Aa

Chiến lược dịch chuyển khu công nghiệp của Bình Dương, đâu là điểm nóng 5 năm tới?

Thứ Bảy, 09/07/2022 - 10:05

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại tỉnh Bình Dương đang có xu hướng dịch chuyển về phía Bắc đúng theo nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Công nghiệp Bình Dương chuyển hướng “dồn” về phía Bắc

Sau hơn 25 năm xây dựng, phát triển, Bình Dương từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu đã vươn mình trở thành địa phương có nền công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước. Nếu như năm 1995, Bình Dương chỉ mới hình thành 1 khu công nghiệp (KCN) tập trung thì đến nay đã có 29 KCN với tổng diện tích hơn 12.662ha, tập trung ở các khu vực trọng điểm như thành phố Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một.

Tính đến tháng 5 năm 2022, toàn tỉnh có 4.047 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 39,58 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TP.HCM. Thành công mang tính “thần kỳ” của Bình Dương là nhờ vào việc phát triển có hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung kết hợp với xây dựng các đô thị hiện đại.

Sau nhiều năm tăng tốc, quỹ đất tại các điểm nóng công nghiệp như Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An… đã hết không gian phát triển. Theo GS.TS Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển TP.HCM, toàn bộ vùng phía Nam của tỉnh hiện nay đã triển khai gần như dày đặc, dẫn đến một tình trạng mất cân đối. Theo quy luật “vết dầu loang”, khi một vùng đất đầy ắp dự án, dịch vụ thì kế hoạch phát triển sẽ được xúc tiến ở những vùng kế cận.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng chỉ rõ, Bình Dương chú trọng phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, đô thị, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, tài nguyên, bảo đảm môi trường bền vững. 

Thành công mang tính “thần kỳ” của Bình Dương là nhờ vào việc phát triển có hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung kết hợp với xây dựng các đô thị hiện đại

Trên thực tế, những năm gần đây, tỉnh đã chuyển hướng quy hoạch các KCN lớn tại khu vực Bắc Bình Dương, nơi còn nhiều diện tích trống như Bàu Bàng, Bến Cát, Bắc Tân Uyên… Chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía Bắc đã và đang phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển công nghiệp rất nhanh. Quan trọng hơn hết, Chính phủ đã chấp nhận cho phát triển các hình thức KCN hoàn toàn mới ở phía Bắc của Bình Dương.

GS. TS Minh Hòa nhận định, chỉ trong vài năm tới đây, cả Bàu Bàng, Phú Giáo hay Dầu Tiếng đều sẽ mọc lên những KCN ứng dụng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo. Đây được cho là nhân tố tạo bộ mặt đô thị khác biệt cho Bình Dương nói chung và phía Bắc tỉnh nói riêng.

“Thủ phủ” công nghiệp mới, có nơi quy hoạch tăng diện tích khu công nghiệp hơn 6 lần

Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương cho biết 5 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội của Bình Dương tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng; trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài lũy kế 5 tháng đầu năm đã đạt được gần 2,5 tỷ USD, vươn lên đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Một trong số dự án lớn được nối tiếp trong dòng chảy thu hút vốn FDI của tỉnh là dự án xây dựng nhà máy của Tập đoàn LEGO và Tập đoàn Pandora với tổng số vốn hơn 1,1 tỷ USD. Các dự án này đều được đầu tư ở khu công nghiệp phía Bắc tỉnh Bình Dương.

Các chuyên gia nhận định, sau khi các địa phương phía Nam như TP. Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An đã đầy ắp dự án công nghiệp, giờ đến lượt những địa phương phía Bắc như Bến Cát, Bàu Bàng… bùng nổ những dự án khu công nghiệp để đón làn sóng đầu tư đổ về.

Việc hình thành các KCN ở phía Bắc cũng đã giúp Bình Dương thu hút mạnh vốn đầu tư phát triển công nghiệp theo kế hoạch. Trong làn sóng dịch chuyển về phía Bắc Bình Dương, Bàu Bàng được cho là địa phương hưởng lợi nhất, bởi nằm ở ví trị gần như chính giữa và là cửa ngõ phía Bắc của Bình Dương. Đây cũng là địa phương được duyệt quy hoạch diện tích khu công nghiệp tăng 6,2 lần so với diện tích đang hoạt động.

Huyện Bàu Bàng được dự báo là "thủ phủ" công nghiệp mới của Bình Dương

Tính đến năm 2020, diện tích KCN đang hoạt động trên địa bàn huyện là trên 1.092ha. Theo quy hoạch đến năm 2030, trên địa bàn huyện sẽ có 10 KCN với tổng diện tích đất tăng gấp 6,2 lần lên 6.796,80ha. Con số này tương đương hơn 50% tổng diện tích KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện tại. Các KCN Bàu Bàng mở rộng tạo điều kiện thuận lợi để thị trường bất động sản nơi đây phát triển.

Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết, KCN Bàu Bàng nói riêng và các KCN khác đang giúp địa phương phát triển nhanh từ thuần nông sang công nghiệp, thúc đẩy phát triển về đô thị, thương mại, dịch vụ, đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm 21,31%. Phải khẳng định rằng, Bàu Bàng đang có tốc độ phát triển khá tốt, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Minh chứng là giá trị sản xuất công nghiệp của Bàu Bàng giai đoạn 2015-2020 tăng trưởng bình quân là 18 - 20%. Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 cũng đạt bình quân 24%; tốc độ tăng dân số bình quân đạt 9,15%/năm.

Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, giá trị sản xuất công nghiệp tại Bàu Bàng đạt 22%/năm; tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 26,5%/năm và tốc độ tăng trưởng dân số đạt 9%/năm.

Với quy hoạch diện tích KCN tăng mạnh, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, giới chuyên gia dự báo chẳng mấy chốc Bàu Bàng sẽ trở thành “điểm nóng” công nghiệp tại Bình Dương. Về lâu dài, khu vực này hứa hẹn sẽ trở thành những khu, cụm công nghiệp tiên phong, là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương. Đây cũng là đòn bẩy, tạo nền tảng gia tăng giá trị bất động sản nhanh và bền vững.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top