Aa

Bình Dương siết chặt việc tách thửa, phân lô

Thứ Tư, 31/05/2017 - 05:58

Thời gian gần đây, giá đất nền vùng ven TP.HCM đang lên "cơn sốt". Giá đất tại Bình Dương cũng "nóng" theo. Để hạn chế "cơn sốt" này, UBND tỉnh Bình Dương đã có sự chỉ đạo siết chặt việc phân lô, tách thửa bán nền tràn lan, trái phép trên địa bàn.

Quyết định số 38/2014-UBND ngày 22/10/2014 của UBND tỉnh Bình Dương quy định khá chặt chẽ về các trường hợp phân lô, tách thửa. Thế nhưng, thời gian qua, tình trạng phân lô bán nền diễn ra tràn lan, hậu quả nhiều khu dân dư nhếch nhác, hạ tầng không được đồng bộ.

Theo đó, đối với đất ở thửa đất mới phải có diện tích 60m2 trở lên (đối với phường), 80m2 (đối với thị trấn) và 100m2 trở lên đối với xã, các thửa đất mới tách phải tiếp tục giáp đường có kích thước bề rộng và chiều sâu tối thiểu là 4m.

Tình trạng phân lô, tách thửa bán nền đang diễn ra tràn lan.

Tình trạng phân lô, tách thửa bán nền đang diễn ra tràn lan.

Đối với đất nông nghiệp, quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 300m2 (tại các phường), 500m2 (tại thị trấn) và 1.000m2 (tại các xã). Đối với thửa đất nông nghiệp theo quy hoạch không yêu cầu phải tiếp giáp đường khi làm thủ tục tách thửa. Còn đối với đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng thì bắt buộc phải tiếp giáp đường do Nhà nước đầu tư quản lý.

Để quản lý chặt, dự thảo quy định chỉ cho tách thửa đối với thửa đất ở tiếp giáp đường đi do nhà nước đầu tư hoặc quản lý. Các thửa đất tiếp giáp lối đi chung do người dân tự mở không được phân lô, tách thửa.

Tuy nhiên, trong dự thảo quy định khi người sử dụng đất có đủ điều kiện tách một thửa đất lớn thành 5 thửa đất nhỏ trở lên thì phải lập quy hoạch xây dựng tổng thể mặt bằng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 50m2, và chiều sâu cũng phải 3m trở lên.

Đối với những thửa đất lớn muốn tách ra thành 5 thửa nhỏ phải quy hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt

Đối với những thửa đất lớn muốn tách ra thành 5 thửa nhỏ phải quy hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 

“Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương Quyết định 38, tuy nhiên để triển khai thực hiện thực sự có hiệu quả, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với trách nhiệm của chủ đầu tư về hạ tầng, hồ sơ pháp lý”, một doanh nghiệp Bất động sản tại TP. Thủ Dầu Một nhận định.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hà Minh Thành, Giám đốc Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, việc phân lô, tách thửa đang được giám sát chặt chẽ. Mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận khoảng 2 -4% hồ sơ liên quan đến việc tách thửa.

Hiện tại, trên địa bàn Thị xã, những khu đất có diện tích lớn tách thửa không còn nhiều. Bên cạnh đó, việc phân lô, tách thửa với những lô đất lớn đều có các Cơ quan thẩm định rất kỹ lưỡng để tránh trường hợp phân lô, bán nền trái phép.

Chỉ thị 09/CT-UBND ngày 28/3/2016 của UBND tỉnh quy định việc tách thửa đối với các loại đất không phải là đất ở trên địa bàn tỉnh là một văn bản quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền.

Theo đó, UBND xã, phường thường xuyên kiểm tra có biện pháp ngăn chặn các trường hợp tách thửa, phân lô trái quy định, buộc tháo dỡ công trình trên phần đất sai phạm nói trên. Nếu địa phương nào phát hiện việc tách thửa trái phép thì UBND cấp xã phường nơi có đất phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, ông Thành nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top