Chương trình diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Quy Nhơn (Bình Định) và nằm trong chuỗi sự kiện đa dạng về trải nghiệm, khảo sát, kích cầu du lịch… do UBND tỉnh Bình Định phối hợp cùng Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tập đoàn FLC tổ chức từ ngày 12 - 14/11. Toạ đàm có sự tham dự của Lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, lãnh đạo các Hiệp hội du lịch, lãnh đạo tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng và các chuyên gia hàng đầu và đại diện hàng trăm doanh nghiệp lữ hành, hàng không
Tọa đàm Bình Định kích hoạt du lịch xanh: Điểm đến an toàn, trải nghiệm hấp dẫn là nơi gặp gỡ giữa các bên để cùng thảo luận về công tác chuẩn bị cũng như các giải pháp kích cầu cụ thể và hiệu quả cho du lịch Bình Định trong bối cảnh thị trường nội địa dần phục hồi sau giãn cách. Đồng thời, câu chuyện mở cửa du lịch quốc tế đang đặt ra nhiều nhiệm vụ quyết liệt cho toàn ngành.
Bình Định là một trong những điểm đến có tăng trưởng du lịch nhanh nhất Việt Nam trong những năm gần đây, với hàng loạt thế mạnh được báo chí trong nước và quốc tế đánh giá rất cao như: 134km đường bờ biển, nhiều bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, không khí trong lành, ẩm thực đặc sắc và các danh thắng nổi tiếng...
Quan trọng hơn, định hướng phát triển bền vững cũng đã đưa Bình Định trở thành một trong những địa phương nổi tiếng hàng đầu Việt Nam về không gian và môi trường xanh, sạch, từng được vinh danh với giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2020 tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2020 tổ chức ở Brunei.
Trải qua 3 đợt giãn cách kéo dài từ 2020 - 2021, Bình Định được đánh giá là điểm sáng về tốc độ phục hồi du lịch hậu giãn cách, với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như các chương trình kích cầu sáng tạo và đa dạng dành riêng cho điểm đến này.
Với ảnh hưởng từ đợt dịch thứ 4, câu chuyện phục hồi du lịch đang đặt ra cho Bình Định nhiều nhiệm vụ cấp thiết. Lộ trình và phương án đón khách được chuẩn bị ra sao để đảm bảo tối ưu hai tiêu chí “điểm đến an toàn” và “trải nghiệm hấp dẫn”? Những sản phẩm dịch vụ nào sẽ được thiết kế để đáp ứng nhu cầu mới, thị hiếu mới của du khách?
Đồng thời, việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế đã được cơ quan quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp chuẩn bị ra sao? Làm thế nào để Bình Định có thể tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy du lịch xanh cất cánh đồng thời duy trì vị thế là một điểm đến không thể bỏ qua cho du khách trong thời gian tới?
Mở đầu tọa đàm, ông Lâm Hải Giang, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nét văn hóa đặc trưng phù hợp cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng,… Dù vậy, phải làm sao để xây dựng du lịch phát triển luôn là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo địa phương.
Trong những năm gần đây, Bình Định đã và đang tập trung phát triển du lịch, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cơ sở hạ tầng ngành du lịch cũng từng bước được phát triển, nhiều dự án lớn đã được triển khai và đưa vào sử dụng như quần thể FLC và nhiều công trình khác.
Với sự nỗ lực và quyết tâm của tỉnh về triển khai thu hút đầu tư và phát triển du lịch, lượng khách du lịch đang tăng lên mỗi năm, Bình Định trở thành điểm đến với du khách, hình ảnh của thiên nhiên và con người Bình Định cũng được lan tỏa khắp cả nước, thương hiệu du lịch Quy Nhơn, Bình Định đã được biết đến.
Năm 2019, du lịch đã đóng góp trực tiếp vào GRDP đạt 12% với 9 dự án đầu tư mới.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, từ cuối năm 2020, ngành du lịch bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong 10 tháng đầu năm 2021 Bình Định đón 1,2 triệu lượt khách, giảm 36,3%, doanh thu du lịch ước đạt 1.671 tỷ đồng, giảm 39%.
Đây là thời điểm thách thức với ngành du lịch của cả nước nói chung và Bình Định nói riêng trong bối cảnh các địa phương trong cả nước đang thực hiện thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình mới.
Ông Giang cũng bày tỏ mong muốn nhận được những đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp tại tọa đàm và kỳ vọng sự liên kết giữa du lịch Bình Định với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ ngày được nâng lên, mối quan hệ giữa với doanh nghiệp du lịch sẽ ngày càng bền chặt, góp phần đưa du lịch Bình Định phát triển tương xứng với tiềm năng.
Chia sẻ tại Toạ đàm, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ngành Du lịch đang tích cực tái khởi động du lịch nội địa và triển khai đón khách du lịch quốc tế tới một số địa phương, tiến tới mở cửa hoàn toàn du lịch đón khách quốc tế trở lại. Tổng cục Du lịch đánh giá cao sự tích cực hưởng ứng, chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch kích hoạt du lịch của Sở Du lịch, UBND tỉnh Bình Định với chủ đề rất phù hợp với bối cảnh và yêu cầu “Điểm đến an toàn, trải nghiệm hấp dẫn”.
Nhằm chuẩn bị tái khởi động hoạt động du lịch, ngay từ tháng 9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL nhằm định hướng các địa phương triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: (1) Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch, (2) Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch, (3) Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường, (4) Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch, (5) Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch và (6) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
"Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 và 2022, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng khai thác thị trường du lịch nội địa; đặt yếu tố du lịch an toàn lên hàng đầu, đồng thời mang lại trải nghiệm thật sự ấn tượng, khó quên đúng như chủ đề của Tọa đàm hôm nay. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch cùng các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị thật tốt để mở cửa du lịch quốc tế theo lộ trình, tiến tới phục hồi hoàn toàn trong bối cảnh bình thường mới. Chúng tôi cũng ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Bình Định đã chính thức đề xuất để được cùng một số địa phương tiên phong đón khách quốc tế trong giai đoạn thí điểm", ông Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Hội thảo.
Chia sẻ về chương trình Hội thảo, ông Đỗ Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, chuỗi sự kiện trải nghiệm, toạ đàm kích cầu du lịch do UBND tỉnh Bình Định phối hợp cùng Tổng cục Du lịch và FLC tổ chức từ ngày 12 đến ngày 14/11 là một trong những hoạt động cụ thể và thiết thực để chuẩn bị sẵn sàng mở cửa đón khách, trong bối cảnh thị trường nội địa đang có nhiều điểm sáng, và câu chuyện mở cửa du lịch quốc tế cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ quyết liệt cho toàn ngành.
“Hơn bao giờ hết, ngành du lịch đang cần đến sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống, từ chính phủ, các cấp bộ, ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Một bộ giải pháp toàn diện sẽ là liều thuốc trợ lực hiệu quả nhất để đưa du lịch – một trong những ngành kinh tế mũi nhọn nhanh chóng tăng tốc và góp phần là bệ phóng cho nhiều lĩnh vực kinh tế khác.
Chúng tôi tin rằng những thông tin phân tích đa chiều, khách quan; những ý kiến đóng góp hữu ích và tâm huyết của tất cả các quý vị đang có mặt sẽ góp phần đưa thị trường du lịch nội địa sớm phục hồi và tăng trưởng, mở đường cho việc tái khởi động thị trường quốc tế một cách an toàn và hiệu quả, hướng tới khôi phục hoàn toàn dung lượng thị trường từ 2022 trong một kịch bản tích cực nhất” , ông Hùng chia sẻ.
Chia sẻ trong phiên thảo luận Toạ đàm, Ông Trần Đình Thiên cho rằng, Quy Nhơn cũng giống như nhiều điểm du lịch khác ở Việt Nam đang trong tư thế sẵn sàng để chuẩn bị đón khách.
Theo ông Thiên, năm 2020, cứ hễ dịch COVID-19 được kiểm soát là các địa phương lại mở cửa ngay, nhu cầu du lịch của hành khách tăng rất cao, thậm chí nhiều hành khách sẵn sàng lên đường ngay. Bình Định hiện đã đáp ứng được nhiều tiêu chí của du lịch không chỉ trước đại dịch COVID-19 mà còn cả sau dịch COVID-19. Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, những điểm du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp, bãi biển đẹp, nền văn hóa đặc sắc là những tiêu chí được đánh giá cao. Bên cạnh đó, sau khi dịch COVID-19 bùng phát thì cần thêm tiêu chí là điểm an toàn. Chính vì vậy, những vùng biển không quá đông đúc mà lại có vẻ đẹp thiên nhiên là những điểm đến hàng đầu của du khách sau dịch COVID-19 mà Quy Nhơn là một trong những điểm đến nổi bật.
Còn theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ở Việt Nam chỗ nào cũng có tài nguyên du lịch nhưng tài nguyên phải kết hợp với quyết tâm của lãnh đạo địa phương thì mới phát triển thành khu vực du lịch được.
Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện với tinh thần không lúc nào ngơi nghỉ, ngay cả lúc khó khăn nhất, cho nên năm ngoái ngay từ đầu tháng 2/2020 Hiệp hội Du lịch đã phát động ngay chương trình kích cầu du lịch lần thứ nhất.
“Đối với chúng tôi một ngày yên bình là du lịch phải khởi động ngay lập tức. Chúng tôi không thể chờ đợi. Ngành du lịch phải tận dụng ở mức cao nhất có thể. Tôi thấy FLC là một điển hình, phải phát triển ngay cả khi dịch COVID vẫn còn ở Việt Nam”, ông Bình nói.
Ông Vũ Thế Bình cũng khẳng định: “Chúng ta bây giờ đã hiểu rõ hơn về việc COVID tác động khủng khiếp thế nào lên nền kinh tế nên chúng ta phải chuyển hướng, sống chung với COVID như khẩu hiệu của Nghị quyết 128 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Ngành du lịch sẽ là ngành đầu tiên ứng dụng nghị quyết này của Chính phủ”.
Ông Bình cho rằng, Chính phủ kỳ vọng vào ngành du lịch và nhân dân cũng kỳ vọng vào ngành du lịch. Vì vậy trong giai đoạn này cần phải làm nhiều việc hơn trước, phải nhận thức bây giờ bình thường mới phải là hành động chứ không còn là khẩu hiệu nữa. Thích ứng an toàn ở đây ko phải riêng dịch bệnh, mà còn môi trường và nhiều vấn đề nữa nhưng dịch bệnh vẫn là quan trọng nhất lúc này.
Ông cho biết, Tổng cục du lịch, Hiệp hội Du lịch cũng có nhiều những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi nhưng nỗ lực của doanh nghiệp vẫn là quan trọng nhất.
“Theo tôi cái quan trọng nhất bây giờ là thay đổi nhận thức, không còn là sợ COVID mà phải thích ứng thể phát triển”, ông nói và cho biết thêm “đến Bình Định tôi thấy quyết tâm phục hồi du lịch của Bình Định rất mạnh mẽ. Khẩu hiểu lúc này cần thiết là “Bình thường mới, cơ hội mới”.
Ông tin tưởng khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ trở thành động lực khôi phục du lịch của cả nước. “Tôi tin tưởng tương lai không xa Bình Định sẽ trở thành Đà Nẵng thứ hai của miền Trung”, ông nhấn mạnh.