng cho khách hàng vay để nộp tiền ngay và nhanh chóng ký Hợp đồng khi chưa có sự tìm hiểu kỹ càng về Dự án.

Do tin tưởng vào lời tư vấn, cam kết, hứa hẹn của nhân viên bán hàng và thông tin về nhà đầu tư, khách hàng nhanh chóng ký tên và nộp tiền.Tuy nhiên, khi tìm hiểu thông tin và tiến độ của Dự án, khách hàng mới hoang mang thì đã trót lỡ tay ký vào Hợp đồng.

Phần lớn khi muốn chấm dứt Hợp đồng, khách hàng luôn bị ALMA làm khó bằng các phương án đẩy khách hàng tiếp tục phải nộp thêm tiền hoặc mất trắng số tiền đã nộp. Lúc này, khách hàng mới nhận ra những “giá trị ảo” từ Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với ALMA.

Không chỉ vậy, một dự án hàng nghìn USD mà khách hàng đã trót ký hợp đồng với ALMA, thậm chí được nhân viên của công ty này quảng bá là một cách đầu tư sinh lời tốt nhất tại Việt Nam, hiện vẫn đang "nằm trên giấy". ALMA đang “bán cái chưa có để lấy tiền thật” bởi đến cuối năm 2016, Dự án còn chưa được cấp phép xây dựng. Và đặc biệt hơn, trên trang web của ALMA cập nhật tiến độ Dự án tòa nhà chính mới lên được tầng 4 giữa bãi đất hoang sơ không có điều gì đặc biệt.

Để tránh rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”, các chuyên gia cho rằng, khách hàng trước khi “xuống tiền” đầu tư vào loại hình này phải cân nhắc thật kỹ.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Hà Nội) đã đưa ra lời cảnh báo đối với khách hàng: “ALMA là một cái tên mới mẻ đối với thị trường BĐS Việt Nam, điều này khó đảm bảo uy tín. Chính vì vậy, cần phải chọn chủ đầu tư có uy tín. Và an toàn nhất là mua các dự án đã đưa vào hoạt động, để tránh trường hợp bị chủ đầu tư chiếm dụng vốn trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, khách hàng cần lưu ý về các điều khoản của Hợp đồng với chủ đầu tư, đặc biệt là điều khoản bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, điều khoản phạt và điều khoản hoàn trả phí khi chủ đầu tư không thực hiện đúng và đầy đủ các dịch vụ tiện ích như thoả thuận.

Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, trong trường hợp xảy ra tranh chấp, khách hàng có thể khiếu nại và tố cáo khi thấy dự án kinh doanh “sở hữu kỳ nghỉ” của ALMA có vấn đề lên UBND tỉnh, thành phố nơi dự án tọa lạc. 

Khi đó, đơn vị này, nếu cần, sẽ tiến hành nhiệm vụ cho Sở kế hoạch đầu tư là đơn vị cấp Giấy đăng ký kinh doanh phối hợp với Sở, ngành, địa phương đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra toàn bộ cơ cấu, tổ chức, hoạt động, thuế…đối với dự án của ALMA.

“Tại nước ngoài, khi mua 1 Time-share, người mua sẽ được cấp một giấy chứng nhận cho phép người mua sử dụng Time-share trong một thời gian nhất định trong năm. Tuy nhiên, trong hệ thống luật pháp Việt Nam không hề có những quy định về những thủ tục đó. Chính vì thế, khi quyết định đầu tư, người mua nên xem xét thật kỹ những điều khoản mà chủ công trình đưa ra để tránh nhưng tranh chấp có thể phát sinh sau này”, PGS. TS Doãn Hồng Nhung cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top