Aa

Bình Định: Quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội

Thứ Bảy, 23/12/2023 - 06:09

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Theo đó, đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định trên cơ sở thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài, nhất là nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh minh họa: Hoàng Đức Ngọc)

Mục tiêu đến năm 2030

Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm cao của cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế.

Mục tiêu về tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 8,5% trở lên, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 7 - 7,5%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,8% - 10,8%/năm (giá so sánh 2010).

Trong đó, tăng trưởng của các ngành kinh tế giai đoạn 2021 - 2030: ngành nông nghiệp tăng 3,2% - 3,3%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 12,2% - 13,2%/năm; dịch vụ tăng 8,1% - 8,3%/năm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10,4% - 10,7%/năm.

Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: ngành nông nghiệp chiếm 16,8% - 17,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm 41,3% - 43,3%; dịch vụ chiếm 34,8% - 35,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,1% - 5,3%.

Định hướng phát triển một số đô thị trọng tâm

Cụ thể, TP. Quy Nhơn sẽ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định; là trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng. Phát triển, mở rộng TP. Quy Nhơn về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đất đô thị, dịch vụ; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông xung quanh đầm Thị Nại để phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

TP. An Nhơn là đô thị phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Nam tỉnh Bình Định; là một trong những trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP. Quy Nhơn và ngược lại, có các chức năng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đầu mối giao thông đa năng.

TP. Hoài Nhơn là vùng có tầm quan trọng trong bảo vệ cảnh quan, môi trường, sự phát triển bền vững tại địa phương; là vùng phát triển đô thị mới gắn liền với phát triển công nghiệp hiện đại gắn với động lực mới phía Bắc của tỉnh Bình Định; là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, gắn liền với du lịch dịch vụ.

Bình Định sẽ  quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đất đô thị, dịch vụ. (Ảnh minh họa: Hoàng Đức Ngọc)

Thị xã Tây Sơn là cửa ngõ giao thương phía Tây của tỉnh Bình Định trên tuyến hành lang kinh tế Quốc lộ 19 với vùng Tây Nguyên; là đô thị du lịch - thương mại dịch vụ công nghiệp; là trung tâm du lịch lịch sử văn hóa Tây Sơn của vùng và quốc gia.

Thị trấn Ngô Mây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội huyện Phù Cát; là trung tâm dịch vụ vận tải hàng không đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng; quy hoạch, xây dựng thị trấn Ngô Mây và vùng phụ cận phát triển thành đô thị sân bay nhằm khai thác triệt để lợi thế của sân bay Phù Cát khi được đầu tư nâng cấp, gắn với thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp điện, điện tử và công nghiệp nhẹ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top