Aa

Lượt tìm kiếm tăng vọt, bất động sản Bình Dương “dậy sóng” ở nhiều phân khúc

Thứ Bảy, 22/05/2021 - 13:30

Không chỉ là “thủ phủ công nghiệp” của cả nước, bất động sản Bình Dương thời gian gần đây đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của giới đầu tư ở nhiều phân khúc khác nhau.

Bất động sản Bình Dương “nhộn nhịp” lượt tìm kiếm

Từ lâu bất động sản Bình Dương đã được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp” của cả nước khi sở hữu nhiều các khu công nghiệp đổ về. Tuy nhiên, chính nhờ điểm sáng là phát triển bất động sản công nghiệp mà tại đây, nhu cầu về các phân khúc bất động sản khác cũng tăng theo.

Theo báo cáo từ Batdongsan.com.vn, trong quý I/2021 mức độ quan tâm và tìm kiếm bất động sản ở các khu đô thị vệ tinh và các tỉnh lân cận thành phố lớn trong đó có Hà Nội và TP. HCM tăng mạnh so với quý IV/2020. Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển cả nguồn cung lẫn cầu của các nhà đầu tư về thị trường bất động sản các tỉnh.

Tại khu vực các tỉnh, thành phố lân cận TP.HCM, mức độ quan tâm tăng cao rõ rệt. Cụ thể, Nhơn Trạch tăng 35%, Biên Hòa 17%, Bình Dương 15%. Bên cạnh đó, giá ở các khu vực này cũng thiết lập mặt bằng giá mới với mức tăng cao hơn so với cùng kỳ. Ví dụ Nhơn Trạch tăng 15%, Biên Hòa tăng 16%, Tân Uyên tăng 7%. Trong đó, lượt quan tâm tìm kiếm bất động sản tăng nhiều nhất ở các khu đô thị vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Cũng theo báo cáo quý I/2021 của Batdongsan.com.vn, trong số các tỉnh thành phía Nam, Bình Dương là thị trường được quan tâm nhất. Hiện tại mức độ quan tâm của nhà đầu tư bất động sản đến Bình Dương gấp đôi Long An và vượt Đồng Nai.

Nếu mức độ quan tâm chung tới thị trường bất động sản sau làn sóng Covid-19 năm 2020, đợt 1 tăng 306%, sau Covid-19 lần 2 thị trường tăng 62%, sau Covid-19 lần 3 thị trường tăng mạnh 378%, thì riêng khu vực Bình Dương, lượt tìm kiếm gây bất ngờ với con số thống kê sau các đợt Covid 1,2,3 lần lượt là 620%, 36% và 668%.

Điều đáng chú ý, không chỉ phân khúc bất động sản công nghiệp mà lượt tìm kiến các phân khúc khác cũng tăng cao. Trong đó, phân khúc nhà thấp tầng (đất nền, nhà phố, nhà riêng…) tại Bình Dương tăng lên rõ rệt nhất. Nhiều chuyên gia đánh giá, thời gian tới, nơi đây sẽ có sự bùng nổ loại hình căn hộ cao cấp để đón đầu lượng chuyên gia nước ngoài đang sinh sống, làm việc trong các khu công nghiệp. Giới đầu tư bất động sản cũng kỳ vọng vào tiềm năng sinh lời của phân khúc nhà ở trước sự phát triển mạnh của bất động sản công nghiệp.

Vậy yếu tố nào tạo nên đòn bẩy lớn giúp thị trường bất động sản Bình Dương “dậy sóng”?

bất động sản Bình dương
Lượt tìm kiếm tăng vọt, bất động sản Bình Dương “dậy sóng” ở nhiều phân khúc (Ảnh minh hoạ)

Là thành phố thông minh sở hữu nhiều thành đô vệ tinh

Một trong những yếu tố đầu tiên khiến thị trường bất động sản Bình Dương ngày càng có lực hút mạnh là do sự phát triển kinh tế - xã hội tại mảnh đất này. Được vinh danh lọt vào danh sách “Smart 21” do Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) bình chọn, Bình Dương đã trở thành thành phố thông minh của cả nước. Đây là một dấu mốc quan trọng đánh giá sự phát triển vượt bậc của Bình Dương đối với các thành phố lân cận. Với sự kiện này, Bình Dương đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân ở đây. Từ đó, thu hút được sự quan tâm người dân đến Bình Dương nhằm sinh sống và lập nghiệp.

Ngoài ra, Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 được thông qua vào tháng 10/2020 với nội dung sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành TP. Thủ Đức. Theo đó, nhiều chuyên gia đánh giá, TP. Thủ Đức được hình thành sẽ biến Thuận An và Dĩ An của Bình Dương trở thành những thành phố vệ tinh, tạo đòn bẩy thu hút nguồn vốn đổ vào hạ tầng đầu tư, tạo nền tảng cho thị trường bất động sản.

Nền tảng hạ tầng được đồng bộ

Nằm giáp với hai thành phố lớn là TP.HCM và TP. Thủ Đức, Bình Dương không chỉ có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng mà còn có những quy hoạch đồng bộ về hạ tầng. Bình Dương đã chi gần 10.000 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng trong năm 2020 - 2021. Trong đó, TP. Thuận An là địa bàn được đầu tư trọng điểm với nguồn vốn 6.000 tỷ đồng.

Đơn cử như dự án nâng cấp quốc lộ 13, từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu, Thủ Đức vừa được trình HĐND thành phố xin chủ trương, với tổng vốn đầu tư là gần 10.000 tỷ đồng. Việc nâng cấp hạ tầng dự đoán góp phần tăng thêm sức hút cho bất động sản Bình Dương, bởi quốc lộ 13 là trục đường quan trọng ở cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn, kết nối với Bình Dương và Bình Phước. Ngoài quốc lộ 13, hơn 4.000 tỷ đồng sẽ dành để mở rộng, xây dựng đường ĐT 743A, ĐT 743B với lộ giới 54m. Đường ĐT 743C và ĐT 746 sẽ được tăng lộ giới lên 42m. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Vành đai 3 mở rộng lộ giới 50 - 70m.

bát động sản Bình dương
Bình Dương đã và đang trở thành TP thông minh cùng kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đồng bộ (Ảnh minh hoạ)

Đặc biệt, nằm trong đề án xây dựng thành phố thông minh, tỉnh Bình Dương đã ký kết với doanh nghiệp Nhật Bản để đầu tư hạ tầng công nghệ cáp quang Internet với kinh phí lên đến hơn 4.000 tỷ đồng. Cùng với đó, TP.HCM quyết định kéo dài tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tới thẳng tỉnh Bình Dương, 11km Metro chạy qua Thuận An với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng dự kiến cũng sẽ được hoàn thành trong năm nay nhằm tạo nên cú huých cho thị trường bất động sản Bình Dương bứt phá trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch - Viện Quy hoạch và phát triển đô thị Bình Dương nhận định, chọn Bình Dương là nơi đầu tư cũng là cơ hội để kinh tế Bình Dương phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhưng các chủ đầu tư cũng cần lưu ý một số điều. 

"Về quy hoạch, các chủ đầu tư cần quan tâm đến kết nối hạ tầng, bởi trong thời gian tới việc phát triển thêm các khu dân cư, đô thị mới chắc chắn sẽ có thêm nhiều dự án mới mọc lên, điều này sẽ dẫn đến tình trạng kẹt xe. Do đó, các doanh nghiệp cần chung sức với tỉnh để tháo gỡ tình trạng này. Ngoài ra, cần chú ý vấn đề bảo vệ môi trường để sau này không làm gánh nặng cho cơ quan quản lý", ông Hiếu nhấn mạnh.

Dòng vốn FDI đứng thứ 3 của cả nước

Thu hút lớn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong những đòn bẩy khiến thị trường bất động sản Bình Dương hấp dẫn hơn bao giờ hết. 

Năm 2020, Bình Dương đã trở thành điểm đến an toàn của dòng vốn FDI. Sự dịch chuyển dòng vốn khiến thị trường bất động sản tại “thủ phủ công nghiệp” phía Nam bùng nổ chưa từng có.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, tổng 8 tháng đầu năm 2020, Bình Dương đã thu hút được 1,38 tỷ USD (đạt 81,3% kế hoạch năm 2020). Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước (sau TP.HCM và Hà Nội) về thu hút vốn FDI với 3.855 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, 59 dự án đầu tư mới và 57 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 557 triệu USD. Tổng vốn đăng ký là 34,9 tỷ USD, từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 9,2% tổng vốn FDI cả nước. Bên cạnh đó GRDP bình quân đầu người đạt mức cao (146,9 triệu đồng). Đây cũng là một trong các yếu tố góp phần làm thị trường bất động sản Bình Dương sôi động, là "chiếc bánh ngọt" mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng muốn xí phần.

Bình dương
Bình Dương được mệnh danh là "thủ phủ công nghiệp" - nơi tập trung đông các khu công nghiệp của nước, cùng với đó là lượng lớn đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân, nhân tố thu hút mạnh sự đổ bộ của các nhà đầu tư (Ảnh minh hoạ)

Nơi cung cấp lượng lớn các chuyên gia nước ngoài, khu công nghiệp

“Thủ phủ công nghiệp” của cả nước - Bình Dương có tới 48 cụm và khu công nghiệp đang hoạt động. Những khu công nghiệp này đến từ 43 quốc gia trên toàn thế giới trong đó có Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Nhật Bản. Các khu vực hoạt động chính là TP. Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát.

Với lượng lớn các khu công công nghiệp tập trung khiến đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong và ngoài nước nơi đây cũng tăng cao đáng kể. Cụ thể, khoảng hơn 50.000 chuyên gia, kỹ sư nước ngoài và gần 1 triệu công nhân kỹ thuật cao, kỹ sư trong nước. Mỗi năm nguồn lực lại tăng từ 20 - 25%. Việc tập trung đông dân số kéo theo nhu cầu về nhà ở nói riêng và bất động sản nói chung là rất lớn. Khi lượng cầu lớn sẽ tạo sức hút mạnh mẽ, lôi cuốn các nhà đầu tư bất động sản về Bình Dương để sản xuất nguồn cung. 

Bên cạnh, các yếu tố nói trên thủ tục pháp lý cũng là một yếu tố mang tính quyết định. Ông Nguyễn Trung Tín, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bất động sản An Gia nhận định: "Do thủ tục pháp lý ở TP.HCM siết chặt, nhiều doanh nghiệp phải tìm vùng đất mới, lân cận với TP.HCM để phát triển. Trong đó, Bình Dương được đánh giá là "thủ phủ công nghiệp" phía Nam, dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp với 48 khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam". 

Trước những yếu tố có sức hấp dẫn như trên là nguyên nhân tiên quyết khiến thị trường bất động sản Bình Dương như được "thổi" làn gió mới. Các nhà đầu tư bất động sản sẽ chẳng thể ngồi yên trước lực hấp dẫn từ thị trường này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top