Aa

Bình Định: Tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh

Thứ Sáu, 26/01/2024 - 06:00

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị dự toán khối tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước trong năm 2024.

Để thực hiện được điều này, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan đơn vị dự toán khối tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tổ chức thực hiện chi ngân sách Nhà nước theo dự toán được giao, bảo đảm phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách và cấp dưới theo đúng thời hạn và quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm

Đồng thời, chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, giảm các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong và ngoài nước nước, nhất là nghiên cứu, khảo sát nước ngoài.

Đặc biệt, năm 2024 sẽ cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao để tăng chi đầu tư cho hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và an sinh xã hội.

Các đơn vị thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi ngân sách Nhà nước, nhất là chi thường xuyên ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước. Chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong năm hiện hành để xây dựng dự toán sát khả năng thực hiện.

Đồng thời, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn ngân sách nhà nước được phân bổ; chủ động sắp xếp, xử lý để triển khai các nhiệm vụ được giao phát sinh trong năm dự toán; hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán được giao, hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau.

Bên cạnh đó, xử lý số dư, chuyển nguồn, quyết toán các nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn; không chuyển nguồn sang năm sau đối với các khoản kinh phí đã hết nhiệm vụ chi hoặc hết thời gian giải ngân để giảm bội chi ngân sách Nhà nước; rà soát để thu hồi các khoản tạm ứng chi ngân sách kéo dài nhiều năm đã hết thời gian thực hiện theo quy định. Ngoài ra, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, bảo đảm tiết kiệm.

Bình Định: Tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh- Ảnh 1.

Năm 2024, Bình Định sẽ cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao. (Ảnh minh hoạ, nguồn Hoàng Đức Ngọc)

Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ

Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp đề rà. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ trong tổng chi ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 27/7/2021 của HĐND tỉnh Bình Định về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.

"Quản lý chặt chẽ việc huy động và quản lý, sử dụng các khoản vốn vay bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước, vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; bảo đảm khai thác tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh đó, hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 cấp huyện, lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 cấp tỉnh.

Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách Nhà nước. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, bảo đảm chi ngân sách nhà nước theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi và quy định pháp luật./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top