Bình Dương phát triển công nghiệp và đô thị song hành

Bình Dương phát triển công nghiệp và đô thị song hành

Thứ Hai, 19/02/2024 - 09:28

Tính đến hết tháng 11/2023, Bình Dương đã thu hút gần 1,5 tỷ USD vốn FDI; gồm 127 dự án mới, 37 dự án điều chỉnh tăng vốn và 138 dự án góp vốn mua cổ phần. Lũy kế hết tháng 11/2023, toàn tỉnh có 4.211 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 40,3 tỷ USD.

Trong đó, bất động sản là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn đầu tư của các tập đoàn lớn, có thương hiệu trên toàn cầu, như: Warburg Pincus, Sembcorp, Tokyu, CapitaLand Development, Aeon… đang và sẽ tiếp tục đóng góp vào sự thay đổi diện mạo đô thị Bình Dương.

Bên cạnh bất động sản thương mại, Bình Dương đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực mạnh rót vốn vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp và sản xuất. Sau thành công của khu công nghiệp VSIP I và II, Becamex IDC và Sembcorp tiếp tục hợp tác xây dựng VSIP III tại Bình Dương trở thành khu công nghiệp không phát thải đầu tiên của Việt Nam. Dự án dù đang trong giai đoạn triển khai, nhưng đã thu hút được các nhà đầu tư lớn từ châu Âu, trong đó phải kể đến Dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) với mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD; dự án xây dựng cơ sở chế tác trang sức của Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) với tổng vốn đầu tư hơn 160 triệu USD.

Cùng với điểm sáng về thu hút FDI, các chỉ số phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương đang có dấu hiệu khởi sắc là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản địa phương phục hồi trở lại. Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023, điểm sáng rõ nét nhất là tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bình Dương có sự chuyển biến tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của toàn nền kinh tế, chiếm 66,26% tỷ trọng, đóng góp khoảng 70% vào tổng giá trị tăng thêm.

Bình Dương phát triển công nghiệp và đô thị song hành- Ảnh 1.
Bình Dương phát triển công nghiệp và đô thị song hành- Ảnh 2.
Bình Dương phát triển công nghiệp và đô thị song hành- Ảnh 3.
Bình Dương phát triển công nghiệp và đô thị song hành- Ảnh 4.

Hệ thống giao thông hạ tầng Bình Dương ngày càng hoàn thiện 

Bước sang năm 2024, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm; triển khai thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung, cụm công nghiệp để từng bước di dời các doanh nghiệp từ các địa phương phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc.

Đặc biệt, tỉnh cũng khẩn trương trình thẩm định và phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với đó phối hợp các địa phương triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ về các tuyến giao thông đường sắt (đô thị, vùng), các tuyến đường cao tốc, quy hoạch các đô thị ven sông, hình thành quỹ phát triển giao thông vùng và các nội dung phát triển vùng về nhân lực, y tế.

Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, UBND tỉnh Bình Dương đang triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển ngành bất động sản.

Với quan điểm “hạ tầng giao thông đi trước mở đường cho sự đột phá”, Bình Dương đã và đang đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng khả năng liên kết vùng và khu vực. Cụ thể, để tạo động lực cho sự phát triển liên vùng, Bình Dương đang dồn lực triển khai các dự án như Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương; cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương và Đồng Nai; mở rộng Quốc lộ 13, hoàn thiện trục đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn - Bến Cát - Bàu Bàng…

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, để hướng tới sự phát triển bền vững, tỉnh đang chú trọng thúc đẩy các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2025 - 2030 và tầm nhìn đến 2045 trở thành đô thị thông minh của vùng và cả nước. Bên cạnh việc luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh, Bình Dương cũng mong muốn hợp tác với các nhà đầu tư, các tập đoàn có tầm cỡ toàn cầu để phát triển các khu đô thị hiện đại, nhiều tiện ích.

Được đánh giá là “thủ phủ công nghiệp” của cả nước, Bình Dương hiện dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp với 48 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam. Với sự phát triển về khu công nghiệp, Bình Dương đang thu hút lượng lao động rất lớn từ ngoài tỉnh đến sinh sống và làm việc.

Chính vì vậy, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương. Tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ người lao động, công nhân, người có thu nhập thấp… cải thiện chỗ ở. Những năm qua, Bình Dương đẩy mạnh xây dựng các khu nhà ở xã hội quy mô lớn góp phần tạo bước đột phá mới, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội.

Chương trình phát triển nhà ở xã hội của Bình Dương ra đời đã góp phần giảm sức ép về nhu cầu nhà ở, mang lại niềm phấn khởi cho người lao động, giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về nhà ở cho đội ngũ công nhân lao động của mình. Sau 10 năm (2011 - 2021) đầu tư xây dựng mô hình nhà ở xã hội, Bình Dương đã đáp ứng chỗ ở cho khoảng 200.000 người với khoảng 60.000 căn nhà. Để có thêm nhiều căn hộ giá rẻ, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, Bình Dương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 toàn tỉnh có thêm 172.879 căn nhà ở xã hội (gồm 167.706 căn chung cư và 5.173 nhà liên kế); tổng diện tích đất khoảng 612,1ha, diện tích sàn xây dựng khoảng 10.110.867m2, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 678.307 người, tổng mức đầu tư khoảng 92.661 tỷ đồng, cao hơn gấp 2 lần chỉ tiêu Chính phủ giao tại Quyết định số 338/QĐ-CP ngày 3/4/2023.

Bình Dương phát triển công nghiệp và đô thị song hành- Ảnh 5.
Bình Dương phát triển công nghiệp và đô thị song hành- Ảnh 6.

Bình Dương là "điểm sáng" của cả nước về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp - Ảnh: Trung Hiếu

Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, giải pháp về quỹ đất được ưu tiên hàng đầu. Dự kiến, Bình Dương có 34 khu vực do các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý; 17 khu vực có sẵn quỹ đất của các nhà đầu tư; 20% quỹ đất đã có sẵn từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị quy hoạch dành cho phát triển nhà ở xã hội; quỹ đất chuyển đổi công năng trên các địa bàn TP. Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TX. Bến Cát…

“Mục tiêu xuyên suốt của tỉnh Bình Dương là công nghiệp hóa, đô thị hóa phải đi đôi với ổn định an sinh xã hội, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Vì thế, bên cạnh việc thu hút đầu tư xây dựng các khu nhà ở thương mại, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội nhằm thực hiện chính sách xã hội hóa việc xây dựng nhà ở để bán và cho thuê đối với người có thu nhập thấp.

Đồng thời, UBND tỉnh liên tục chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương quy hoạch các dự án nhà ở xã hội vào các quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là phải tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai thực hiện nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống cho người lao động, từ đó đóng góp lâu dài cho sự phát triển chung của Bình Dương”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh nhận định.

Trong những năm qua, việc phát triển dự án nhà ở thương mại đã góp phần cung cấp kịp thời diện tích sàn nhà ở cần thiết cho người dân có nhu cầu. Tuy nhiên, năm 2023, thị trường bất động sản Bình Dương cũng không tránh khỏi các khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, các chính sách thắt chặt tín dụng, sự chồng chéo về chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản... Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đầu tư dự án bất động sản, một số chủ đầu tư còn gặp khó về các thủ tục pháp lý, dẫn đến việc triển khai dự án không đúng tiến độ đã được phê duyệt.

Bình Dương phát triển công nghiệp và đô thị song hành- Ảnh 7.

Khu công nghiệp VSIP III (Ảnh VNA)

Theo ghi nhận, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 28 dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, TP. Thủ Dầu Một có 6 dự án; TP. Thuận An có 10 dự án; TP. Dĩ An có 6 dự án; TP. Tân Uyên có 2 dự án; TX. Bến Cát có 2 dự án; huyện Bàu Bàng có 2 dự án.

Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, ngoài những nguyên nhân khách quan do vướng mắc pháp lý và bối cảnh trầm lắng của thị trường bất động sản, nhiều dự án trên địa bàn chậm triển khai còn xuất phát từ chính năng lực của chủ đầu tư.

Theo đó, nhiều chủ đầu tư yếu kém năng lực tài chính, thiếu kinh nghiệm đã không thể vượt qua được những thách thức chung trên thị trường bất động sản. Cùng với đó, chủ đầu tư một số dự án huy động vốn khi chưa đủ điều kiện, chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép huy động vốn, không thực hiện đúng thỏa thuận với người mua, kéo dài thời gian dẫn đến khiếu nại và tập trung đông người gây mất an ninh trật tự. 

Trong khi đó, một số dự án đã bồi thường, giải phóng mặt bằng gần hoàn chỉnh nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đầu tư hạ tầng theo quy hoạch được duyệt và cố tình kéo dài việc đầu tư, mới chỉ san lấp mặt bằng. Một số dự án hoàn thiện 70 - 80% nhưng việc quản lý xây dựng chưa chặt chẽ, xây dựng không theo quy chế, không đúng quy hoạch được phê duyệt, không bảo đảm phòng cháy chữa cháy, làm ảnh hưởng đến tổng thể mỹ quan của toàn bộ dự án. Một số dự án chưa thiết lập quy chế quản lý, chưa lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đã nhận chuyển nhượng, chưa đủ điều kiện bàn giao cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho địa phương quản lý.

Việc chậm triển khai dự án bất động sản không những gây tổn thất kinh tế đối với chủ đầu tư, làm giảm hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án mang lại cho địa phương, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập Tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, theo Quyết định số 241/QĐ-UBND ngày 13/2/2023 và thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo Quyết định số 335/QĐ-UBND ngày 17/2/2023 của UBND tỉnh. Tiếp đó, ngày 26/6/2023, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1586/QĐ-UBND kiện toàn Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và trong triển khai thực hiện dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường thông tin tuyên truyền các chính sách của Trung ương, của tỉnh đến doanh nghiệp; cung cấp số điện thoại đường dây nóng, hệ thống báo cáo trực tuyến; thường xuyên liên lạc qua điện thoại, zalo hoặc qua email với doanh nghiệp để nắm bắt được tình hình hoạt động, từ đó tham mưu UBND tỉnh tổ chức các cuộc họp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các dự án bất động sản.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố nắm bắt tình hình dự án bất động sản có dấu hiệu phát sinh tranh chấp, khiếu nại với người dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc lôi kéo, tụ tập đông người gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Cùng với đó, Sở Xây dựng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở mới được ban hành; tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh việc triển khai thực hiện dự án nhằm bảo đảm đúng quy định của pháp luật./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top