Aa

Bình Định: Phát triển hệ thống hạ tầng, thúc đẩy tiềm năng du lịch huyện miền núi Vĩnh Thạnh

Thứ Tư, 01/11/2023 - 06:10

Vĩnh Thạnh - huyện miền núi thuộc tỉnh Bình Định, có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào Ba Na.

Trao đổi với Reatimes, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, hiện nay hệ thống giao thông đối ngoại còn rất hạn chế, chưa kết nối với các địa phương ngoài huyện. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, để Vĩnh Thạnh ngày càng phát triển và hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng tâm của huyện.

Tài nguyên vẫn còn “ngủ yên”

PV: Vĩnh Thạnh có nguồn tài nguyên quý giá về du lịch và văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc của đồng bào Ba Na trên địa bàn. Tuy nhiên, có thể nói thời gian qua, huyện chưa khai thác được tối đa những tiềm năng này để phát triển. Vậy thời gian tới huyện có kế hoạch ra sao, thưa ông?

Ông Lê Minh Thông: Vĩnh Thạnh là huyện miền núi của tỉnh Bình Định, có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như: suối Tà Má, hồ Định Bình, gộp Nước Ló...

Đặc biệt, xã Vĩnh Sơn ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp với núi rừng hùng vĩ; sông, suối, thác nước còn nguyên sơ, chứa đựng những điều kỳ bí như thành đá Tà Kơn, thác Hang Dơi, vườn cam Nguyễn Huệ - Căn cứ địa của nghĩa quân Tây Sơn (được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1995).

Cùng với đó, đồng bào Ba Na Kriêm Vĩnh Thạnh còn lưu giữ nhiều nét văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống gắn với điều kiện tự nhiên, sinh thái của địa phương như: Các làng nghề thủ công truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát)…; trang phục, nông cụ; lễ hội mừng cốm lúa mới, lễ hội cồng chiêng...; trò chơi dân gian, các điệu múa xoang, dân ca, dân vũ, trường ca hơmon, những làn điệu hát ru; kiến trúc nhà sàn, những nhạc cụ độc đáo (cồng chiêng, tơ rưng, plơnkhơn…).

Với các điều kiện về tự nhiên, văn hóa, lịch sử..., Vĩnh Thạnh có điều kiện thuận lợi để phát triển một số sản phẩm du lịch như: Du lịch cộng đồng (thôn K3, làng Hà Ri...); du lịch sinh thái (suối Tà Má, hồ Định Bình, Hang Dơi, thành Tà Kơn...); du lịch văn hóa, lịch sử (gộp Nước Ló, vườn cam Nguyễn Huệ, gò Đại Hội, thành Tà Kơn); du lịch nghỉ dưỡng (du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xã Vĩnh Sơn, suối nước nóng, vùng đất ven hồ Định Bình...).

Suối Tà Má huyện Vĩnh Thạnh vào mùa hoa nở thu hút nhiều du khách. Nguồn ảnh: Báo Dân Viêt

Tuy nhiên, huyện Vĩnh Thạnh vẫn chưa thực sự bứt phá trong phát triển các sản phẩm du lịch, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế tài nguyên vốn có để thu hút lượng du khách. Huyện cũng chưa lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư phát triển về du lịch, cũng như xây dựng các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách và kết nối tour - tuyến với các vùng phụ cận.

Giá trị tài nguyên du lịch của huyện đặc sắc nhưng vẫn đang ở dạng tiềm năng, con người dễ mến, thân thiện và giàu truyền thống văn hóa song chưa tiếp cận được nhiều với hoạt động du lịch.

Ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh

Để du lịch Vĩnh Thạnh ngày càng phát triển và hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế trọng tâm của huyện, trong thời gian tới, huyện Vĩnh Thạnh tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Chương trình hành động số 06-Ctr/TU ngày 14/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVIII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025; Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 22/09/2023 của UBND tỉnh về phát triển một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh; Chương trình hành động số 02-CTr/HU ngày 26/8/2020 của Huyện ủy Vĩnh Thạnh về “Đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, giai đoạn 2020 - 2025” và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII về “Đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, giai đoạn 2020 - 2025” của UBND huyện.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến về phát triển du lịch, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phát triển du lịch.

Thứ ba, tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; xây dựng và đa dạng các sản phẩm du lịch, tập trung vào xây dựng một số loại hình sản phẩm du lịch trọng tâm gắn với tiềm năng thế mạnh của huyện như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tham quan trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa.

Thứ tư, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cần thiết để ứng xử, phục vụ khách du lịch… nhằm phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Thứ năm, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia các hoạt động du lịch, đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, trước hết là giữa ngành du lịch và bảo tồn di sản văn hóa; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, du lịch, môi trường, các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; tập trung đầu tư có trọng điểm cho việc tôn tạo các di tích, nghiên cứu, lập hồ sơ tư liệu và phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương.

Xây dựng và phát triển hạ tầng đồng bộ

PV: Hạ tầng sẽ là động lực giúp cho kinh tế và du lịch được phát triển. Theo ông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện đã được hoàn chỉnh đến mức độ nào?

Ông Lê Minh Thông: Vốn là huyện miền núi nên nhìn vào tổng thể bức tranh kết cấu hạ tầng của huyện vẫn chưa đồng bộ, chậm kết nối.

Thời gian qua, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng theo quy hoạch từ nhiều nguồn vốn khác nhau nhưng chủ yếu vẫn từ các nguồn hỗ trợ của cấp trên thông qua các chương trình mục tiêu.

Hệ thống giao thông đối ngoại của huyện Vĩnh Thạnh còn rất hạn chế, chưa kết nối với các địa phương ngoài huyện như Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát và Kbang, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), mà chủ yếu kết nối với huyện Tây Sơn thông qua tuyến ĐH29, ĐT637 để đến các đô thị lớn, các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp...

Ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh

Trong năm, nhiều công trình giao thông đường bộ đã cơ bản được xây dựng, các tuyến đường trên địa bàn đã kết nối từ huyện đến 9/9 xã, thị trấn và đến các thôn, làng, khu phố, đảm bảo đi lại thuận lợi.

Thông tin liên lạc, điện chiếu sáng từ lưới điện quốc gia phủ kín 58/59 thôn, làng, khu phố (trừ thôn O2, xã Vĩnh Kim sử dụng năng lượng mặt trời); cấp nước tập trung, xử lý chất thải rắn đã thực hiện ở 7 địa phương, 2 địa phương còn lại (Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim) thì nhân dân sử dụng nguồn nước giếng đào hoặc nguồn nước khác, cũng như xử lý chất thải rắn bằng hố tự chôn, lấp.

Ngoài ra, công tác xử lý chất thải rắn còn thô sơ, chủ yếu là chôn, lấp, nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước đầu nguồn của tỉnh rất cao. Mặt khác, hoạt động mai táng mặc dù phù hợp với đặc điểm phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo và địa điểm quy hoạch nhưng các nghĩa trang chưa được quy hoạch chi tiết, chưa tổ chức quản lý bài bản theo quy định hiện hành.

Hệ thống hạ tầng trên địa bàn huyện đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng trong thời gian qua. (Ảnh: NL)

PV: Như vậy, trong thời gian tới, việc đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch sẽ được huyện xúc tiến như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Minh Thông: Có thể thấy, những năm gần đây, du lịch Quy Nhơn - Bình Định đã có bước phát triển đột phá, nhiều loại hình, sản phẩm du lịch biển được hình thành khá phong phú, tạo cho du khách nhiều lựa chọn để tham quan, hưởng thụ. Cùng với sự phát triển của Quy Nhơn, các địa phương trong tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động đón đầu, trong đó có huyện Vĩnh Thạnh.

Do vậy, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII về đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh giai đoạn 2020 - 2025, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, chúng tôi đã quy hoạch xây dựng mở mới 2 tuyến đường kết nối từ đường Đông Trường Sơn qua xã Vĩnh Sơn với cao tốc Bắc Nam, huyện Hoài Ân, thị xã Hoài Nhơn, Quốc lộ 1A và các địa phương phía Đông.

Kết nối thị trấn Vĩnh Thạnh với các đô thị ven biển của huyện Phù Cát, TP. Quy Nhơn) nhằm phá thế “ngõ cụt”; nâng cấp 2 tuyến đường ĐT637, ĐH29 kết nối Cảng hàng không Phù Cát, TP. Quy Nhơn với các điểm quy hoạch du lịch trên địa bàn huyện như: Thành Tà Kơn, thác Lơpin, Hang Dơi, vườn cam Nguyễn Huệ, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xã Vĩnh Sơn, hồ thủy lợi Định Bình, suối Hoa Trang rừng Tà Má, Khu du lịch suối nước nóng Vĩnh Thịnh, điện gió Vĩnh Thuận, tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh...

PV: Ngoài đẩy mạnh hạ tầng, huyện sẽ xây dựng các đồ án quy hoạch trên địa bàn ra sao để phát triển và thích ứng trong giai đoạn mới?

Ông Lê Minh Thông: Đến nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có rất nhiều đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt, đảm bảo công tác xây dựng trên địa bàn đi vào nề nếp, ổn định, vừa có tính kế thừa, vừa có tính định hướng lâu dài, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Công tác quy hoạch xây dựng được huyện Vĩnh Thạnh định hướng lâu dài, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đều có quy hoạch chung xây dựng đến năm 2035 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thị trấn Vĩnh Thạnh cũng đã trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch chung xây dựng đến năm 2035.

Huyện cũng đã trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035. Các đồ án này là cơ sở để lập quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư xây dựng trên địa huyện, các đề án sản xuất chuyên ngành, đảm bảo tính kết nối vùng, phục vụ sản xuất hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường đối với các sản phẩm địa phương.

Đầu tư các dự án khu dân cư

PV: Những năm gần đây, bất động sản huyện Vĩnh Thạnh cũng trải qua một đợt “nóng sốt”. Để thị trường phát triển bền vững và ổn định hơn trong thời gian tới, công tác quản lý trên địa bàn huyện sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Minh Thông: Những năm gần đây, bất động sản huyện Vĩnh Thạnh cũng có hiện tượng “giá đất ảo” do các “cò đất” gây ra, chạy theo tâm lý “đám đông”, không phản ảnh nhu cầu thực của khách hàng.

Để phát triển bền vững và ổn định, huyện Vĩnh Thạnh đã lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng các điểm dân cư nông thôn, dân cư thị trấn nhằm tạo lượng cung lớn, công bố thông tin công khai, minh bạch.

 Chúng tôi sẽ đầu tư các dự án khu dân cư, phát triển hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, kích thích và thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản bền vững, bảo đảm nguồn thu để tái đầu tư trong thời gian tới. 

Ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh

Đồng thời, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, định hướng thông tin thị trường, đảm bảo cung - cầu hợp lý, không xuất bán đấu giá quyền sử dụng đất ồ ạt vào thời điểm “nóng sốt” vì cái lợi trước mắt mà để lại hệ lụy tài chính đối với người dân địa phương.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kiểm soát các giao dịch bất động sản, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng trốn thuế, tách thửa, phân lô bán nền trái quy định, mua bán đất, kể cả đất nông nghiệp, san lấp thay đổi hiện trạng..., hướng đến điều hành giá đất tiệm cận giá thị trường.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quy hoạch chi tiết xây dựng, đầu tư các dự án khu dân cư, phát triển hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, xây dựng môi trường sống văn minh, gần gũi với cảnh quan thiên nhiên nông thôn, đảm bảo nguồn lực tham gia thị trường, kích thích và thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản bền vững, bảo đảm nguồn thu để tái đầu tư, không gây thất thoát ngân sách nhà nước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top