Ngày 12/4, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và tỉnh Bình Dương đã tham dự lễ công bố thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. Trước đó, ngày 10/4, Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức có hiệu lực, thị xã Tân Uyên chính thức trở thành thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương.
Thành phố Tân Uyên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 191,76 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 466.053 người, 10 phường và 2 xã của thị xã Tân Uyên. Đây là địa bàn có cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90%; thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng/năm.
Tân Uyên đang trong quá trình bắt đầu hình thành một đô thị thông minh tại đây. Sau khi đạt được tiêu chuẩn đô thị loại III vào năm 2018, kinh tế của khu vực Tân Uyên đã có những bước phát triển đáng kể dựa trên tiền đề là lĩnh vực công nghiệp.
Thành phố Tân Uyên tương lai được kỳ vọng có bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa và hạ tầng giao thông.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND thành phố Tân Uyên, cho biết Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân thành phố sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển Tân Uyên gắn với các quy hoạch, định hướng phát triển đô thị đã được phê duyệt.
Trong đó, sẽ ưu tiên hoàn thành các công trình kết nối vùng đi qua địa bàn như các tuyến đường vành đai 3, 4 TP.HCM, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… để tạo ra không gian phát triển mới cho đô thị.
Sau khi đạt chuẩn đô thị loại 3 vào 2018, kinh tế Tân Uyên đã phát triển mạnh mẽ với bàn đạp là lĩnh vực công nghiệp. Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương này luôn duy trì ở mức hai con số.
Hiện nay, Tân Uyên có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký 32.560,507 tỷ đồng; 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 5.297,55 triệu đô la Mỹ. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt là 64,17% - 34,6% - 1,23%.
Tân Uyên đang có 2 dự án Khu công nghiệp Việt Nam –Singapore lớn nhất Bình Dương và cả nước là VSIP II có quy mô 2.045ha và VSIP III quy mô hơn 1.000ha, có tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỷ đồng. Sắp tới, khu công nghiệp VSIP III sẽ được xây dựng với quy mô khoảng 1.000 ha, tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến hơn 6.400 tỷ đồng.
Ngoài ra, làn sóng hạ tầng cũng góp phần thu hút lượng lớn lao động, các chuyên gia, kỹ sư cấp cao đến sinh sống và làm việc. Điều này cũng kéo theo việc nhu cầu nhà ở sẽ gia tăng và đây cũng là tiền đề để hình thành các khu dân cư, khu đô thị hiện đại liền kề. Mô hình tích hợp giữa khu dân cư và các khu công nghiệp không những cải thiện diện mạo đô thị Tân Uyên phát triển hài hòa và bền vững mà còn thu hút một lượng lực lớn cư dân về an cư lạc nghiệp. Trong 5 năm trở lại đây, nhiều khu đô thị thương mại, khu dân cư mới ở Tân Uyên cũng đã được đầu tư xây dựng.
Theo Báo cáo Kế hoạch Phát triển Nhà ở Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025 , toàn tỉnh sẽ dành ra 1.600 ha đất cho các dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến 130.000 tỷ đồng. Trong đó, thành phố Tân Uyên đứng đầu khi cần đến 274 ha, vốn đầu tư 22.179 tỷ đồng để phát triển những khu đô thị, dân cư mới.
Ghi nhận thông tin từ nhiều đơn vị môi giới bất động sản, hiện nay mức giá bất động sản Tân Uyên rất tiềm năng. Do đó, cơ hội đầu tư cũng như an cư cũng rộng mở và dễ tiếp cận hơn. Các chuyên gia bất động sản nhận định nhà đầu tư “nhạy bén” sẽ thu thập thông tin quy hoạch, hạ tầng từ thời gian đầu, để khi hình thành rõ nét biên lợi nhuận sẽ đạt được cao hơn./.