Aa

Bình Định mở rộng “cửa” vươn ra biển lớn

Thứ Ba, 08/02/2022 - 06:00

Trong tương lai, trên dải bờ biển dài 134km của Bình Định sẽ hình thành một số thành phố, gắn với đó là các khu dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, một số khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão để phục vụ cho nghề cá.

Bình Định là địa phương có sự phát triển năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ. Đầu năm 2022, bàn về định hướng phát triển tương lai của Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định đã dành cho Reatimes nhiều chia sẻ.

Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định. (Ảnh: B.P)

PV: Thưa ông, đầu năm 2021, Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Đến nay, ông có thể chia sẻ về tiến độ và điểm nhấn của quy hoạch này?

Ông Hồ Quốc Dũng: Thời gian qua, Bình Định tập trung cho công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch không gian biển từ TP. Quy Nhơn ra đến huyện Hoài Nhơn, nghĩa là kéo dài hết từ phía Nam ra phía Bắc tỉnh. Để đảm bảo chất lượng quy hoạch, tạo sự khác biệt, tỉnh thuê một tư vấn hàng đầu của Mỹ để lập quy hoạch chung, đặc biệt là quy hoạch điểm nhấn ven biển để thu hút đầu tư. Đề cương quy hoạch đã phê duyệt, dự kiến trong năm 2022 sẽ trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. Chúng tôi hy vọng với năng lực quy hoạch hàng đầu, có tiếng trên thế giới thì đơn vị tư vấn sẽ tạo ra những điểm nhấn đặc biệt trong quy hoạch chung phát triển tỉnh Bình Định trong 10 năm tới.

Chúng tôi có gợi ý là trục ven biển sẽ quy hoạch hình thành một số khu đô thị vệ tinh, không dồn nén vào đô thị Quy Nhơn để tránh ùn tắc giao thông, gây áp lực lên hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục. Như vậy trong tương lai, trên dải bờ biển dài 134km của Bình Định sẽ hình thành một số thành phố, gắn với đó là các khu dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, một số khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão để phục vụ cho nghề cá.

Một dự án phong điện ở bán đảo Phương Mai, TP. Quy Nhơn, Bình Định. (Ảnh: Dũng Nhân)

Bình Định cũng có một lợi thế đặc biệt là đầm Thị Nại ở giữa lòng TP. Quy Nhơn. Vừa qua, chúng tôi tổ chức thi ý tưởng quy hoạch và ý tưởng của một đơn vị đến từ Pháp đã được chọn mang tên “Sức sống ven đầm”. Ý tưởng này là dịch chuyển trung tâm TP. Quy Nhơn về phía Bắc, trong đó đầm Thị Nại thành lõi của đô thị, phía Nhơn Hội là khu đô thị sầm uất, còn phía Tuy Phước là khu sinh thái. 

PV: Vì sao Bình Định lựa chọn điểm nhấn về quy hoạch cho phát triển là trục ven biển, thưa ông?

Ông Hồ Quốc Dũng: Lợi thế của Bình Định lớn nhất vẫn là khai thác kinh tế biển, tuy nhiên lâu nay điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng kết nối mở rộng không gian biển chưa được đầu tư đúng mức nên chưa khai thác hết tiềm năng. Do vậy, những năm gần đây Bình Định quyết tâm gỡ điểm nghẽn lớn nhất này. 

Đột phá đầu tiên là mở rộng kết cấu hạ tầng, trước hết là giao thông. Bình Định đã và đang đầu tư đường ven biển từ Quy Nhơn đến Hoài Nhơn, hiện đã đầu tư xong một nửa, khoảng hơn 50km. Nửa còn lại đã ra nghị quyết là từ nay đến năm 2025 phải làm xong, mà cũng đã sắp xếp vốn để làm chứ không phải chỉ là nói trên giấy.

Đường ven biển mới được xây dựng đoạn Cát Tiến – Đề Gi. (Ảnh: Dũng Nhân)

Thứ hai là tỉnh mở các đường kết nối từ phía Tây, nối Quốc lộ 1 xuống biển. Cùng với hoàn thiện đường ven biển, tỉnh đã bố trí vốn để ngay năm 2022 đầu tư 4 tuyến đường kết nối Quốc lộ 1 từ các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Nhơn và Tuy Phước xuống phía biển.

Sau này, khi đường cao tốc Bắc – Nam đoạn Quảng Ngãi – Bình Định được đầu tư (dự kiến nếu Quốc hội thông qua thì đầu tư giai đoạn 2022 – 2025), Bình Định có 3 trục đường Bắc – Nam gồm đường cao tốc, Quốc lộ 1 và đường ven biển. Các tuyến đường ngang kết nối Đông – Tây sắp được tỉnh đầu tư sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống kết cấu giao thông, tạo động lực quan trọng cho thu hút đầu tư của tỉnh.

Như đã nói, thế mạnh của Bình Định là kinh tế biển. Chúng tôi có khu kinh tế ven biển Nhơn Hội, một khu kinh tế lớn ở khu vực miền Trung, vừa qua đã được mở rộng không gian về phía Tây, nơi đang triển khai khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định với diện tích khoảng 1.000ha. Cũng nói thêm là khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định được kỳ vọng sẽ phát triển công nghiệp công nghệ cao, giải quyết việc làm rất lớn và đóng góp ngân sách mỗi năm khoảng 400 tỷ đồng.

Cảng Quy Nhơn là cửa ngõ ra biển không chỉ của Bình Định mà của các tỉnh Tây Nguyên và các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông. Cảng Quy Nhơn đã được quy hoạch để phát triển xứng tầm, vừa đầu tư lớn để mở rộng bến số 1. Sắp tới có thể sẽ xây dựng cảng nước sâu ở huyện Phù Mỹ để phát triển dự án tổ hợp gang thép. 

Cảng Quy Nhơn, cửa ngõ ra biển của không chỉ tỉnh Bình Định mà cả các tỉnh Tây Nguyên và các quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông. (Ảnh: Q.N.P)

Nhiều khu du lịch, dịch vụ đẳng cấp cũng đã dần hình thành ở ven biển, nhất là tại TP. Quy Nhơn đang thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao đến với Bình Định.

Khai thác, nuôi trồng thủy hải sản của Bình Định cũng có nhiều thành quả, có những sản phẩm mạnh đứng hàng đầu quốc gia như: Cá ngừ đại dương, gà, tôm giống và tôm thịt…

Bởi vậy, cùng với việc hoàn thiện hạ tầng hướng biển, tỉnh tập trung cho công tác quy hoạch và chọn trục ven biển làm điểm nhấn phát triển cho tương lai.

PV: Hiện nay, nhiều địa phương tập trung phát triển công nghiệp – dịch vụ và cố gắng giảm tỷ lệ phát triển của nông nghiệp. Hướng đi của Bình Định như thế nào, thưa ông?

Ông Hồ Quốc Dũng: Quan điểm của Bình Định là phát triển hài hòa ba trụ cột: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ – du lịch. Nhiều địa phương đã bỏ hẳn nông nghiệp, có tỉnh chỉ còn 1 – 2%, nhưng Bình Định thì không. Chúng tôi thấy phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch thì nhanh tạo nguồn ngân sách, giải quyết được việc làm cho nhiều người dân nhập cư.

Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm rút ra là cũng có nhiều hệ lụy, như rất áp lực để giải quyết việc nhập cư của dân di cư tự do, các áp lực về y tế, giáo dục, an sinh xã hội… Bây giờ, nhiều doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ cho những người lao động 35 – 40 tuổi nghỉ để nhận lao động khác trẻ tuổi hơn, số bị thải ra này về lại quê thì đất đai không còn, mà ở lại thì không biết mưu sinh thế nào cho quãng thời gian còn lại, nói chung là nhiều áp lực. 

Thành phố biển Quy Nhơn. (Ảnh: Dũng Nhân)

Do vậy, Bình Định quyết định vẫn xem nông nghiệp là một trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế, vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển. Chúng tôi tập trung phát triển nông nghiệp sạch gắn với công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh và chất lượng, kể cả chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt. 

Còn công nghiệp thì chúng tôi phát triển khu kinh tế Nhơn Hội, trong đó điểm nhấn là khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định, không những là 1.000ha hiện nay mà có thể mở rộng vài ngàn héc-ta nữa.

Du lịch – dịch vụ thì tập trung khai thác tuyến ven biển với các sản phẩm du lịch cao cấp, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, hình thành điểm đến hấp dẫn.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông! 

Quy hoạch Bình Định thành trung tâm lớn của cả nước phát triển kinh tế biển 

Mục tiêu đầu tiên trong nhiệm vụ lập quy hoạch Bình Định 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt là:

“Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc thù để phát triển Bình Định trở thành tỉnh có nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền Trung – Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; đầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mê Kông; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đảm bảo môi trường bền vững, bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, các nét đẹp văn hoá các dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top