Những dự án vắng người ở...
Bình Dương từng được biết đến là một địa phương có thị trường bất động sản năng động nhờ lợi thế liền kề với TP.HCM và sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Ngoài ra, Bình Dương cũng là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp và hệ thống giáo dục hiện đại.
Đặc biệt, năm 2014, khi thị trường bất động sản của phía Nam gặp khó, thì thị trường của tỉnh Bình Dương vẫn sôi động bởi sự kỳ vọng về Thành phố mới Bình Dương sẽ trở thành một Singapore thu nhỏ, giúp thị trường này trở thành tâm điểm của hoạt động kinh doanh bất động sản.
Thế nhưng, sau nhiều đợt nóng sốt, hiện nay, thị trường địa ốc địa phương này khá trầm lắng, cộng với sự hoang phế của các dự án triệu đô khiến nhiều người khi nhắc đến Bình Dương liền liên tưởng đến những đô thị vắng bóng người.
Đơn cử như Dự án Eco Lakes Mỹ Phước (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát), được đầu tư và phát triển bởi liên doanh 3 đơn vị là Tập đoàn SP Setia Berhad (Malaysia), Becamex IDC và Treasure Link. Dự án được xây dựng trên diện tích 226 ha, số vốn đầu tư lên đến 620 triệu USD và được xem là một trong những dự án đình đám nhất thời điểm năm 2007.
Ngay từ khi triển khai dự án, chủ đầu tư đã vẽ lên một bức tranh “tuyệt mỹ” với nhiều tiện ích không nơi nào sánh được. Cụ thể, Khu đô thị Eco Lakes sẽ được xây dựng theo hướng đô thị sinh thái với nhiều hạng mục như: công viên, hồ bơi, chung cư, biệt thự cao cấp, khu giải trí và thương mại, trường học quốc tế… Đặc biệt, hệ thống cảnh quan, cây xanh với những tên gọi mỹ miều như Vườn Thiên đàng, Thung lũng giấc mơ..., khiến dự án càng thêm lung linh.
Dự án được mở bán đợt 1 từ tháng 10/2009, với khoảng 10.000 đơn vị nhà ở, bao gồm biệt thự, nhà phố và căn hộ. Thời điểm mở bán, chủ đầu tư chào giá từ 2,7 tỷ đồng cho một căn biệt thự, từ 1 tỷ đồng cho một căn nhà phố và từ 600 triệu đồng cho một căn hộ chung cư. Theo công bố, toàn bộ sản phẩm của dự án này đã có chủ và hiện theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, giá đã tăng lên từ 10 - 20% so với giá ban đầu.
Tuy nhiên, trở lại đây vào cuối tuần qua, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản chứng kiến sự hoang vắng của dự án này. Càng đi sâu vào dự án, hình ảnh vắng vẻ càng hiện rõ, hàng loạt căn nhà phố, biệt thự được xây dựng khang trang nhưng bị bỏ trống. Bên cạnh đó, những nền đất đã được phân lô sẵn đều không có bóng dáng của một công trình xây dựng nào, toàn bộ chỉ để cỏ dại thỏa sức mọc.
Ngay tại trung tâm dự án, khu vực có đông người nhất là một hồ nước đang được tận dụng để kinh doanh câu cá giải trí.
Có thể nói, điểm thành công nhất của dự án này là hình ảnh của nhiều bạn trẻ đến đây để chụp ảnh cưới hoặc dã ngoại.
Cũng nằm tại thị xã Bến Cát, Dự án Khu dân cư Mỹ phước 3 cũng trong tình trạng tương tự. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện cơ sở hạ tầng của Khu dân cư đã được hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống giao thông phục vụ cho các khu công nghiệp và các tuyến đường nối thông với đường cao tốc, quốc lộ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một nhân viên môi giới tên Hưng cho biết, hiện giá đất tại khu vực này đã tăng khá cao. Với đường rộng 16 m, giá đất dao động từ 600 - 700 triệu đồng/nền đất tiêu chuẩn 150 m2. Còn đường rộng 25 m, giá từ 900 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/nền. Mức giá này tăng 15 - 30% so với giá chủ đầu tư đưa ra.
Tuy nhiên, mặc dù hạ tầng nội khu và hạ tầng kết nối đã hoàn thiện, thuận lợi và dự án cũng đã bán hết, ra sổ từng nền, nhưng đến nay, toàn bộ Dự án Khu dân cư Mỹ Phước 3 vẫn hoang vắng đến mức lạ thường.
Một dự án hoang khác tại Bến Cát là Green River City (hay còn gọi là Mỹ Phước 4) do Công ty Becamex IJC làm chủ đầu tư. Dự án gồm hàng trăm nền đất, đã được bán hết cho khách hàng từ hàng chục năm trước, nhưng đến nay, không ai đến xây nhà, khiến dự án để hoang cho cây cỏ phủ xanh cao ngút.
Đây chỉ là một vài dự án trong tổng số hàng chục dự án lớn của tỉnh Bình Dương bị bỏ hoang trong cả chục năm trời, gây lãng phí lớn tài nguyên đất và mất mĩ quan đô thị.
... vì chủ yếu là đầu tư
Theo các chuyên gia, tỉnh Bình Dương 10 năm nay đã được quy hoạch rất tốt, từ chính sách quản lý, cơ sở hạ tầng đồng bộ. Cụ thể, từ trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương di chuyển về TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hay lên Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên đều rất dễ dàng nhờ các tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, Đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch, các tuyến đường Vành dai 3, Vành đai 4...
Ngoài ra, Bình Dương cũng tập trung các tiện ích dịch vụ như khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị - triển lãm, khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học quốc tế… Tuy nhiên, do khi triển khai dự án, các chủ đầu tư chỉ chạy theo cơn sốt đất, làm cách nào để bán dự án được nhanh và thu lợi nhuận cao, chứ không quan tâm tới mục đích của khách hàng là đầu tư hay ở thực, nên các dự án đều không có người ở sau khi bàn giao, bởi đa số người mua là nhà đầu tư, không phải mua để ở.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, mặc dù Bình Dương hơn 10 năm qua đã chi khá nhiều tiền để đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông, giúp kết nối từ TP.HCM đến Thành phố mới Bình Dương dễ dàng, nhằm kéo dân cư về ở, nhưng nhiều dự án chung cư, biệt thự khang trang lại vắng bóng người ở do người mua chủ yếu là nhà đầu tư.
Theo đánh giá của một nhân viên môi giới tại Khu dân cư Mỹ Phước 3, hiện giá trị của mỗi sản phẩm bất động sản tại khu vực này quá cao, không phù hợp với thu nhập chung của người dân, vốn chủ yếu là công nhân và người thu nhập trung bình. Trong khi các nhà đầu tư khác vẫn bị ám ảnh vởi các cơn sốt đất trước đây, nên không ít dự án vẫn neo ở giá cao mà rất ít có thanh khoản cũng như cư dân.