Khoảng 2 năm trở lại đây, Bình Dương trở thành điểm đến mới của hàng loạt dự án căn hộ. Theo một báo cáo từ Batdongsan.com.vn, nguồn cung Bình Dương chính thức bùng nổ mạnh mẽ từ năm 2019 khi mà TP.HCM siết triển khai dự án mới cùng thực trạng khan hiếm quỹ đất.
Tính riêng trong năm 2019 Bình Dương có hàng chục dự án trên địa phận Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một. Lượng cung căn hộ từ các dự án mới như Bcons Miền Đông, Bcons Garden, Charm City, Skyview, Eco Xuân Lái Thiêu, Stown Gateway, Happy One, Opal Boulevard… làm số lượng căn hộ triển khai tại Bình Dương vượt ngưỡng 12.000 căn, gấp 5 lần dòng sản phẩm nhà liền thổ và gấp 8 lần lượng cung căn hộ của toàn bộ năm 2018 cộng lại.
Năm 2020 dù thị trường chịu ảnh hưởng từ Covid-19 nhưng nguồn cung căn hộ Bình Dương tiếp tục tăng mạnh. Trong năm 2020, tỉnh này chiếm đến 35% nguồn cung căn hộ của khu vực phía Nam, với gần 20.000 căn hộ thuộc các dự án mới được chào bán. Đây là nguồn cung bùng nổ mạnh nhất của thị trường này từ trước đến nay, với hàng loạt dự án như: Astral City; Opal Central Park, New Galaxy, The Emerald Golf View, Parkview Thuận An, Anderson Park; LDG Sky, Bcons Green View, Bcons Bee, Bcons Plaza…
Bước sang năm 2021, nguồn cung tại Bình Dương vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, có thể kể đến Opal Skyline, Star Tower, Icon Plaza, Legacy Central, The Rivana, Aster Garden Tower, Lavita Thuận An (tên cũ là Anderson Park)… Nếu tính tổng nguồn cung các dự án hiện hữu vẫn đang trong quá trình triển khai, Bình Dương đang có gần 40.000 căn hộ, tăng gần gấp 10 lần so với 4 năm trước đó..
Song song đó, giá bất động sản Bình Dương cũng tăng khá cao trong 2 năm qua. Tính đến tính đến thời điểm cuối năm 2020, nhiều dự án mở bán tại TP. Thuận An và Dĩ An có giá bán tăng hơn từ 40 - 50% so với những dự án lân cận mở bán trước đó 2 năm. Trung bình từ 22 - 28 triệu/m2 (2018) lên mức 35 - 40 triệu/m2. Một số dự án còn chào bán với giá 40 - 45 triệu/m2, thậm chí chạm mức 60 - 70 triệu đồng/m2, cao hơn giá bán nhiều dự án vùng ven TP.HCM.
Việc giá nhà đất tăng 50-60% chỉ trong 2 năm ngắn ngủi đang khiến bất động sản Bình Dương trở nên xa tầm với đối với những người có nhu cầu ở thực tại khu vực này. Trong khi đó, việc kéo nhà đầu tư từ các địa phương khác về Bình Dương ngày càng khó, do lượng hàng các nhà đầu tư này mua từ những dự án trước vẫn chưa thoát được. Mặt khác nếu giữ căn hộ để cho thuê thì viễn cảnh giá thuê có thể tuột dốc không phanh, do nguồn cung đã tăng gần gấp 10 lần so với vài năm trước, trong khi nhu cầu thuê không biến động nhiều.
Giảm giá để tháo hàng, chiến lược rút sớm của Hưng Thịnh?
Theo báo cáo thị trường Quý I/2021 từ DKRA Vietnam, riêng tại thị trường trường Bình Dương có dấu hiệu chững nhẹ sau một thời gian tăng trưởng nhanh chóng về cả nguồn cung và giá bán vào năm 2020.
Trong khi đó, báo cáo trước đó từ một đơn vị sở hữu big data cũng cho biết nhu cầu giao dịch nhà đất tại Bình Dương đang có phần chững lại trong Quý 1 sau một thời gian gia tăng cả về nguồn cung lẫn giá bán. Nếu trong năm 2020, nhu cầu tìm mua nhà đất tại Bình Dương luôn duy trì mức tăng từ 14-21%, thì khi bước sang quý 1/2021, khi làn sóng săn tìm bất động sản nóng trên toàn quốc, hình thành nhiều cơn sốt đất tại các tỉnh thành phía Nam thì lượng quan tâm tìm kiếm nhà đất tại Bình Dương chỉ tăng khoảng 3%. Con số này tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An là 20-24%
Đại diện bộ phận nghiên cứu thị trường của đơn vị này cho biết, trong quý 1/2021 vừa qua, giao dịch nhà đất tại thị trường Bình Dương có dấu hiệu chững nhẹ sau một thời gian tăng trưởng nhanh chóng về cả nguồn cung và giá bán. Nếu loại hình đất nền và nhà phố vẫn duy trì được lượng tiêu thụ ổn định, căn hộ đang có động thái đứng yên khi sức mua không tăng bất chấp quý vừa qua, giao dịch bất động sản nóng trên cả nước.
Thực tế, trong gần 1 năm trở lại đây, hàng loạt dự án căn hộ ở Bình Dương đã tung ra các chính sách giãn tiến độ thanh toán 1%/tháng, tăng chiết khấu, bốc thăm trúng thưởng ô tô, thưởng nóng cho môi giới… để kích cầu cho khách hàng và tăng động lực cho môi giới gom khách.
Các chuyên gia phân tích, với những dự án đã công bố giá đợt đầu, việc tăng giá tiếp tục khi thị trường rơi vào thế bão hòa là rất khó. Chủ đầu tư cũng không thể giảm trực tiếp giá bán, mà phải thông qua các chương trình như tặng gói nội thất, phí quản lý, chiết khấu thanh toán nhanh… và đặc biệt là tăng phí môi giới thật cao để thu hút càng đông môi giới vào bán hàng càng tốt.
Mới đây, dự án Anderson Park sau một thời gian dài bán hàng èo uột đã về tay Hưng Thịnh Land. Hiện dự án đã được đổi tên thành Lavita Thuận An với mức giá chào bán chỉ từ 32 triệu/m2, thấp hơn khoảng 3 triệu/m2 so với giai đoạn khoảng giữa năm 2020. Động thái này được các chuyên gia đánh giá là thức thời và thông minh của Hưng Thịnh. Tuy nhiên, điều này được dự báo có thể mở màn cho cuộc đua giảm giá, bán tháo hàng tồn của các doanh nghiệp tại Bình Dương trong thời gian sắp tới.
Trên thực tế Bình Dương là tỉnh có dân nhập cư đông, nhu cầu nhà ở cao, nhưng khả năng thanh toán rất thấp, do phần lớn người nhập cư là công nhân, chỉ có tỉ lệ rất ít là lao động có kỹ thuật cao và chuyên gia. Để bán hàng nhanh, môi giới thường thuyết phục nhà đầu tư ở các nơi khác về mua. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc nhà đầu tư không thoát được hàng sau 6 tháng đến 1 năm sẽ khiến chủ đầu tư và nhà đầu tư tiến thoái lưỡng nan. Khi nhà đầu tư không muốn thanh toán tiếp theo tiến độ, mà bán hàng ra thì khó khăn, việc cắt lỗ khi đó sẽ khiến hàng sơ cấp và thứ cấp cạnh tranh khốc liệt, gây mất lòng tin với khách hàng mới vào thị trường.